Thông điệp mạnh mẽ về "ASEAN tầm vóc, tự cường và năng động"
(Dân trí) - "Tầm vóc của ASEAN thể hiện ở việc thành công thu hút sự tham gia của các nước lớn và nhiều đối tác vào hợp tác khu vực và cùng ứng phó thách thức, vì lợi ích chung", theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt nhấn mạnh điều này trong cuộc trả lời phỏng vấn sau khi Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 43 và các hội nghị cấp cao liên quan kết thúc. Thủ tướng Phạm Minh Chính dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự hội nghị từ ngày 4/9 đến 7/9.
"Sau 3 ngày, hội nghị có gần 20 hoạt động với khoảng 90 văn kiện được thông qua", Thứ trưởng Bộ Ngoại giao thông tin.
Ba điểm nổi bật
Những điểm nổi bật của hội nghị được Thứ trưởng Đỗ Hùng Việt khái quát trong 3 nội dung.
Thứ nhất, dấu ấn về tầm vóc của ASEAN được khẳng định rõ nét và xuyên suốt. Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, tầm vóc ASEAN ngày hôm nay là kết quả của cả một quá trình nỗ lực không mệt mỏi trong suốt hành trình 56 năm qua.
Với bối cảnh đầy biến động hiện nay, các giá trị này tiếp tục được phát huy, đưa ASEAN vượt qua khó khăn, thử thách, khẳng định vai trò và uy tín ở khu vực và thế giới.
"Tầm vóc của ASEAN còn thể hiện ở việc thành công thu hút sự tham gia của các nước lớn và nhiều đối tác vào hợp tác khu vực, cùng ứng phó thách thức, vì lợi ích chung hòa bình, ổn định và phát triển", Thứ trưởng Việt nhấn mạnh.
Theo ông, sự hiện diện của gần 20 đối tác tại các hội nghị lần này cùng nhiều đề xuất hợp tác và thiết lập, nâng cấp quan hệ (với Nhật Bản, Canada, IORA, PIF) phản ánh cam kết và sự coi trọng của các đối tác dành cho ASEAN.
Thứ hai, ông Việt nêu rõ các nỗ lực hiện thực hóa ASEAN là tâm điểm của tăng trưởng. "Đây không chỉ là khát vọng mà còn là sứ mệnh của ASEAN nhằm bảo đảm tốt hơn, hiệu quả hơn môi trường hợp tác và phát triển cho 680 triệu người dân khu vực", theo lời lãnh đạo Bộ Ngoại giao.
Để thực hiện mục tiêu này, ASEAN đã có những bước chuyển trong chiến lược hợp tác, cả nội khối và với các đối tác. Ông Việt phân tích đó là chuyển đổi trong nhận thức, chuyển dịch trong tiếp cận và chuyển hướng trong hành động.
"Các thỏa thuận, sáng kiến như Xây dựng Hiệp định khung kinh tế số ASEAN, Chiến lược trung hòa carbon, phát triển hệ sinh thái xe điện, Khung kinh tế biển xanh… là những bước đi chủ động, sáng tạo của cả ASEAN và đối tác, nhằm định hình và dẫn dắt xu hướng hợp tác mới ở khu vực", ông Việt nhận định.
Điểm nổi bật thứ ba mà ông nhắc tới là chuẩn bị những hành trang ban đầu cho giai đoạn phát triển tiếp theo của ASEAN. Hội nghị Cấp cao đã xem xét, ghi nhận Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2045 xác lập khuôn khổ chiến lược của ASEAN trong 20 năm tới.
Thông điệp quan trọng của Việt Nam
Chia sẻ đóng góp của Việt Nam tại hội nghị quan trọng này, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao cho biết Thủ tướng Phạm Minh Chính đã dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham dự và có các bài phát biểu quan trọng, mang tới ASEAN và các đối tác nhiều thông điệp, định hướng và sáng kiến thiết thực.
Trước hết, để giữ vững ASEAN tầm vóc và tâm điểm của tăng trưởng, Thủ tướng nhấn mạnh các nước ASEAN cần tháo gỡ điểm nghẽn và rào cản về chính sách và thể chế, duy trì ổn định chuỗi cung ứng nội khối.
"Thủ tướng nêu rõ, ASEAN cần xác định bảo đảm hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực, là trách nhiệm và nỗ lực tự thân của chính ASEAN. Muốn vậy, các nước ASEAN phải nêu cao tinh thần đoàn kết, độc lập, tự chủ và tự cường bằng cả lời nói và hành động", Thứ trưởng Bộ Ngoại giao nói.
Ông cho biết thêm tại hội nghị, Thủ tướng đã cùng các lãnh đạo trao đổi sâu rộng về vấn đề khu vực và quốc tế, tái khẳng định lập trường nguyên tắc của ASEAN trong vấn đề Biển Đông.
Thủ tướng nhấn mạnh bảo vệ hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông vừa là lợi ích, vừa là trách nhiệm của tất cả các nước.
Nhấn mạnh tinh thần cốt lõi "lấy người dân làm trung tâm, mục tiêu, động lực" của tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN, Thủ tướng cũng góp ý cần định hướng phát triển đồng đều và bền vững, đặc biệt ở các vùng sâu, vùng xa, tiểu vùng.
Thủ tướng thông báo Việt Nam sẽ đăng cai tổ chức Diễn đàn Tương lai ASEAN về phát triển nhanh, bền vững, lấy người dân làm trung tâm, nhằm bổ trợ cho các diễn đàn, cơ chế chính thức của ASEAN, tạo cơ hội trao đổi rộng rãi về các ý tưởng, sáng kiến cho hợp tác khu vực, góp phần xây dựng Cộng đồng ASEAN tự cường và bền vững.
Với mục tiêu nâng tầm hợp tác giữa ASEAN với các đối tác, Thủ tướng đề nghị tập trung đẩy mạnh giao thương, đầu tư, kết nối doanh nghiệp, ổn định chuỗi cung ứng, hỗ trợ tiếp cận thị trường của nhau; mong muốn các đối tác hỗ trợ tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho hàng hóa của Việt Nam và các nước ASEAN.
Bên cạnh đó, người đứng đầu Chính phủ Việt Nam đề nghị các nước cần phối hợp chặt chẽ với nhau, phát huy các tư duy mới, phương thức mới và công nghệ mới trong quá trình chuyển đổi sâu sắc này.
Ngoài ra, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao cho biết Thủ tướng đã có gần 20 cuộc gặp gỡ, tiếp xúc với lãnh đạo các nước, tổ chức quốc tế tham dự hội nghị, góp phần tăng cường quan hệ giữa Việt Nam với các đối tác.
Việc này, theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, góp phần đưa hợp tác chính trị - ngoại giao, kinh tế - thương mại - đầu tư, an ninh - quốc phòng, văn hóa - giáo dục, giao lưu nhân dân… ngày càng đi vào chiều sâu, hiệu quả, thực chất.
Bên cạnh đó, Thủ tướng cùng lãnh đạo các nước và các tổ chức quốc tế cũng nhất trí đẩy mạnh hợp tác trên các lĩnh vực mới như chuyển đổi số, chuyển đổi năng lượng, phát triển kinh tế xanh và bền vững.
"Các đối tác đều đánh giá cao kết quả phát triển kinh tế - xã hội, điều hành của Chính phủ Việt Nam trong thời gian qua, đồng thời ghi nhận vai trò năng động và những đóng góp tích cực của Việt Nam tại ASEAN và khu vực", Thứ trưởng Đỗ Hùng Việt thông tin.