1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô
  3. Thảm họa lũ quét Làng Nủ

“Sự cố” PMU18 vẫn ảnh hưởng đến sức chiến đấu của chúng tôi”

(Dân trí) - Trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ GTVT chiều nay, chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng bất ngờ ra câu hỏi: “Sau sự cố PMU18, Bộ có vẻ co lại, không dám chiến đấu mạnh mẽ, để nhiều công trình bị dang dở?”. Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng thừa nhận, sự cố đã gây nên “tâm lý nghi ngại quá đáng” trong ngành…

SH, Dyland vẫn sẵn sàng nộp phạt 10 triệu

Đại biểu của tỉnh Đăk Nông - Phan Cừ - là người “nổ súng” đầu tiên vào thực trạng ùn tắc giao thông ở hai đầu đất nước Hà Nội và TPHCM. Ông Cừ “chìa” ra hai con số cơ bản, Sài Gòn thì mất trắng 14.000 tỷ đồng mỗi năm do ùn tắc giao thông, Hà Nội đổ tiền của xây dựng đến 3 tuyến vành đai nhưng hiện tại chưa cái nào đủ hình đủ dạng, chưa nói đến chất lượng. Ông Cừ muốn biết trách nhiệm của bộ, ngành liên quan?

Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng đáp gọn, Bộ GTVT chịu trách nhiệm chung, Bộ Công an có vai trò quan trọng. Tuy nhiên, trách nhiệm chính là của chính quyền hai đô thị, Bộ không thể xuống tận nơi để phân tuyến, phân luồng giúp thành phố.

Giám đốc CA Hà Nội, Nguyễn Đức Nhanh lập tức có ý kiến cho rằng, Bộ trưởng mới chỉ nhấn mạnh các vấn đề bên ngoài, còn những yếu tố cơ bản để giải quyết tình trạng ùn tắc như hạ tầng giao thông, xây dựng hệ thống giao thông công cộng… còn lâu nữa mới thực hiện được. Đại biểu Nhanh đặt câu hỏi Bộ sẽ triển khai những biện pháp nào thời gian tới.

“Tư lệnh” ngành giao thông trình ngay một lộ trình, thời gian tới, phải đầu tư xây dựng những trục giao thông hướng tâm quy mô lớn nối Hà Nội, TPHCM với những trung tâm kinh tế lớn trong vùng. Với Hà Nội, quốc lộ 32, đường Láng - Hoà Lạc mới với 6 làn đường, đường cao tốc Pháp Vân… sẽ là những tuyến kết nối trọng tâm để “thoát tắc”. Với TPHCM, các tuyến Sài Gòn - Tiền Giang, Bến Thành - Suối Tiên… sẽ là những đường cao tốc, trục hướng tâm then chốt.

Đại biểu Trần Văn Hưng (TPHCM) tỏ ý băn khoăn nhiều với giải pháp tăng cường phương tiện công cộng. Ông cho biết, TPHCM đã dành 3.200 tỷ đồng để đầu tư xe bus nhưng không hiệu quả. Với lượng xe bus hiện nay, thành phố đã không đủ bến bãi, hạ tầng thích hợp và xe bus lại trở thành một trong những nguyên nhân lớn gây ùn tắc.

Câu trả lời quay lại “nút thắt” hạ tầng. Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng khẳng định, phải xây dựng cầu vượt, hệ thống tàu điện ngầm, tàu điện trên cao, sau đó là làm đường, điểm đỗ, đậu cho xe bus…

Liên quan đến vấn đề ý thức người tham gia giao thông và xử phạt vi phạm, đại biểu Nguyễn Đức Nhanh cho biết thêm, Nghị quyết 152 mới đưa ra đã mất tác dụng vì mức xử phạt vẫn chưa đảm bảo tính răn đe, giáo dục. Ở Hà Nội, với những tay đua xe, so với giá trị mỗi chiếc SH, Dyland lên tới hàng trăm triệu đồng thì mức phạt 10 triệu đồng khi vi phạm họ vẫn sẵn sàng nộp.

Ông Dũng than khó: “Nhưng không thể phân ra từng vùng để áp mức phạt. Theo tôi, đó là mức chấp nhận được”.

Bộ trưởng nhiều lần nhận yếu kém

Đại biểu Ngô Văn Minh (Quảng Nam) cho rằng, ông Dũng trả lời giải ngân chậm là tình trạng chung, là do cơ chế, vậy với tư cách là tư lệnh của ngành, bộ trưởng Dũng có tham mưu gì để giải quyết vấn đề? Cũng theo ông Minh, với nhiều dự án được đầu tư vốn nhưng không giải ngân được, có thể chuyển nguồn đầu tư sang nơi khác đang rất cần, chẳng hạn cây cầu Hướng An đang ở tình trạng có thể… sập bất cứ lúc nào. Mối nghi hoặc về xin và cho dự án cũng được đại biểu này thẳng thắn đặt ra.

Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng nhanh chóng tiếp thu: “Yếu kém trong quản lí của Bộ, của các ban quản lí dự án tôi xin nhận”. Về cơ chế, theo ông Dũng đã có nhiều cuộc họp được tiến hành và đã tháo gỡ được một phần.

Ông Dũng cũng lí giải các dự án chậm là do chuẩn bị đầu tư chậm, không phải là không đủ điều kiện để làm. Ông Dũng “động viên” đại biểu Minh: Chính phủ đang nỗ lực để huy động các nguồn lực bố trí các dự án khác. Riêng cầu Hướng An, cá nhân ông Dũng đã có thị sát cách đây hai tuần và đã cho sửa chữa. Cây cầu nằm trong danh mục cầu yếu và sẽ được làm mới trong giai đoạn tiếp theo. “Chúng tôi sẽ sử dụng cơ chế đặc biệt để bổ trí vốn làm ngay trong năm 2008”, ông Dũng hứa.

Xoay quanh vấn đề năng lực quản lý và việc chậm triển khai các dự án xây dựng cơ bản, Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng hỏi thẳng vị Bộ trưởng: “Sự cố PMU18 có ảnh hưởng gì? Sau vụ đó, Bộ có vẻ co lại, không dám chiến đấu mạnh mẽ, để nhiều công trình bị dang dở?”.

Ông Dũng thành thực: “Đây đúng là nỗi đau của ngành GTVT. Sau hơn 1 năm, chúng tôi đang cố gắng hồi phục lại không khí làm việc nhưng dư âm của sự cố này còn quá nặng nề, một đòn rất đau nên nhiều cán bộ, nhân viên trong ngành vẫn còn tâm lý đề phòng, nghi ngại quá đáng, không dám chiến đấu mạnh mẽ”.

Không khí “chuyển đổi” khi đại biểu Hồ Trọng Ngũ (Ninh Thuận) chuyển sang "đề tài" hàng không. Ông Ngũ “tố”: “Vietnam Airlines đã đầu tư tăng cường phương tiện nhưng vẫn có hiện tượng bán khách, chậm chuyến… như đường bộ vậy. Bộ trưởng có giải pháp nào cho thực tế này?”.

Ông Dũng xác nhận, hiện tượng đó đúng là có nhưng chưa có bằng chứng cụ thể. Vấn đề là ngành hàng không của chúng ta đang quá tải, tốc độ phát triển gấp đôi so với các loại hình phương tiện khác, tăng 17-18% mỗi năm trong khi việc tăng cường khai thác đường bay rất khó vì việc tăng phương tiện, phải chờ thuê mua máy bay đến vài ba năm… Việc dồn khách, ép khách chủ yếu là do quá tải chứ chưa phát hiện tiêu cực. Nếu “bắt” được vi phạm cụ thể, Bộ sẽ xử lý.  

Trong phần trả lời của mình, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải đã nhiều lần nhận trách nhiệm yếu kém trong quản lí và điều này đã được Chủ tịch Quốc hội, Nguyễn Phú Trọng ghi nhận.

Cấn Cường - Phương Thảo