Thứ trưởng Bộ Y tế lý giải nguyên nhân của hàng loạt vụ ngộ độc thực phẩm
(Dân trí) - Theo Thứ trưởng Bộ Y tế, nguyên nhân gây ra các vụ ngộ độc tập thể ở nhiều địa phương là cơ sở kinh doanh sử dụng nguyên liệu trôi nổi, chưa rõ nguồn gốc, chưa được kiểm soát chặt chẽ.
Tại họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 1/6, báo chí đặt câu hỏi cho lãnh đạo Bộ Y tế về nguyên nhân và giải pháp kiểm soát ngành an toàn thực phẩm khi thời gian qua, cả nước xảy ra hàng loạt vụ ngộ độc tập thể, gây lo lắng cho người dân.
Trả lời, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết trong 5 tháng đầu năm nay, cả nước xảy ra 36 vụ ngộ độc thực phẩm, trên 2.100 người mắc và 6 người tử vong, giảm 10% số vụ và giảm 46% người tử vong so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo ông Tuyên, thời gian qua, nhiều vụ ngộ độc lớn xảy ra ở Đồng Nai, Khánh Hòa, Vĩnh Phúc. Sau khi xảy ra, Bộ Y tế đã chỉ đạo các cơ sở y tế trên địa bàn tập trung cứu chữa người bệnh, hạn chế tối đa các trường hợp chuyển nặng, tử vong.
Đồng thời, Bộ chỉ đạo các địa phương đình chỉ ngay các cơ sở cung cấp thực phẩm để tiến hành kiểm tra đánh giá, truy xuất tìm nguyên nhân, lấy vật phẩm để xét nghiệm.
Sau khi tiến hành truy xuất nguồn gốc cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), Bộ Y tế nhận định một trong những nguyên nhân gây ra các vụ ngộ độc trên là một số cơ sở sản xuất kinh doanh cung cấp đã được cấp chứng nhận an toàn nhưng còn hiện tượng thu gom nguyên liệu trôi nổi, chưa rõ nguồn gốc, chưa được kiểm soát chặt chẽ, thực phẩm bị nhiễm khuẩn…
Từ đầu năm, Bộ Y tế cũng tham mưu các địa phương, đơn vị triển khai thực hiện tốt các chỉ thị, nghị định, đồng thời hướng dẫn thực hiện 10 khuyến cáo của WHO về đảm bảo an toàn thực phẩm, bao gồm việc sử dụng thực phẩm sạch, nơi chế biến ăn uống phải đảm bảo vệ sinh.
Sau khi xảy ra các vụ việc ngộ độc, Bộ Y tế cùng Bộ NN-PTNT, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị trực tuyến, đồng thời đề nghị các địa phương phải kiện toàn ban an toàn thực phẩm, có phân công rõ ràng, rà soát điều chỉnh bổ sung quy chế làm việc của Ban An toàn thực phẩm để nâng cao năng lực hiệu quả.
Cùng với đó, đơn vị chức năng triển khai hướng dẫn đảm bảo an toàn thực phẩm, đề nghị các địa phương kiên quyết không để cơ sở không có giấy đăng ký an toàn thực phẩm hoạt động, không để tồn tại cơ sở đủ giấy phép rồi mà không đủ điều kiện hoạt động...
"Đề nghị các cơ quan, doanh nghiệp, khu chế xuất, khu công nghiệp kiên quyết không ký hợp đồng với các cơ sở không đủ điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm. Vì hiện nay, bếp ăn tập thể tại các đơn vị không chỉ tổ chức bếp nấu tại chỗ, mà còn ký hợp đồng với các đơn vị cung cấp để mang thực phẩm từ ngoài vào", ông Tuyên cho biết.
Chỉ trong tháng 5, hàng loạt vụ ngộ độc tập thể xảy ra ở các địa phương:
- Ngày 28/5, sau buổi cơm trưa tại nhà ăn của nhà máy may Việt - Nhật (huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An), hàng loạt công nhân bất ngờ xuất hiện các triệu chứng như đau bụng, buồn nôn. 70 người phải nhập viện cấp cứu nghi bị ngộ độc sau bữa ăn trưa.
- Ngày 14/5, tại Công ty TNHH Shinwon Ebenezer Việt Nam (Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc) tổ chức cho khoảng hơn 3.298 công nhân ăn trưa. Trong khoảng 14h-17h cùng ngày, có 356 công nhân của công ty có biểu hiện đau bụng, buồn nôn, có dấu hiệu ngộ độc thực phẩm và phải nhập viện.
- Đầu tháng 5, gần 500 người ở Đồng Nai có dấu hiệu ngộ độc như đau bụng, tiêu chảy, buồn nôn..., nhập viện cấp cứu, chẩn đoán nhiễm trùng đường ruột, nghi ngộ độc thực phẩm. Những người này đều ăn bánh mì ở tiệm bánh mì Băng, ở đường Trần Quang Diệu, phường Xuân Bình.