1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Ngành y tế cũng phải theo kinh tế thị trường

(Dân trí) - Lần đầu tiên tham gia phiên chất vấn nhưng những câu trả lời của Bộ trưởng Y tế Nguyễn Quốc Triệu được đánh giá là khá hiệu quả tại kỳ họp lần này. Đã có 16 ý kiến đại biểu được người đứng đầu ngành y trực tiếp trả lời ngay tại buổi sáng nay 19/11.

3 tuần đã khống chế được dịch

Trong bản báo cáo của mình, Bộ trưởng đã tập trung xoay quanh 3 vấn đề đó là Vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) liên quan đến dịch tiêu chảy cấp có trường hợp phẩy khuẩn tả; Viện phí; Y tế cơ sở.

Đối với dịch tiêu chảy cấp có phẩy khuẩn tả, ngay sau khi phát hiện, Thủ tướng đã chỉ đạo khẩn trương triển khai dập dịch. Bộ Y tế đã thành lập trên 30 đoàn đi kiểm tra, giám sát và cho đến thời điểm này, gần 170 trường hợp nặng không xảy ra trường hợp tử vong nào.

Nếu so với những đợt dịch trước (năm 1979, 1980, 1986) có số người chết lên tới vài chục người, thời gian khống chế dịch kéo dài từ 3 - 5 tháng, thì dịch tiêu chảy cấp lần này, chỉ mất có 3 tuần đã khống chế được dịch.

Về viện phí, chính sách viện phí hiện nay đang được thay đổi theo hướng phù hợp hơn với điều kiện thực tế, nâng cao chất lượng dịch vụ y tế khám chữa bệnh. Quan điểm là đối tượng có khả năng chi trả thì phải chi, còn đối tượng chính sách sẽ được miễn giảm thông qua việc cấp bảo hiểm y tế.

Đối với hệ thống y tế cơ sở, hiện nay vẫn còn nhiều bất cập trong quản lý, nguồn nhân lực tại các cơ sở y tế xã huyện vừa thiếu lại yếu, trang thiết bị nghèo nàn. Theo Bộ trưởng, hướng tới sẽ quy về một đầu mối để quản lý, đầu tư, tăng sức mạnh tập trung cả về đội ngũ cán bộ và cơ sở vật chất.

Những câu trả lời chính

Tại phiên chất vấn lần này, vấn đề được các đại biểu quan tâm nhiều nhất là những quy định trong thông tư liên tịch hướng dẫn về bảo hiểm y tế (BHYT) giữa Bộ Y tế và Bộ Tài chính.

Theo đại biểu Trần Văn Kiệt (tỉnh Vĩnh Long) việc quy định phải có 10% hộ trong xã và 100% số người trong gia đình mua bảo hiểm thì mới được đóng bảo hiểm không chỉ khiến người nghèo mà cả người giàu muốn mua bảo hiểm y tế cũng đều phải chờ. Như vậy bảo hiểm y tế là một loại hình kinh doanh và điều này làm cản trở quyền lợi của người dân.

Trước ý kiến này, Bộ trưởng Triệu thừa nhận những quy định trong thông tư trên là bất hợp lý và xin hứa sẽ sửa chữa, cụ thể là không áp dụng thông tư này mà sẽ tính đến giải pháp khác để giúp người dân được quyền đóng bảo hiểm.

Vấn đề đặt ra ở đây chính là ai sẽ phải chịu trách nhiệm đối với một văn bản bất hợp lý như vậy - Đại biểu Phan Thị Thu Hà (tỉnh Đồng Tháp) chất vấn Bộ trưởng. Bộ trưởng thẳng thắn: “Nếu sai thì cần phải xử lý. Nhưng theo quan điểm của tôi, những người tiền nhiệm trước khi ra văn bản này cũng có cái lý khi muốn có nhiều người tham gia để bảo đảm không bị vỡ quỹ. Chỉ có điều, khi triển khai nó không phù hợp với thực tiễn”.

Cùng với đại biểu Hà, đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (tỉnh Kiên Giang) đã chất vấn về những nguy hại của rác thải y tế và trách nhiệm của ngành y tế. Về vấn đề này, Bộ trưởng cho biết, hiện 70% rác thải được xử lý qua đốt, số còn lại được đem đi chôn, lấp.

Tuy nhiên, vấn đề khó khăn nhất hiện nay chính là xử lý nước thải. Vì công nghệ xử lý nước thải rất tốn kém và việc này cần có sự hỗ trợ của Chính phủ. Còn phản ánh những sản phẩm làm từ nhựa rác thải y tế có ảnh hưởng tới sức khoẻ người dân thế nào thì cần có căn cứ khoa học mới trả lời cụ thể được.

Về hệ thống y tế cơ sở, đại biểu Phạm Xuân Thường (tỉnh Thái Bình) chất vấn: “Cần phải làm gì để có được nguồn cán bộ y tế tại cơ sở vùng khó khăn khi mà nhiều người chỉ tìm đến những khu thành phố, có điều kiện kinh tế tốt?”.

Theo quan điểm của Bộ trưởng, để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ y tế cần phải có sự luân phiên. Cán bộ huyện xuống xã làm, các bộ xã thì phải được cử lên trung tâm học. Như vậy thì họ mới nâng cao tay nghề. Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần phải có những chính sách thu hút cán bộ bằng cả tinh thần lẫn vật chất.

“Đã là nền kinh tế thị trường thì cần phải tuân theo quy luật của nền kinh tế thị trường, chúng ta không thể bắt họ được. Một dẫn chứng cho thấy, đã có một bệnh viện trong TPHCM, các bác sỹ đồng loạt trả lại chi phí đào tạo để được ra làm ngoài” - Bộ trưởng Triệu cho biết.

Trả lời chất vấn về vấn đề giá thuốc tăng tràn lan, lên tới trên 30% của đại biểu Trần Văn Kiệt, người đứng đầu ngành y khẳng định giá thuốc hiện nay chỉ tăng khoảng 6% so với tăng giá chung các mặt hàng là 8,1%, có thể có trường hợp tăng ở khâu bán lẻ.

Trong buổi chất vấn này, Bộ trưởng Y tế cũng thừa nhận còn có chuyện thái độ phục vụ của một số y, bác sỹ khiến người dân khó chịu, thậm chí đáng lên án. Để hạn chế việc này, Bộ Y tế sẽ sửa đổi quy chế, tăng cường kiểm tra, giao vai trò tự quản dưới cơ sở.

Riêng vấn đề vì sao dịch tiêu chảy cấp lần này có nguồn vi khuẩn tả lại không thông báo sớm cho nhân dân và quốc tế của đại biểu Nguyễn Lân Dũng (tỉnh Đắc Lắk) thì không được trả lời!

Lan Hương (ghi)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm