(Dân trí) - "Gặp bà con mình phải bình tĩnh, tích cực. Nhưng sau một ngày làm việc, nghe cuộc điện thoại vội vã của vợ, tiếng bi bô gọi bố của con tôi không cầm được nước mắt", bác sĩ Tú rơm rớm nước mắt.
TÂM THẾ CỦA BÁC SĨ TRONG KHU CÁCH LY HƠN 400 NGƯỜI Ở LẠNG SƠN
"Khi gặp bà con nhân dân mình phải thật sự bình tĩnh, tích cực để động viên bà con yên tâm ở đây thăm khám. Nhưng thật lòng, mỗi khi về đến phòng sau một ngày làm việc, nghe cuộc điện thoại vội vã của vợ, tiếng bi bô gọi bố của con ở đầu dây bên kia tôi không cầm được nước mắt", anh Tú rơm rớm nước mắt chia sẻ.
12h trưa, kết thúc ca thăm khám buổi sáng với hơn 400 công dân đang được cách ly tại Trung đoàn 123 (Thành phố Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn), bác sĩ quân y Nguyễn Công Hạnh vội vã về phòng. Vừa rửa tay sát khuẩn xong, anh Hạnh cầm ngay chiếc điện thoại để gọi cho vợ.
Nghe cuộc điện thoại ngắn ngủi của chồng từ doanh trại, vợ anh Hạnh - chị Hoàng Lê Phương sốt sắng dặn dò anh, nào là "anh nhớ đeo khẩu trang kín nhé", "nhớ rửa tay sát trùng", "nhớ ăn uống điều độ và giữ sức khỏe"...
"Con nhắc anh nhiều lắm! Đêm nào con cũng nói đợi ba về con mới ngủ anh ạ!", nghe câu nói nghẹn ngào của vợ, người bác sĩ quân y đã có hai chục năm trong quân ngũ chỉ biết ngậm ngùi, an ủi "đợi anh về, cố gắng chăm sóc gia đình em nhé".
Đây đã là ngày thứ 5, anh Nguyễn Công Hạnh - bác sĩ chủ nhiệm Quân y 123 nhận nhiệm vụ tại trạm cách ly số 1 đặt tại Trung đoàn 123, Dốc Đồn, phường Hoàng Văn Thụ, thành phố Lạng Sơn. Nhà anh cách đơn vị chỉ chừng nửa km nhưng gần tuần nay, anh thực hiện nhiệm vụ tại khu vực cách ly công dân Việt Nam trở về từ biên giới Việt - Trung nên không thể về nhà.
"Tôi có mặt tại trạm suốt từ khi bắt đầu các công tác chuẩn bị như phun khử trùng, dọn vệ sinh... để đón bà con từ cửa khẩu trở về. Đều đặn mỗi ngày, tôi đều cùng anh em chiến sĩ, cán bộ y tế đến thăm khám, đo nhiệt độ cho các công dân tại trạm cách ly. Khi phát hiện bà con nào có dấu hiệu sức khỏe bất thường như đau đầu, sốt từ 37,5 độ trở lên thì nhanh chóng đưa bà con vào khu vực cách ly của Bệnh viện đa khoa tỉnh Lạng Sơn. Với những bà con khác thì chúng tôi trực tiếp chăm sóc từ bữa cơm, nhu yếu phẩm tối thiểu như bàn chải, ca nước...", anh Hạnh bộc bạch.
"Những ngày này khi dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới virus corona gây ra đang diễn biến phức tạp, công việc của anh em quân y, y bác sĩ và các chiến sĩ tại trạm cách ly rất vất vả 24/24h. Nhưng là những bác sĩ trong quân đội, chúng tôi lúc nào cũng tâm niệm phải hoàn thành thật tốt nhiệm vụ cấp trên giao cho, vì lợi ích của bà con nhân dân, cộng đồng", bác sĩ Hạnh chia sẻ.
"Vất vả, cực nhọc, thậm chí gian nguy không khiến chúng tôi lo sợ. Có lẽ với các anh em chiến sĩ, y bác sĩ tại đây, "nỗi sợ" lớn nhất là sợ nhớ nhà, nhớ vợ con", bác sĩ Hạnh nói thêm.
"Dù đến nay, chúng tôi chưa phát hiện một ca nào dương tính với virus corona tại trạm này nhưng nỗi lo vẫn thường trực trong lòng người thân. Lần nào tranh thủ lúc giải lao gọi về cho vợ, vợ tôi cũng sốt sắng dặn dò. Dù vợ thấu hiểu tôi đã làm việc nhiều năm trong ngành y nhưng vì lo nên cứ căn dặn như vậy", anh Hạnh kể.
Thời gian này, anh Hạnh đi thực hiện nhiệm vụ, chị Phương phải một mình ở nhà vừa thu xếp công việc vừa trông nom hai con. Anh vừa nhớ, vừa thương vợ con nhưng vẫn tự dặn lòng phải gác việc nhà để tập trung cho công việc.
"Những người quân y áo trắng thì lúc nào cũng phải hết lòng với bà con, với nhân dân", anh Hạnh nói. "Đúng là dịch bệnh thì có nguy hiểm đấy, nhưng chúng tôi vẫn sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ, phục vụ bà con đến hơi thở cuối cùng. Công việc ở nhà đành nhờ vào đôi tay của vợ".
Cũng thực hiện nhiệm vụ tại trạm cách ly như bác sĩ quân y Nguyễn Công Hạnh, anh Triệu Văn Tú - bác sĩ bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn đã xa vợ con nhiều ngày nay.
"Tôi đến trạm từ ngày 3/2 khi nhận quyết định điều động của UBND tỉnh. Khi nhận nhiệm vụ cũng như bao anh em y bác sĩ, tôi sẵn sàng lên đường. Đến đây mới thấu hiểu rằng, đúng là anh em y bác sĩ, chiến sĩ sợ nhất không phải là virus corona mà là sợ người thân lo lắng", anh Tú tâm sự.
Anh Tú chia sẻ, "chống dịch như chống giặc" nên mỗi anh em y bác sĩ đều như một chiến sĩ ngoài mặt trận, vừa làm việc hết công suất để phục vụ bà con vừa phải giữ vững tâm lý để động viên tinh thần bà con trong trạm cách ly. Đội ngũ y bác sĩ của bệnh viện đa khoa tỉnh như anh Tú vừa thực hiện nhiệm vụ túc trực tại bệnh viện vừa thực hiện lệnh điều động tăng cường đến các trạm cách ly nên lịch trình dày đặc.
"Khi gặp bà con nhân dân mình phải thật sự bình tĩnh, tích cực để động viên bà con yên tâm ở đây thăm khám. Nhưng thật lòng, mỗi khi về đến phòng sau một ngày làm việc, nghe cuộc điện thoại vội vã của vợ, tiếng bi bô gọi bố của con ở đầu dây bên kia tôi không cầm được nước mắt", anh Tú rơm rớm nước mắt chia sẻ.
"Con tôi còn nhỏ quá nên cháu chưa biết được nhiệm vụ của bố đang thực hiện. Nhìn thấy bố qua điện thoại con chỉ bi bô "Ba ơi, tí ba về với con nhé!". Lúc đó thật lòng tôi không kìm được cảm xúc. Các y bác sĩ, chiến sĩ tại đây đều xác định tinh thần sẽ bám trụ, sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ đến cùng nên có thể phải mất cả tháng nữa, thậm chí lâu hơn mới có thể về bên gia đình. Những lúc như thế này, anh em chỉ biết cùng động viên nhau để hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ được giao phó", anh Tú cho hay.
Liên lạc với chị Hoàng Lê Phương - vợ của anh bác sĩ quân y Nguyễn Công Hạnh, chị nghẹn ngào tâm sự qua điện thoại: "Hai vợ chồng tôi đã lấy nhau gần 20 năm. Anh là một bác sĩ quân y nên cũng thường xuyên đi công tác xa nhà nhưng quả thật, chưa khi nào cả gia đình lo lắng như bây giờ, khi anh phải thực hiện nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc nhân dân trong khu cách ly giữa thời điểm bệnh dịch corona đang diễn biến phức tạp. Ngày nào mẹ tôi, các anh chị cũng gọi điện hỏi thăm vì ai nấy đều sốt ruột, lo lắng cho anh".
"Ngày chủ nhật vừa rồi anh nói sau khi đi họp công tác phòng chống dịch sẽ về qua nhà trước khi đi thực hiện nhiệm vụ. Hai mẹ con đợi mãi. Đến khi anh gọi điện báo: do việc gấp quá anh phải đi ngay, con bé con khóc nấc lên đòi bố. Anh nói chắc anh phải đi cả tháng. Thực sự mình lo lắng vô cùng, dù đặt niềm tin ở anh, ở các chiến sĩ, y bác sĩ nhưng nỗi lo vẫn thường trực", chị Phương chia sẻ.
"Thương nhất là cảnh mỗi tối gọi điện cho anh, con gái lại gọi ba về. Con cứ dặn đi dặn lại ba phải đeo 2 chiếc khẩu trang và ăn uống để giữ sức khỏe mau về với con. Nhìn ba mặc quân phục, quần áo bảo hộ, dù con còn nhỏ nhưng cũng như cảm nhận được phần nào trách nhiệm của ba", chị Phương kể. "Ở nhà, mấy mẹ con chỉ biết mong cho anh, các đồng đội, bà con trong trạm giữ được sức khỏe tốt, tinh thần tốt. Anh cứ yên tâm công tác, ở nhà mấy mẹ con sẽ đợi ba về!".
Toàn Vũ