TPHCM hơn 100 ngày thực hiện giãn cách xã hội
(Dân trí) - Sau hơn 100 ngày giãn cách xã hội, tình hình dịch Covid-19 tại TPHCM đã có những điểm sáng nhất định trong công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Tuy nhiên, với những điểm sáng ấy là chưa đủ để đạt chỉ tiêu kiểm soát được dịch bệnh theo quy định của Bộ Y tế.
Trong suốt quãng thời gian áp dụng những biện pháp hạn chế tiếp xúc giữa người với người với nhiều cấp độ, mọi hoạt động của thành phố triệu dân được duy trì ở mức tối thiểu nhất.
Hàng triệu giao dịch mỗi ngày của đô thị sôi động nhất cả nước tạm thời vắng bóng, nhường chỗ cho những khoảng lặng cần thiết để đảm bảo an toàn. Cũng trong khoảng thời gian ấy, tinh thần của một thành phố nghĩa tình được bộc lộ rõ hơn bao giờ hết. Những bữa cơm tình nghĩa, những phiên chợ không đồng trở thành những hình ảnh phổ biến của TPHCM trong đợt bùng phát dịch nặng nề nhất. Ngoài sự chung tay của đồng bào thành phố, hàng nghìn y, bác sĩ, tình nguyện viên cùng vào chi viện với một mong muốn chung là giúp TPHCM vượt qua đợt trọng thương.
Ngày bắt đầu giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 toàn địa bàn và Chỉ thị 16 tại quận Gò Vấp và phường Thạnh Lộc (quận 12): 0h ngày 31/5.
Những ngày đầu tiên giãn cách: Ùn ứ, tập trung đông người tại các chốt kiểm soát dịch ở quận Gò Vấp và quận 12. Thành phố mất một vài ngày để khắc phục tình hình. Ngày 8/7, Chủ tịch UBND TPHCM ký quyết định áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo tinh thần của Chỉ thị 16. Phương án này được áp dụng trong vòng 15 ngày kể từ 0h ngày 9/7.
Trong 2 tuần giãn cách đầu tiên, TPHCM đã khống chế được ổ dịch liên quan điểm nhóm truyền giáo Phục Hưng. Tuy nhiên, nhiều ổ dịch khác được phát hiện ngoài cộng đồng, chưa rõ nguồn lây. Cũng trong thời gian này, thành phố phát hiện nhiều trường hợp lây nhiễm liên quan đến khu chế xuất, khu công nghiệp (Pouyuen, Khu Công nghệ cao…).
Giữa tháng 6, TPHCM phát hiện nhiều chuỗi lây nhiễm liên quan đến nhân viên y tế của Bệnh viện Nhiệt Đới.
Cuối tháng 7, TPHCM chuyển chiến lược phòng, chống dịch sang tập trung điều trị, hạn chế số ca tử vong. Thành phố cũng nâng cấp Trung tâm 115 để hạn chế việc chậm chuyển bệnh nhân đi cấp cứu.
Ngày 20/6, thành phố khởi động chiến dịch tiêm chủng vắc xin lớn nhất lịch sử tại Khu Công nghệ cao, Khu Công viên phần mềm Quang Trung. Cuối tháng 6, thành phố triển khai áp dụng test nhanh tầm soát diện rộng toàn địa bàn. Trong nửa đầu tháng 7, nhiều quận, huyện trên địa bàn TPHCM thiết lập hàng loạt vùng phong tỏa, vùng cách ly y tế do phát hiện ca mắc Covid-19.
Nửa cuối tháng 8, với việc tiếp tục mở rộng xét nghiệm tầm soát F0 trong cộng đồng, tỷ lệ F0 trong cộng đồng ghi nhận tại địa bàn tăng mạnh trong nhiều ngày.
Ngày 22/8, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Ngô Minh Châu đã ký văn bản khẩn gửi các đơn vị về việc điều chỉnh nội dung kế hoạch triển khai công tác xét nghiệm Covid-19 trên địa bàn. Thành phố xét nghiệm nhanh toàn bộ người dân ở "vùng cam", "vùng đỏ".
Trong nửa đầu tháng 7, TPHCM cũng gấp rút xây dựng hàng loạt bệnh viện dã chiến, khu cách ly theo hướng tận dụng các tòa nhà chung cư tái định cư.
Ngày 6/7, các tiểu thương được yêu cầu dọn dẹp toàn bộ hàng hóa ra khỏi chợ đầu mối Bình Điền sau khi hàng chục ca mắc Covid-19 được ghi nhận tại đây. Ngày 7/7, Chợ đầu mối Thủ Đức cũng đóng cửa do liên quan nhiều ca mắc Covid-19. Cũng khoảng thời gian cuối tháng 7, bà con các tỉnh thành khác trú tại TPHCM đã kéo nhau về quê.
Ngày 7/7, các thí sinh tại TPHCM tham gia kỳ thi đặc biệt trong thời gian dịch Covid-19 bùng phát. Một số sự cố liên quan đến dịch Covid-19 đã xuất hiện tại một vài nơi.
Chiều 11/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng đoàn công tác của Chính phủ đã có buổi làm việc với UBND TPHCM về công tác phòng, chống dịch Covid-19. Tại phiên làm việc, thành viên của đoàn công tác đã có những ý kiến mang tính gợi ý và đề nghị cho thành phố trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 thời gian tới.
Chiều 29/7, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng đoàn lãnh đạo TPHCM đã đến thăm khu vực phong tỏa tại khu phố 1 (thị trấn Hóc Môn, huyện Hóc Môn). Chuyến thăm của Chủ tịch nước diễn ra ngay sau khi kết thúc kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV.
Tối 25/7, tại cuộc họp mở rộng của Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND thành phố, đưa ra chỉ đạo, từ ngày 26/7, sau 18h, người dân tuyệt đối không ra đường, tất cả hoạt động trên địa bàn tạm dừng, trừ trường hợp cấp cứu theo yêu cầu phòng, chống dịch bệnh. Ngày 1/8, Chủ tịch UBND TPHCM ký văn bản khẩn về việc tiếp tục áp dụng biện pháp giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19. Theo đó, toàn địa bàn tiếp tục áp dụng Chỉ thị 16 của Thủ tướng thêm 14 ngày, kể từ 0h ngày 2/8.
Tối 15/8, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong đã ký văn bản khẩn gửi các sở, ngành, quận, huyện, thành phố Thủ Đức cùng các doanh nghiệp về việc tiếp tục áp dụng biện pháp giãn cách xã hội toàn thành phố để quyết liệt kiểm soát dịch Covid-19. Theo đó, thành phố tiếp tục áp dụng Chỉ thị 16 từ 0h ngày 16/8 đến hết ngày 15/9 với nguyên tắc "ai ở đâu thì ở đó".
Ngày 10/8, Chính phủ lần đầu tiên đưa ra một mốc thời gian cụ thể cho TPHCM trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, theo đó địa phương này cần phấn đấu kiểm soát được dịch bệnh trước ngày 15/9.
Ngày 22/8, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong đã ký ban hành Chỉ thị khẩn số 11 về tăng cường giãn cách xã hội và các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19.
UBND TPHCM quy định, từ ngày 23/8, các nhóm đối tượng lưu thông cần có giấy đi đường và có dấu hiệu nhận diện riêng.
Ngày 8/7, ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM, cho biết, thành phố đã thống nhất sẽ chi trả toàn bộ chi phí làm hậu sự cho bệnh nhân mất do Covid-19. Mức chi dự kiến là 17 triệu đồng cho mỗi trường hợp. Cùng ngày 8/7, Bí thư Thành ủy TPHCM cho biết, quân đội sẽ thực hiện giao tro cốt đến từng gia đình bệnh nhân tử vong do Covid-19. Các cơ sở tôn giáo sẽ lưu giữ tro cốt tạm thời nếu người thân chưa thể tiếp nhận. Cuối tháng 8, hàng nghìn quân nhân từ Hà Nội và TPHCM chống dịch, tham gia tại các chốt kiểm soát, đi chợ hộ, chăm sóc bệnh nhân F0…
Sau thời gian hơn 100 ngày giãn cách xã hội với cấp độ tăng dần, TPHCM đang đứng trước 2 luồng sức ép về việc cần mở cửa lại. Sức ép đầu tiên đến từ mục tiêu phải phục hồi và phát triển nền kinh tế, sức ép còn lại đến từ mong muốn của người dân, doanh nghiệp và cả hệ thống chính quyền. Lãnh đạo TPHCM từng nhận định, việc giãn cách nghiêm ngặt, kéo dài không thể thực hiện bởi sức chống chịu của nền kinh tế và sức chịu đựng của người dân có giới hạn.
Tuy nhiên, quyết định áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội được đưa ra khó bao nhiêu, thì việc quyết định nới lỏng các biện pháp chắc chắn còn khó hơn nữa. Bởi, khi đã mở lại các hoạt động, thành phố cần những kịch bản, phương án hoàn hảo để tránh lâm vào tình cảnh dịch bệnh tái bùng phát trở lại. Sau quãng thời gian dài giãn cách, nguồn lực bị tổn hao lớn bởi dịch bệnh, nếu để diễn ra một đợt bùng phát dịch lớn thêm lần nữa, TPHCM chắc chắn sẽ đứng trước thử thách lớn hơn nhiều lần so với hiện tại.