Tối nay khu vực thủy điện Rào Trăng 3 có mưa

Nguyễn Dương

(Dân trí) - Từ hôm qua đến sáng nay (15/10), thời tiết tại khu vực thủy điện Rào Trăng 3 (Huế) tốt, thuận lợi cho công tác tìm kiếm các nạn nhân mất tích. Tuy nhiên, đến tối nay, dự báo khu vực này sẽ có mưa.

Sáng nay (15/10), Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đã tổ chức cuộc họp ứng phó với áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão số 8 và khắc phục mưa lũ ở miền Trung. Cuộc họp do Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường chủ trì.

Tối nay khu vực thủy điện Rào Trăng 3 có mưa - 1

Quang cảnh cuộc họp.

Tối nay khu vực thủy điện Rào Trăng 3 bắt đầu có mưa

Liên quan đến tình hình thời tiết tại khu vực thủy điện Rào Trăng 3, Trạm Kiểm lâm số 67 (xã Phong Xuân, huyện Phong Điền, Thừa Thiên Huế) - nơi đang có nhiều người gặp nạn, mất liên lạc, ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia cho biết: Thời điểm hiện tại (sáng 15/10), thời tiết ở huyện Phong Điền không mưa, sáng và trưa nay thời tiết ổn định, đôi lúc có mưa nhưng lượng mưa bé (dưới 5mm).

"Dự báo, từ tối nay mưa bắt đầu quay trở lại khu vực này. Hiện nay, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia cũng đang phối hợp liên tục với Đài khí tượng thủy văn Thừa Thiên Huế để cập nhật dự báo từng giờ cho khu vực Phong Điền (Thừa Thiên Huế)", ông Khiêm nói.

Miền Trung sắp đối mặt với mưa lớn

Tối nay khu vực thủy điện Rào Trăng 3 có mưa - 2

Ông Mai Văn Khiêm thông tin tại cuộc họp.

Ông Khiêm cho biết, sáng nay áp thấp nhiệt đới đã vào Biển Đông, tốc độ di chuyển tương đối nhanh. Cơn áp thấp này đang kết hợp với 3 hình thái thời tiết phức tạp.

Cụ thể, hiện nay đang có một dải hội tụ nhiệt đới vắt qua khu vực Trung Trung Bộ; ngày 16-17/10 có tăng cường đợt không khí lạnh từ phía Bắc xuống khu vực Trung Trung Bộ; áp cao cận nhiệt đới đang tiếp tục lấn xuống phía Tây – đây chính là hình thái tạo ra nhiễu động gió Đông trên cao, là một trong những điển hình kết hợp với không khí lạnh và dải hội tụ nhiệt đới thường gây ra những đợt mưa lớn trên diện rộng ở khu vực miền Trung.

"Hoạt động của cơn áp thấp nhiệt đới này khả năng mạnh lên thành bão chỉ khoảng 50-60%, nếu thành bão cũng không quá mạnh. Tuy nhiên, dù có mạnh lên thành bão hay không thì cơn áp thấp nhiệt đới này kết hợp với hoàn lưu của 3 hình thế thời tiết phân tích ở trên sẽ gây ra một đợt mưa lớn ở các tỉnh miền Trung", ông Khiêm cho biết.

Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia cho biets, theo quan sát từ ảnh mây vệ tinh và quan trắc từ các tàu thì lượng ẩm ở phía Đông khá "dồi dào". Từ hôm nay cho đến 2-3 ngày tới, sẽ có gió mạnh ở khu vực giữa Biển Đông.

Ngoài ra, tại các tỉnh miền Trung mưa có thể xuất hiện từ chiều tối nay cho đến ngày 20/10 (tập trung từ ngày 17-19/10). Trong đó, mưa tại khu vực Hà Tĩnh, Quảng Bình khoảng 400-700mm, có nơi trên 700mm; Quảng Trị đến Thừa Thiên Huế dự báo sẽ có mưa 300-500mm, có nơi trên 500mm; khu vực Phú Yên có lượng mưa thấp hơn, khoảng 200-400mm.

Mưa ở khu vực Quảng Nam, Đà Nẵng sẽ kết thúc sớm hơn so với khu vực từ Thừa Thiên Huế trở ra Hà Tĩnh.

Quyết liệt cứu hộ, cứu nạn ở thủy điện Rào Trăng 3 và Trạm Kiểm lâm số 67

Tối nay khu vực thủy điện Rào Trăng 3 có mưa - 3

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp.

Phát biểu kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho hay, trong trong vòng nửa tháng gần đây, đặc biệt từ ngày 5/10 đến nay xuất hiện nhiều hình thái thời tiết bất lợi, từ hậu quả tác động của bão số 5 - áp thấp nhiệt đới - bão số 6 và số 7.

Trong thời gian rất ngắn các hiện tượng dị thường thời tiết trùng lặp cùng một thời điểm, đây là điểm đáng chú ý. Phạm vi gây thiệt hại vào vùng trọng điểm Trung Bộ - vùng rất dễ tổn thương vì có các lưu vực sông dày đặc nhưng ngắn, độ dốc cao, gây thiệt hại nặng nề.

Bộ trưởng cho rằng, chúng ta đã cố gắng rất lớn ứng phó thiên tai trong 15 ngày vừa qua, bây giờ vừa khắc phục và chuẩn bị các bước ứng phó nếu xảy ra cơn bão số 8.

Để ứng phó với hoàn lưu bão số 7, Bộ trưởng yêu cầu các tỉnh ven biển của đồng bằng sông Hồng, Ninh Bình, Quảng Ninh, Hải Phòng và khu vực Đông Bắc không được chủ quan trước diễn biến của mưa. Cần theo dõi chặt chẽ hồ, đặc biệt là hồ thuỷ điện.

Bộ trưởng yêu cầu tập trung phục hồi đời sống nhân dân, chuẩn bị tích cực nhất để ứng phó với hoàn lưu của áp thấp nhiệt đới hay bão số 8 sắp tới. Đồng thời quyết liệt cứu hộ cứu nạn tại thuỷ điện Rào Trăng 3 và trạm kiểm lâm 67.

Ông cũng yêu cầu Trung tâm dự báo khí tượng cần dự báo cố gắng sát nhất; Bộ Công Thương kiểm tra lũ rút đến đâu thì cần phục hồi điện; các đơn vị tiếp tục phương châm 4 tại chỗ…