1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Gửi giá “ăn rỗng” tiền đầu tư tài liệu đề án 112

(Dân trí) - Khống giá in sách lên gấp 2,5-3 lần, hợp đồng in giáo trình, tài liệu cho Ban điều hành đề án 112 sinh lợi lớn cho các nhà in chia nhau. Dù vậy, khoản lợi đó tính ra chỉ bằng 1/3 so với khoản hoa hồng chiết khấu lại cho thành viên Ban điều hành.

“Bán” hợp đồng in ấn 2,3 tỷ ăn chiết khấu 730 triệu đồng

Ngô Thị Nhâm - phó phòng Kinh doanh TCty sách VN, em vợ Lương Cao Sơn xác nhận vai trò liên hệ với Ban điều hành đề án 112 và qua đó mang về được cho Cty hơn chục hợp đồng in sách, giáo trình trị giá 2,3 tỷ đồng. Về khoản chiết khấu 30% thỏa thuận để lại cho Ban 112, Nhâm một mực “đỡ lời” cho anh rể là bản thân chủ động đặt vấn đề, như “thông lệ” với mọi khách hàng thông thường khác.

Tuy nhiên, lời khai của bị cáo “vênh” với hầu hết đồng nghiệp tại TCty sách được thẩm vấn sau đó. Trưởng phòng kinh doanh Nguyễn Thị Phương Hoa quả quyết, Nhâm báo cáo Ban điều hành đề án 112 đặt vấn đề in sách với điều kiện chiết khấu 30% và không ký nhận.
 
Gửi giá “ăn rỗng” tiền đầu tư tài liệu đề án 112 - 1
2,3 tỷ đồng hợp đồng in sách, thành viên Ban điều hành đề án "ăn" 730 triệu triết khấu.

“Mới đầu tôi không nghĩ số tiền chiết khấu đáng kể nhưng sau đó mới thấy tổng số lên tới trên 700 triệu đồng. Số tiền này lấy từ các nhà sách về cũng không qua sổ sách kế toán. Trong khi cả dự án, số “lời” chia trong TCty cũng chỉ 277 triệu đồng. Hành vi nâng giá sách tôi cũng thừa nhận là sai nhưng vì lợi ích chung nên buộc phải làm” - bị cáo “tự thú”.

Kế toán trưởng Lưu Ý Nhi, Phó tổng GĐ Nguyễn Thị Minh Thiệu cũng thừa nhận có được Hoa báo cáo, nhưng chỉ về bản hợp đồng đầu tiên, trị giá 100 triệu đồng. Đều hiểu việc chiết khấu không ký nhận, không qua sổ sách kế toán là không ổn nhưng vì lợi nhuận, các bị cáo lại gật đầu.

Khoản tiền “bồi dưỡng” được Hoa chia cho mỗi người sau đó, các bị cáo cũng nhận chay, không ký tá, vì việc “đã rồi”, “trót sai” nên vẫn nhận. Trung bình, mỗi người cũng chỉ được chia 8,4 triệu đồng. Tổng GĐ Trần Tấn Ngô được ưu đãi hơn chút ít với 17 triệu đồng.

Ở khâu làm việc với các nhà sách, 2 chị em Đặng Thị Hiền (hiệu sách Đông Đô), Đặng Quang Hưng (hiệu sách Hưng Dân) cùng tố chiêu thức gửi giá của Nguyễn Thị Phương Hoa. Hưng khai, cuốn sách Hoa nhờ in tính ra giá 3.200đ/cuốn nhưng trưởng phòng kinh doanh yêu cầu ghi khống lên 8.200đ trong hợp đồng. Chi phí in sách thực tế tại Hưng Dân chỉ hơn 100 triệu đồng nhưng thực tế đã được “tông” lên thành 320 triệu, Hưng chỉ được 10%.

Tương tự, giáo trình tin học in ở Đông Đô được nới giá từ 3.000đ lên thành 9.000đ/cuốn. Hiền nhận thầu hợp đồng hơn 700 triệu nhưng bị cáo chỉ được thanh toán 238 triệu đồng, hưởng lợi 10 triệu. Hơn 400 triệu còn lại Hoa “ôm” cả.

“Không có anh Sơn, tôi vẫn ký được hợp đồng”

Ngoài em vợ Ngô Thị Nhâm, 2 em trai của Thư ký ban điều hành 112 đồng loạt kêu “oan vì… anh”. Lương Cao Phong - GĐ Cty tin học Bộ xây dựng trần tình có anh trai làm Thư ký ban điều hành nhưng không hề biết việc 112 có nhu cầu cung cấp phần mềm tin học mà bản thân chỉ được Lương Cao Sơn trực tiếp gọi lên giao 3 hợp đồng viết sách, lập đề án.

Còn 7/15 hợp đồng đào tạo Phong ký được với Ban là thông qua Phó GĐ trung tâm tin học Văn phòng Chính phủ Nguyễn Cát Hồ, kiếm được 700 triệu đồng. “Tôi khẳng định không có anh Sơn tôi vẫn ký được hợp đồng” - Phong quả quyết.
 
Gửi giá “ăn rỗng” tiền đầu tư tài liệu đề án 112 - 2
Chu Xuân Vinh: "360 triệu đưa Lương Cao Sơn chỉ là quà tết của Cty tin học Toàn Cầu".

Em kế Lương Cao Phi (cán bộ NXB Xây dựng) thì phân trần, bản thân đã nhận được hợp đồng in sách cho Ban 112 nhưng chỉ vì nghĩ việc này có thể gây điều tiếng dị nghị, ảnh hưởng đến anh trai nên đã chấp nhận chuyển lại việc cho NXB Tư pháp.

Bị cáo chỉ nhận trách nhiệm trong việc “ăn” 35 triệu đồng hoa hồng từ Cty in Khuyến học. Còn khoản lợi 420 triệu đồng “bị điều tra viên ép ký nhận để được tại ngoại”, Phi cho rằng bị truy tố sai, bản thân vô tội.

GĐ Cty tin học Toàn Cầu Chu Xuân Vinh lại tỏ ra hoàn toàn mơ hồ, “ngoại đạo” trước các khái niệm chia nhỏ dự án để trị giá luôn dưới 1 tỷ đồng, lách đấu thầu, mua thầu… mà HĐXX truy. Vinh thanh minh, là kỹ sư tin học, chỉ biết việc chuyên môn làm với Ban 112 là về phần mềm, mã nguồn mở, các việc còn lại đều do đơn vị này “đạo diễn”.

Riêng về khoản tiền 360 triệu đồng đã chi cho Lương Cao Sơn sau khi nhận được thầu từ Ban điều hành, Vinh lý giải là “khoản chi quà tết nằm trong quy định của Cty chứ không phải hứa hẹn “lại quả” 15% giá trị gói thầu”. Bị cáo chứng minh: “Không chỉ Sơn, mỗi đối tác, khách hàng đều có quà tết, ít ra như năm 2009 có đến 40 khách hàng”.

Ngắt lời biện bạch của Vinh, chủ tọa phiên tòa “đá” một câu hỏi xoáy: “Nếu chi cho 40 khách, mỗi người 360 triệu thì khoản tiền quà tết hàng năm của Cty bị cáo là bao nhiêu?”. Vinh im bặt…

Tạm xong một lượt thẩm vấn 23 bị cáo, hôm nay, tòa sẽ tiếp tục với xét hỏi các nhân chứng, người có quyền, nghĩa vụ liên quan và dành sân cho VKS, các luật sư “nhập cuộc”.

P.Thảo

Dòng sự kiện: Xét xử vụ Đề án 112