“Có thể sẽ thí điểm mở casino”
(Dân trí) - Trong phiên chất vấn chiều 19/11, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng cho biết, đến một thời điểm thích hợp, Chính phủ sẽ cho phép mở casino. Có thể sẽ làm thí điểm một điểm, nhưng phải nghiên cứu thận trọng, đảm bảo không ảnh hưởng đến môi trường xã hội.
Khó giữ được CPI dưới tốc độ tăng trưởng
Đề cập tới việc triển khai kế hoạch kinh tế xã hội năm 2008, đại biểu Ngô Văn Hùng (Lào Cai) tỏ ý băn khoăn, báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng vừa qua vẫn nêu ra một trong những nguyên nhân của nạn tham nhũng là vẫn còn cơ chế xin - cho.
“Năm 2008 Chính phủ có những giải pháp gì để chấm dứt cơ chế xin - cho trong tổ chức điều hành đất nước?” - đại biểu Hùng bức xúc.
Người thừa uỷ quyền của Thủ tướng trả lời chất vấn trước Quốc hội phân tích, trong chương trình tổng thể, Chính phủ đã triển khai giải quyết vấn đề thể chế. Thể chế minh bạch thì xin - cho ít. Đồng thời, Chính phủ cũng chủ trương phân cấp. Phân cấp rộng thì xin - cho giảm.
Ông Nguyễn Sinh Hùng lấy ví dụ việc phân cấp trong lĩnh vực đầu tư, để cho Chủ tịch tỉnh quyết định, như vậy khỏi phải xin - cho, có chăng là “xin” ý kiến tham khảo của các bộ, ngành.
Tuy nhiên, ông Hùng không thể kết thúc với việc khẳng định chấm dứt xin - cho trong năm tới. “Đây là quá trình hoàn thiện thể chế hành chính, chúng ta không thể nói được là tuần sau kết thúc, hoặc năm sau kết thúc được vấn đề xin - cho này” - Phó thủ tướng thường trực phân tích.
“Phó Thủ tướng có thể khẳng định đến cuối năm 2007 chúng ta có thể đạt được tốc độ tăng GDP 8,5% và có thể giữ được chỉ số CPI đưới mức GDP?”- Đại biểu Vũ Hoàng Hà (Bình Định) thẳng thắn nêu câu hỏi.
Phó Thủ tướng thường trực đáp ngắn gọn, có thể đạt mục tiêu tăng trưởng 8,5%. Còn khả năng giữ được CPI dưới tốc độ tăng GDP là khó. Chúng ta cũng không dự báo hết được việc giá cả thế giới lên nhanh như vậy, ông Hùng nêu luôn lý do cơ bản.
Đại biểu Vũ Hoàng Hà lại nêu một bức xúc khác, Thủ tướng đã chỉ thị, cán bộ công chức đúng tuổi phải về hưu. Nhưng qua kiểm tra ở ngành giáo dục và y tế, có hàng trăm người đã quá tuổi mà không chịu về hưu, thành ra “măng đã mọc mà tre chẳng chịu già”. Đại biểu Hà hỏi về trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị với hiện tượng này.
Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng khẳng định, có hai loại chế độ: đúng 60 tuổi thì về hưu, nếu là các nhà khoa học, các giáo sư, tiến sĩ còn điều kiện sức khỏe, có khả năng cống hiến thì có thể được kéo dài một số năm công tác nhưng sẽ không được đảm nhận trách nhiệm quản lý, tức là lãnh đạo.
Ông Hùng cũng xác nhận, đợt kiểm tra vừa qua, ngành y tế có 14-15 vị giáo sư, tiến sĩ, viện sĩ đến 70 tuổi vẫn tiếp tục làm việc, có người làm đến 78 tuổi mới nghỉ.
“Nghèo phải giàu nhanh, giàu phải giàu lên”
Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền, Lâm Đồng “khái quát”: “Kinh doanh xổ số là kinh doanh trên người nghèo, trong khi người giàu lại không ai kinh doanh”. Từ đó, ông đặt câu hỏi, đến khi nào Chính phủ cho phép kinh doanh Casino?
Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng đáp lại, tiền thu từ xổ số được đầu tư lại giáo dục, y tế và như thế tiền dân trả lại dân. Về Casino, theo ông Hùng, đây là vấn đề phức tạp. Việc cho phép mở rộng phát triển hình thức Casino chưa tạo được sự đồng thuận vì có nhiều vấn đề xã hội đi kèm.
Tuy nhiên, đến một thời điểm thích hợp, điều kiện cho phép, Chính phủ sẽ cho phép làm điều này. Có thể làm thí điểm một điểm, nhưng phải nghiên cứu một cách thận trọng đảm bảo không ảnh hưởng đến môi trường xã hội.
Theo ông Hùng, hiện có những dự án vào đầu tư chục tỉ, vài chục tỉ, nhưng kèm theo là phải cho phép làm Casino.
Một vấn đề nóng hổi khác khác tiếp tục được đại biểu Thuyền tìm câu trả lời từ phía Phó Thủ tướng là khiếu kiện ngày càng gay gắt và không có điểm dừng. Chính phủ mới đây có đưa ra thành lập cơ quan tài chính và đại biểu tỏ thái độ đồng tình với phương án này, vì tòa án hành chính “sẽ là nơi để dân kiện quan về tất cả các vấn đề liên quan đến quyết định hành chính, hành vi hành chính của nhân viên nhà nước”. Nhưng ông Thuyền “băn khoăn” là không biết đến bao giờ, chủ trương này mới triển khai thực hiện.
Phó Thủ tướng cho rằng, thực tế chúng ta đã có Tòa án kinh tế, có Tòa án hành chính, nhưng việc xử lí chưa thành công. Người dân khiếu kiện cơ quan quản lí nhà nước, cấp nào giải quyết bà con cũng chưa bằng lòng, cấp cuối cùng cũng như vậy.
“Chính phủ đang kiến nghị cho phép thành lập hình thức tài phán hành chính để có cách xử lí công bằng hơn, công khai hơn, minh bạch hơn… Việc này là đang nghiên cứu, mong đại biểu dành thời gian góp ý thêm để chúng ta làm cho tốt”, ông Hùng tìm sự chia sẻ.
Với vấn đề không mới là khoảng cách giàu nghèo giữa thành thị và nông thôn, miền xuôi và miền ngược, đại biểu Thuyền đặt ra đòi hỏi về giải pháp đột phá?
Phó Thủ tướng “xác nhận” hiện thực bằng các con số: nếu chia dân số thành 5 nhóm bằng nhau thì đến nay 20% người giàu đã giàu gấp 8,4 lần 20% người nghèo, còn nếu lấy 10% giàu so với 10% nghèo, quan hệ ấy gấp khoảng gần 13 lần.
Vấn đề đặt ra là phải làm thế nào để số giàu phải giàu lên, bởi nói là giàu nhưng chúng ta chưa có nhiều tỷ phú, triệu phú đô la. Chiến lược là giàu phải giàu lên, nghèo phải giàu nhanh.
Giải pháp đột phá theo ông Hùng là hạ tầng, chẳng hạn làm được đường, bà con khắc trồng trọt là vận chuyển được, bán được. Với những nhà nghèo thì trực tiếp làm nhà ở cho bà con - hiện Chính phủ và Mặt trận tổ quốc đang kêu gọi để giải quyết 43 vạn nóc nhà dột nát.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng tổng kết, kỳ họp này, số đại biểu dự phiên chất vấn đạt trên 94-95%. Số chất vấn nhiều, ban đầu, theo báo cáo, có 230 chất vấn, kết thúc, con số đã tăng lên 265 chất vấn của các đại biểu Quốc hội.
Về nội dung chất vấn, đều đi thẳng vào những vấn đề thực tiễn, bức xúc của cuộc sống, phản ánh khá đầy đủ ý kiến và nguyện vọng của cử tri. Phần trả lời đã tránh đọc lại báo cáo, dành thời gian chủ yếu để trả lời trực tiếp. Một số Bộ trưởng đã đi thẳng vào câu hỏi, thẳng thắn nhận khuyết điểm yếu kém của ngành, nhận trách nhiệm của mình, có người tiếp thu ngay, hứa sửa chữa, hoặc hứa xuống hiện trường để kiểm tra thực tế… |
Cấn Cường - Phương Thảo