"Liên hợp quốc cần sự đồng hành của ASEAN"

Hoài Thu

(Dân trí) - Đánh giá cao các nước ASEAN đã cử hơn 5.000 nhân viên tham gia gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, ông Antonio Guterres khẳng định Liên hợp quốc cần sự đồng hành của thể chế đa phương như ASEAN.

Điều này được Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres nhấn mạnh khi phát biểu tại Hội nghị Cấp cao ASEAN - Liên hợp quốc, chiều 7/9. "Trong bối cảnh đầy thách thức, Đối tác toàn diện ASEAN - Liên hợp quốc càng có ý nghĩa quan trọng", ông Antonio Guterres chia sẻ.

Đề cao chủ nghĩa đa phương, đảm bảo công bằng, công lý

Tổng Thư ký khẳng định trong thế giới đa cực hiện nay, Liên hợp quốc cần sự đồng hành của các thể chế đa phương như ASEAN. Ông đánh giá cao các nước ASEAN đã cử hơn 5.000 nhân viên tham gia gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc đề nghị đẩy mạnh hợp tác hai bên trong thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, trong đó chú trọng hợp tác chuyển đổi năng lượng, giáo dục số, y tế, việc làm, bảo tồn đa dạng sinh học, quản lý thiên tai…

Liên hợp quốc cần sự đồng hành của ASEAN - 1

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres phát biểu tại Hội nghị (Ảnh: Đoàn Bắc).

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh trong bối cảnh ngày nay, ứng phó với các vấn đề toàn cầu chỉ có thể thành công thông qua cách tiếp cận toàn cầu, toàn dân và đề cao chủ nghĩa đa phương, đảm bảo công bằng, công lý.

Ông kỳ vọng Đối tác toàn diện ASEAN - Liên hợp quốc phải thực sự trở thành một trong những ngọn cờ đầu trong củng cố đoàn kết quốc tế, kiên trì hợp tác đa phương, bảo đảm vững chắc hòa bình, an ninh và thúc đẩy phát triển thịnh vượng, bền vững trên thế giới.

Thủ tướng đề nghị Liên hợp quốc đặc biệt quan tâm, hỗ trợ Việt Nam và các nước lưu vực sông Mekong trong quản lý, sử dụng bền vững nguồn nước, nâng cao năng lực ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng, nhất là tại vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Khẳng định Việt Nam là thành viên tích cực, chủ động của ASEAN và Liên hợp quốc, Thủ tướng nhấn mạnh Việt Nam sẽ tăng cường tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình, đồng thời nỗ lực hoàn thành tốt những trọng trách quốc tế được giao, trong đó có vai trò là thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025.

Liên hợp quốc cần sự đồng hành của ASEAN - 2

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị (Ảnh: Đoàn Bắc).

Trao đổi về vấn đề khu vực và quốc tế, ASEAN và các đối tác đều nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì và bảo đảm môi trường hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực, bao gồm Biển Đông, là quan tâm và lợi ích chung của các nước.

Các đối tác khẳng định ủng hộ nỗ lực, cách tiếp cận cân bằng, khách quan và lập trường chung của ASEAN trong các vấn đề này.

Chia sẻ ý kiến này, Thủ tướng Phạm Minh Chính tái khẳng định lập trường chung về Biển Đông, đề nghị các đối tác ủng hộ thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố DOC, xây dựng Bộ Quy tắc Ứng xử COC hiệu lực, hiệu quả, thực chất, phù hợp với luật pháp quốc tế.

ASEAN - Australia hợp tác ứng phó biến đổi khí hậu

Tại Hội nghị Cấp cao ASEAN - Australia lần thứ 3, Thủ tướng Australia Anthony Albanese khẳng định coi trọng ASEAN và cam kết triển khai Chiến lược hợp tác kinh tế Đông Nam Á đến 2040, tạo động lực cho quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện ASEAN- Australia.

Ông nhấn mạnh sẽ hợp tác ứng phó các thách thức như biến đổi khí hậu, tội phạm xuyên quốc gia và hỗ trợ ASEAN triển khai các ưu tiên như chiến lược trung hòa carbon, kinh tế biển xanh, an ninh lương thực, năng lượng sạch.

Liên hợp quốc cần sự đồng hành của ASEAN - 3

Lãnh đạo các nước chụp ảnh lưu niệm tại Hội nghị ASEAN - Australia (Ảnh: Dương Giang).

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng tăng cường gắn kết kinh tế - thương mại theo hướng cân bằng, bền vững cần được coi là trọng tâm và động lực phát triển của hai bên.

Ông mong muốn Australia tiếp tục quan tâm, hỗ trợ phát triển tiểu vùng Mekong, trong đó có khu vực đồng bằng sông Cửu Long thông qua khuôn khổ Đối tác Mekong- Australia.

Kết thúc hội nghị, các lãnh đạo thông qua Tuyên bố chung về tăng cường hợp tác bảo đảm an ninh lương thực trong thời kỳ khủng hoảng.

Chuyển giao cương vị Chủ tịch ASEAN cho Lào

Chiều 7/9, lãnh đạo các nước ASEAN và đối tác đã tham dự Lễ bế mạc Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 43, các hội nghị Cấp cao liên quan và Lễ chuyển giao cương vị Chủ tịch ASEAN từ Indonesia sang Lào.

Trong phát biểu đảm nhận cương vị Chủ tịch luân phiên của ASEAN trong năm 2024, Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone chính thức công bố Chủ đề của năm ASEAN 2024 là "Thúc đẩy, kết nối và tự cường".

Sau ba ngày làm việc, đoàn Việt Nam do Thủ tướng Phạm Minh Chính dẫn đầu đã tham gia chủ động, tích cực và đóng góp thực chất, hiệu quả vào tất cả hoạt động.

Lãnh đạo Chính phủ đã truyền tải những thông điệp về một Việt Nam chủ động hơn, tích cực hơn, trách nhiệm hơn, với nhiều đề xuất, định hướng quan trọng và sáng kiến thiết thực.

Tối 7/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng đoàn Đại biểu Việt Nam đã rời Indonesia về nước, kết thúc thành công chuyến công tác.

Hoài Thu (Từ Jakarta, Indonesia)