1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

TPHCM sẽ có tàu cao tốc đến sân bay Long Thành

Thư Trần

(Dân trí) - Sở GTVT TPHCM đang lên phương án vận chuyển hành khách từ trung tâm TPHCM đến sân bay Long Thành bằng đường thủy, đặc biệt là tàu cao tốc.

Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TPHCM vừa đưa ra ba phương án nhằm kết nối các tuyến đường thủy từ TPHCM đến sân bay quốc tế Long Thành, kết hợp di chuyển và tham quan du lịch bằng đường thủy.

Phương án 1: Vận chuyển hành khách bằng tàu cao tốc từ bến tàu Bạch Đằng đến bến du thuyền Aqua City (sông Đồng Nai, khu đô thị Aqua City), từ bến tàu Bạch Đằng đến bến du thuyền Swan Bay (dự án Hoa Sen Đại Phước, Cù lao Đại Phước, Nhơn Trạch, Đồng Nai), từ bến thủy nội địa Phú Xuân - Phước Khánh đến bến du thuyền Swan Bay - bến du thuyền Aqua City và từ bến Bạch Đằng đến bến Long Tân.

Tuyến này có chiều dài 22,3km, thời gian di chuyển 35-45 phút, ngắn hơn so với các phương án khác. Thời gian di chuyển bằng đường bộ từ bến du thuyền Swan Bay đến sân bay Long Thành cũng ngắn hơn so với bến du thuyền Aqua City.

TPHCM sẽ có tàu cao tốc đến sân bay Long Thành - 1

Nhà ga hành khách sân bay Long Thành giai đoạn 1 (Ảnh: ACV).

Ngoài ra, khi đường vành đai 3 hoàn thành, thời gian di chuyển sẽ được rút ngắn 5-10 phút so với tuyến đường hiện có.

Phương án 2: Kết nối bằng hình thức khách ngang sông. Cụ thể, từ Bình Khánh (huyện Nhà Bè) qua Nhơn Trạch (tỉnh Đồng Nai), từ khu đô thị Vinhome Grand Park qua bến du thuyền Aqua City, giúp người dân ở khu vực quận 7, quận 8, huyện Nhà Bè thuận lợi di chuyển đến sân bay Long Thành.

Phương án 3: Tăng cường công suất khai thác phà Cát Lái hiện hữu, giúp người dân sống ở khu vực phía Đông TP di chuyển đến sân bay Long Thành thuận lợi trong thời gian chưa triển khai xây dựng cầu Cát Lái. Người dân có thể kết nối đường bộ thông qua đường ĐT.769D (25C) đến sân bay Long Thành với khoảng cách 30km, thời gian di chuyển 45-50 phút.

Sân bay Long Thành có công suất 100 triệu hành khách và 5 triệu tấn hàng hóa mỗi năm. Tổng vốn đầu tư dự án khoảng 336.630 tỷ đồng (khoảng 16 tỷ USD). Giai đoạn một có vốn đầu tư 114.450 tỷ đồng (tương đương 5,45 tỷ USD), bao gồm xây dựng đường cất hạ cánh, nhà ga và các hạng mục phụ trợ với công suất 25 triệu khách/năm, dự kiến hoàn thành vào năm 2026.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm