Loạt câu hỏi “hóc” về chạy chức, chạy quyền
(Dân trí) - “Không có người chạy chức, chạy quyền nào lại đến báo cáo với Bộ trưởng cả. Nếu chưa biết thì đề nghị Bộ trưởng phải đi sâu, đi sát để xem “chạy” ở đâu, cách “chạy” như thế nào… để có thiết chế phù hợp” - đại biểu Lê Văn Cuông đặt mạnh vấn đề với Bộ trưởng Bộ Nội vụ trong phiên chất vấn sáng nay (19/11).
Đề bạt kiểu “lạ đời”!
Đại biểu Lê Văn Cuông (Thanh Hóa) “khai vị” phần chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ Trấn Văn Tuấn với loạt câu hỏi “hóc” về hiện tượng chạy chức, chạy quyền. Ông Cuông khái quát, nạn chạy chức quyền khiến người thực tài không được sử dụng bởi họ không tính tới việc “chạy chọt”. Trong khi đó, những người tài đức kém lại từng bước leo lên nhiều vị trí lãnh đạo.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ tỏ ý chia sẻ bức xúc với đại biểu Cuông. Ông Tuấn cho biết, hiện chúng ta đang thực hiện quy định sắp xếp, bố trí lại cán bộ. Bộ cũng đã có các văn bản của Bộ hướng dẫn việc đề bạt cán bộ các cấp. Việc này được các bộ, ngành, địa phương thực hiện tương đối tốt, đa phần các cán bộ được chọn đều có năng lực, thực hiện tốt công việc.
Tuy nhiên, ông Tuấn cũng xác nhận đã nghe nhiều phản ánh trong quá trình đề bạt, sắp xếp cán bộ có việc chạy chức chạy quyền. Quan điểm người đứng đầu lĩnh vực nhân sự đưa ra là thực hiện thật nghiêm túc các quy định, thủ tục, việc đề bạt cán bộ phải công khai, dân chủ, đúng pháp luật. Ông Tuấn cũng hỏi lại đại biểu Cuông: “Nếu có dư luận như thế thì mong đại biểu cho biết rõ cán bộ chạy chức chạy quyền đó là ai để Bộ xem xét, xử lý?”.
Không “nao núng”, ông Cuông cho rằng, quy trình sắp xếp cán bộ đúng là qua nhiều cấp, nhiều bước nhưng cũng chỉ do một vài người quyết định. “Không có người chạy chức, chạy quyền nào lại đến báo cáo với Bộ trưởng cả nhưng thực tế là sự việc đang diễn ra ngầm như thế. Nếu chưa biết thì đề nghị Bộ trưởng phải đi sâu, đi sát để xem “chạy” ở đâu, cách “chạy” như thế nào… để có thiết chế phù hợp” - đại biểu Cuông thẳng thắn.
Ông Cuông cũng dẫn chứng ngay trường hợp ông Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Bắc Ninh tuyển vài chục người mà mỗi “suất” đều trị giá nhiều triệu đồng, vừa bị truy tố thời gian qua. Trường hợp khác, Bí thư Thị ủy thị xã Tây Ninh, vừa mất chức vì những sai phạm liên quan đến đất đai lại được để bạt vào vị trí Giám đốc Sở Xây dựng ngay. Ông Cuông đặt câu hỏi: “Ở đây, nếu không phải là chạy chức chạy quyền thì làm gì có kiểu đề bạt lạ đời như thế?”.
Ông Tuấn “xuống nước”: “Tiêu cực đã xử lý thì có nhiều trường hợp chứ không chỉ có hai như vậy”. Ông Tuấn cũng thừa nhận là có việc đề bạt cán bộ còn sai sót này khác và tỏ ý chia sẻ, đồng tình với ý kiến của đại biểu.
Chưa hết, đại biểu Lê Văn Cuông “bắn” sang vấn đề bằng cấp. Ông Cuông phản ánh một bộ phận cán bộ bằng cấp học vấn thì rất thật nhưng chất lượng kiến thức lại… giả. Bộ trưởng Bộ Nội vụ có nghe, có biết hiện tượng đó và trách nhiệm của người làm công tác tổ chức cán bộ đến đâu trong việc này?
Bộ trưởng Trần Văn Tuấn “thanh minh”, khi Bộ Nội vụ đề bạt thì phải căn cứ vào các văn bản pháp quy của nhà nước. Còn thực tế năng lực cán bộ, như Bộ GD-ĐT đã xác nhận, chất lượng đào tạo thực tế của chúng ta hiện nay đúng là có “mức độ” nhất định. Ông Tuấn hứa, nếu phát hiện có sai phạm sẽ xử lý kiên quyết.
Vụ phó vẫn ăn lương vụ trưởng
Đại biểu Dương Kim Anh (Trà Vinh) thổi làn gió thời sự khi đặt câu hỏi liên quan đến việc sắp xếp lại các bộ ngành theo hướng bộ đa ngành vừa qua. Bà Kim Anh hỏi thẳng, sau khi sáp nhập, chúng ta đã tinh giản được bao nhiêu biên chế hay chỉ đơn giản là giảm số bộ, số người vẫn vậy? Thêm nữa, có bộ, số thứ trưởng lại “vọt” lên đến gần chục người, rồi nhiều đồng chí vụ trưởng ở bộ cũ, chuyển sang bộ mới làm vụ phó nhưng vẫn ăn lương vụ trưởng?
Bộ trưởng Trần Văn Tuấn “biện minh”, quá trình sắp xếp vẫn đang được tiến hành nên chưa có điều kiện tổng hợp, báo cáo được. Ông Tuấn xác nhận, vấn đề đại biểu Kim Anh nêu là thực tế. Theo quy định, số thứ trưởng ở mỗi bộ là 4 nhưng đúng là nhiều bộ vượt con số này. Ông Tuấn lý giải, vì trách nhiệm phân cho các bộ lớn, các đồng chí thứ trưởng cũ là người nắm rất vững lĩnh vực đang theo dõi, chuyển sang bộ mới vẫn phải duy trì như vậy để đáp ứng đòi hỏi của công việc.
Đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai) đặt câu hỏi, thực tế đa phần cán bộ từ cấp phường trở lên đều phải là Đảng viên. Quan điểm của Bộ trưởng thế nào, không sử dụng người ngoài Đảng có phải là lãng phí nguồn nhân lực? Làm thế nào để vừa đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng mà vẫn không bỏ sót người tài?
Bộ trưởng Bộ Nội vụ khẳng định ngay, Bộ không trình văn bản nào đề xuất phải là Đảng viên mới được đề bạt. Người ngoài Đảng mà đủ điều kiện, phẩm chất vẫn được đề bạt. Ngay như Quốc hội cũng luôn chú ý đến vấn đề tăng tỷ lệ đại biểu là người ngoài Đảng.
Đại biểu Hoàng Trần Ky lại băn khoăn về việc tuyển công chức, viên chức hiện nay luôn đòi hỏi bằng chính quy trong khi Bộ GD-ĐT lại đang có nhiều loại hình đào tạo khác nhau như tại chức, đào tạo từ xa… và luật cũng quy định giá trị các loại bằng này là ngang nhau. Vậy thì vấn đề thi tuyển làm sao để không bỏ sót người giỏi?
Ông Tuấn thống nhất ngay, đúng là việc tuyển công chức, viên chức không quy định phải tốt nghiệp đại học chính quy nhưng thực tế các đơn vị tuyển người luôn có tâm lý “chuộng” chính quy. Vị Bộ trưởng Bộ Nội vụ cũng hoàn toàn tán đồng với việc tổ chức thi tuyển trực tiếp để tìm được người có thực lực.
Trước khi kết thúc giờ làm việc sáng, đại biểu Trần Thị Hoa Ly (Bạc Liêu) đặt câu hỏi, Bộ trưởng có ý kiến thế nào khi Nghị định 158 về việc sắp xếp, bố trí lại cán bộ nhằm khắc phục tham nhũng nhưng thực tế, sau một thời gian thực hiện, tham nhũng vẫn không giảm?
Ông Tuấn trả lời, Nghị định 158 quy định một số chức danh phải luân chuyển để phòng chống tham nhũng. Đây là biện pháp cần thiết, lấy xây là chính. Quan trọng là khi thực hiện phải làm thế nào để người cán bộ được luân chuyển vẫn phát huy được chuyên môn, không bị đình trệ công việc. Việc luân chuyển ai, luân chuyển như thế nào cho có hiệu quả lại đặt ra trách nhiệm đối với thủ trưởng đơn vị.
Phương Thảo - Cấn Cường