"Sáp nhập tỉnh là xu hướng tất yếu, nên làm ngay"

Thế Kha

(Dân trí) - Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh khẳng định, việc sáp tỉnh là xu hướng tất yếu nhằm đảm bảo bộ máy thông suốt, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Tiến sĩ Nguyễn Tiến Dĩnh, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, khẳng định như vậy khi trao đổi với phóng viên Dân trí về việc Bộ Chính trị, Ban Bí thư vừa yêu cầu nghiên cứu định hướng sắp xếp bỏ cấp huyện, sáp nhập cấp tỉnh.

Sáp nhập tỉnh là xu hướng tất yếu, nên làm ngay - 1

Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh (Ảnh: KTĐT).

Sáp nhập tỉnh: Phải làm ngay

Ông tiếp nhận thông tin Bộ Chính trị, Ban Bí thư yêu cầu nghiên cứu sáp nhập cấp tỉnh với quan điểm như thế nào?

- Tôi cho rằng đó là xu hướng tất yếu, vì chúng ta đã và đang đẩy mạnh chủ trương sắp xếp, tinh gọn lại bộ máy hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Thực tế đến nay đã có những kết quả rất tốt.

Hệ thống hành chính từ thôn, tổ dân phố, phường/xã, quận/huyện đã được sáp nhập, tổ chức lại trong suốt thời gian qua. Ở cấp Trung ương cũng đang thực hiện mạnh mẽ. Vì thế, việc nghiên cứu sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh là tất yếu, đương nhiên để đảm bảo sự tương thích, giúp bộ máy hành chính tinh gọn, hoạt động thông suốt từ trên xuống dưới.

Chủ trương, định hướng mà Bộ Chính trị vừa đưa ra có thể sẽ xóa bỏ cấp huyện, không tổ chức cấp trung gian, thì đương nhiên sắp xếp lại cấp tỉnh cho phù hợp khi không còn cấp huyện nữa, càng cho thấy điều đó là tất yếu.

Tôi đồng tình việc đó, bởi nếu không làm thì sẽ dẫn tới ách tắc. Mà chúng ta đã làm ở cấp dưới rồi, cấp trung ương cũng làm rồi, nên cấp tỉnh không làm sẽ rất khó.

Từ 2021, khi Bộ Nội vụ được giao xây dựng nghị quyết của Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính, đã có 20 địa phương "lọt tầm ngắm" thuộc diện sáp nhập vì dân số quá ít, diện tích quá nhỏ so với tiêu chuẩn. Theo ông, tiêu chí về dân số và diện tích có phải căn cứ chính khi xem xét sáp nhập các tỉnh?

- Trước hết phải lấy tiêu chí về dân số và diện tích, như đã từng làm khi tiến hành sáp nhập cấp huyện trên cả nước; sau đó mới xem xét tới các yếu tố khác như truyền thống văn hóa, điều kiện tự nhiên, phong tục tập quán ở đó như thế nào, cái nào ổn định lâu đời...

Tôi nhớ Quốc hội đã có nghị quyết về tiêu chí khi xem xét, sắp xếp các đơn vị hành chính rất kỹ lưỡng rồi.

Việc sáp nhập các tỉnh, theo ông, nên tiến hành gấp rút hay phải nghiên cứu kỹ lưỡng?

- Tôi cho rằng phải làm đồng bộ, tiến hành ngay, vì chúng ta đã làm ở dưới lên rồi. Hơn nữa, nếu tiến hành xóa cấp huyện thì phải đồng thời làm luôn ở cấp tỉnh nếu không sẽ không tương ứng, không thống nhất, đồng bộ.

Do đó việc nghiên cứu sáp nhập tỉnh phải làm ngay.

Sáp nhập tỉnh là xu hướng tất yếu, nên làm ngay - 2

Năm 1997, tỉnh Vĩnh Phú tách thành 2 tỉnh Vĩnh Phúc và Phú Thọ sau gần 29 năm hợp nhất. Trong ảnh, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ hiện nay (Ảnh: Tùng Vy).

Có gì tế nhị, nhạy cảm?

Có nhiều ý kiến của dư luận xã hội gợi mở, dự đoán việc sáp nhập tỉnh tới đây nên nghiên cứu lại những tỉnh có tên gọi như Hà Nam Ninh, Hải Hưng, Vĩnh Phú,… Quan điểm của ông như thế nào về việc này?

- Cái này phải theo điều kiện hiện nay, bởi có nơi có thể nghiên cứu trở lại tên gọi như trước đây do phù hợp nhưng có chỗ không thể. Mỗi giai đoạn có những yêu cầu khác nhau, trải qua quá trình lịch sử phát triển khác nhau nên không thể trở về tỉnh cũ, tên gọi cũ.

Ví như ngày xưa có tỉnh Hà Sơn Bình thì bây giờ làm gì có tỉnh đó nữa. Hay vào năm 2008 đã sáp nhập tỉnh Hà Tây vào Thủ đô Hà Nội rồi.

Tôi cho rằng việc sáp nhập tỉnh phải theo điều kiện của bây giờ. Phải nghiên cứu cụ thể, theo từng khu vực một liền kề nhau với nhau ở biên giới, miền núi, trung du, đồng bằng, ven biển có nhiều nét tương đồng về địa lý, khí hậu, phong tục tập quán, truyền thống…

Việc "tiến hành ngay" sáp nhập tỉnh như ông nói có gì nhạy cảm, tế nhị không?

- Chúng ta đã có nhiều bài học liên quan đến con người. Nhạy cảm ở chỗ chúng ta phải chuẩn bị cho đại hội đảng các cấp, nếu triển khai không đồng bộ sẽ ảnh hưởng tới đại hội đảng, phát triển kinh tế - xã hội.

Năm nay, chúng ta đang đặt ra mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên, chuẩn bị cho những năm tiếp theo với mục tiêu phát triển đạt hai con số. Những cái đó đặt trong bối cảnh phải tiến hành sắp xếp lại tổ chức bộ máy nên sẽ ảnh hưởng đến tư tưởng con người, cán bộ.

Những yêu cầu, thách thức đó đòi hỏi việc sắp xếp tổ chức, bộ máy vẫn phải hoạt động bình thường, sau sắp xếp phải đảm bảo chất lượng, hiệu lực hiệu quả hơn.

Vừa phải làm thật khẩn trương, nhanh gọn quyết liệt, nhưng vẫn phải đảm bảo chất lượng, đáp ứng yêu cầu về bộ máy mới hoạt động hiệu lực hiệu quả ngay, không bị lỗi, không có khúc mắc.

Đụng tới con người nên tôi cho rằng phải làm tốt công tác tư tưởng, chính sách cho tốt đối với cán bộ.

- Xin cảm ơn ông!

Sáp nhập tỉnh phù hợp với mô hình phát triển trên thế giới

Giáo sư Trần Ngọc Đường, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, cho rằng việc nghiên cứu bỏ cấp huyện và sáp nhập các tỉnh phù hợp với mô hình phát triển trên thế giới.

Theo ông Đường, các nước phát triển trên thế giới chủ yếu tổ chức chính quyền địa phương theo mô hình hai cấp là cấp tỉnh và cấp xã. Chính quyền trung gian ở giữa (cấp huyện) do chính quyền tỉnh đưa về một khu vực hoặc vùng nào đó thuộc một vài xã, phường để đại diện.

"Đây chính là mô hình chính quyền tiến bộ, hiện đại hiện nay", ông Đường nêu quan điểm.

 Tiêu chuẩn về đơn vị hành chính cấp tỉnh

Nghị quyết số 1211/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính, được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị quyết 27/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu rõ tiêu chuẩn của tỉnh.

Trong đó, tỉnh miền núi, vùng cao có tiêu chuẩn về dân số từ 900.000 người trở lên và diện tích tự nhiên từ 8.000km2 trở lên.

Các tỉnh còn lại có tiêu chuẩn về dân số từ 1,4 triệu người trở lên và diện tích tự nhiên từ 5.000km2 trở lên.

Số đơn vị hành chính cấp huyện trực thuộc tỉnh, theo nghị quyết, phải từ 9 đơn vị trở lên, trong đó có ít nhất một thành phố hoặc một thị xã.

Việt Nam hiện có 63 tỉnh, thành phố (57 tỉnh và 6 thành phố trực thuộc trung ương là Hà Nội, TPHCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ và Huế).

Tính đến hết năm 2024, theo báo cáo của Bộ Nội vụ, sau khi sắp xếp, số lượng đơn vị cấp huyện trên cả nước từ 705 đơn vị đã giảm xuống còn 696 đơn vị (giảm 9 đơn vị).

Số lượng đơn vị hành chính cấp xã trong cả nước từ 10.598 đơn vị giảm xuống còn 10.035 đơn vị (giảm 563 đơn vị hành chính).