(Dân trí) - TPHCM đã có chỉ thị chính thức dừng hoạt động chợ tự phát từ 0h ngày 20/6. Ghi nhận trong 2 ngày qua, chợ tự phát có nơi tuân thủ nghiêm ngặt, có điểm họp chợ đông như chưa từng xảy ra dịch Covid-19.
TPHCM: NHIỀU ĐIỂM HỌP CHỢ TỰ PHÁT ĐÔNG ĐÚC NHƯ CHƯA HỀ CÓ DỊCH COVID-19
TPHCM đã có chỉ thị chính thức dừng hoạt động chợ tự phát từ 0h ngày 20/6. Ghi nhận trong 2 ngày qua, chợ tự phát có nơi tuân thủ nghiêm ngặt, có điểm họp chợ đông như chưa từng xảy ra dịch Covid-19.
Sáng 20/6, chợ tự phát trên đường Phạm Đăng Giảng, phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân ghi nhận hình ảnh rất đông người vào chợ mua sắm hàng hóa.
Lực lượng chức năng đã dựng biển báo dừng hoạt động nhưng chợ Bình Thành, phường Bình Hưng Hòa B (quận Bình Tân) vẫn còn vài hộ dọn hàng bán bình thường. "Nghỉ một ngày là đói. Tiền ăn, tiền mặt bằng, tiền này kia... chịu thôi. Buôn bán giữ khoảng cách là được rồi", một tiểu thương giải thích.
Chợ tự phát nằm trên đường Nguyễn Văn Công, bên cạnh chợ Tân Sơn Nhất vẫn có một vài tiểu thương bán rau củ bán cho khách. Khu chợ tự phát này nằm cách địa chỉ sinh hoạt của nhóm truyền giáo Phục Hưng chưa đầy 100 m.
Khác với hình ảnh những con đường thưa vắng ở trung tâm Thành phố, trên đường Liên ấp 2-6, xã Vĩnh Lộc A có nhiều đoạn chợ tự phát gây ùn tắc giao thông.
Lối phụ vào chợ Nữ Dân Công bị phong tỏa, người dân vào chợ chỉ đi lối cổng chính để Ban quản lý kiểm soát người ra vào. Một chủ hàng hoa nằm ngoài khuôn viên chợ lập tức "lấn chiếm" cổng vào để bày bán.
Người dân vẫn buôn bán bình thường ngay trước văn phòng tổ Quản lý Trật tự Đô thị xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh. "Chúng tôi vẫn hết sức cố gắng xử lý tình trạng xử lý nhưng hiện tại không đủ nhân sự, cả tổ Trật tự Đô thị chỉ có 4 người. Các lực lượng mấy ngày nay ngày đêm chốt trực tại các điểm phong tỏa, chúng tôi có đề xuất với thành phố phân bổ thêm nhân sự nhưng chưa được giải quyết. Người dân không biết sợ vẫn buôn bán, thời điểm này rất mong bà con hy sinh một chút, cùng chung tay với chính quyền chống dịch", ông Trần Vũ Hữu Duy, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Lộc A chia sẻ.
Tại một ngã ba trên đường Quách Điêu, nhiều người dân vẫn thoải mái đi chợ, cách đó khoảng 1 km, có 2 điểm phong tỏa vì có ca nghi nhiễm và tiếp xúc gần trường hợp dương tính.
Chính quyền địa phương giăng dây phong tỏa các khu vực diễn ra chợ tự phát nhưng dường như không tác dụng.
Cũng trong buổi sáng, lực lượng chức năng ra quân nhắc nhở các cửa hàng không kinh doanh đồ thiết yếu tạm đóng cửa để phòng dịch. Khi đi nhắc nhở, nhiều tiểu thương, hộ kinh doanh vẫn không biết TPHCM có chỉ thị mới.
Một cán bộ Trật tự Đô thị của xã Vĩnh Lộc A yêu cầu các hộ kinh doanh trả lại vỉa hè, đóng cửa để phòng dịch. Chủ hộ chỉ dẹp cho có lệ, việc buôn bán vẫn diễn ra bình thường ngay sau khi lực lượng chức năng rời đi.
Khu vực hầm chui Tân Tạo (quận Bình Tân) vắng người buôn bán hàng rong thời điểm 16h30 chiều 20/6. Ngày thường, vào giờ tan tầm khu công nghiệp Tân Tạo, nơi đây ken đặc người bán đầy đủ các loại nhu yếu phẩm, rau củ quả...
Đây là đoạn đường song hành Quốc lộ 1A (nằm bên cạnh công ty Pouyuen, khu công nghiệp Tân Tạo, quận Bình Tân), điểm đen về chợ tự phát nay vắng lặng không còn hoạt động. Thường ngày có hàng ngàn công nhân và người bán hàng rong chen chân mua bán.
Lực lượng Trật tự Đô thị túc trực, kiểm soát ở các điểm đen chợ tự phát xung quanh khu công nghiệp Tân Tạo. "Ngày thường dẹp đuối luôn, chúng tôi dẹp chỗ này, họ chạy sang chỗ khác giống như chơi trốn tìm. Từ khi có dịch và hai mẹ con bà bán trái cây tại khu vực cổng sau Công ty PouYuen dương tính, cộng thêm chỉ thị của TPHCM nên người dân ở đây đã... biết sợ", một cán bộ chốt trực cách ly y tế cho biết.
Một số đoạn đường xung quanh công ty Pouyuen ngày thường là chợ tự phát nay bị phong tỏa vì có ca nghi nhiễm.
Tuy nhiên, theo ghi nhận, vẫn còn một vài địa điểm người bán hàng rong bất chấp chỉ thị của UBND TPHCM, ngang nhiên bán hàng dù đã được căng dây phong tỏa.
Đường Thới Hòa, đoạn gần khu công nghiệp Vĩnh Lộc là một "điểm đen" về chợ tự phát, tồn tại nhiều năm nhưng nay vắng lặng vì có nhiều khu vực bị phong tỏa do có ca nghi nhiễm.
Giờ cao điểm, người dân đi qua đoạn đường này phải nhích từng mét vì chợ tự phát gây ùn tắc giao thông. Nay nhiều hộ cũng như một số con hẻm đã bị phong tỏa nên không còn cảnh lấn chiếm vỉa hè, gây kẹt xe vào giờ cao điểm.
Tối 19/6, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong đã ký Chỉ thị khẩn về việc siết chặt và tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn. Chỉ thị nêu rõ, từ ngày 27/4 đến nay, thành phố ghi nhận hơn 1.300 ca mắc Covid-19 với nhiều chuỗi lây nhiễm. Sáu nội dung chính của chị thị:
Thứ nhất, tạm dừng các loại hình dịch vụ, kinh doanh không cần thiết và ngưng hoạt động chợ tự phát. Riêng các chợ truyền thống sẽ giao Sở Công thương hướng dẫn các quận huyện áp dụng các biện pháp giãn cách để đảm bảo an toàn.
Đồng thời dừng toàn bộ hoạt động vận chuyển hành khách công cộng (đường bộ, đường thủy nội địa).
Thứ hai, không tụ tập 3 người đối với nơi công cộng ngoài công sở, phạm vi bệnh viện, trường học (hiện nay quy định 5 người), yêu cầu giữ khoảng cách giãn cách tối thiểu 1,5m (hiện nay quy định 2m).
Thứ ba, yêu cầu người dân ở nhà, chỉ ra ngoài khi thực sự cần thiết như mua lương thực, thực phẩm, cấp cứu, làm việc tại nhà máy, phân xưởng, xí nghiệp và các trường hợp đặc biệt khác.
Thứ tư, cơ sở sản xuất kinh doanh hàng hóa thiết yếu để phục vụ người dân và nhà máy phân xưởng hoạt động bình thường nhưng phải đảm bảo khoảng cách an toàn giữa người lao động với nhau tối thiểu 1,5m, đeo khẩu trang tại nơi làm việc, thực hiện khử trùng, khử khuẩn, đảm bảo thông thoáng thường xuyên và có văn bản cam kết tuân thủ phòng chống dịch gửi cho UBND cấp quận, huyện và Thành phố Thủ Đức nơi nhà máy, phân xưởng đó đặt trụ sở.
Người đứng đầu doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh hàng hóa dịch vụ chịu trách nhiệm áp dụng biện pháp phòng chống dịch tại cơ sở của mình, đảm bảo sức khỏe, an toàn tuyệt đối cho người lao động.
Thứ năm, các cơ sở, đơn vị nhà nước đảm bảo đúng quy định về giãn cách trong quy trình làm việc, các công ty, tập đoàn bao gồm các công ty có vốn đầu tư nước ngoài hạn chế tối đa hoạt động trực tiếp, chuyển sang hình thức làm việc trực tuyến, chỉ đến trụ sở giải quyết công việc thực sự cần thiết, và tuyệt đối thực hiện quy định 5K của ngành y tế.
Thứ sáu, dừng các hoạt động hội họp không cần thiết. Trong trường hợp phải tổ chức hội họp, không được tập trung quá 10 người trong 1 phòng, ngoại trừ các cuộc họp đặc biệt quan trọng được chính quyền địa phương cho phép và phải tuân thủ tuyệt đối quy định 5K của ngành y tế.