DNews

Số phận taxi, grab ra sao sau dự Luật Đường bộ mới?

Ngọc Tân

(Dân trí) - Theo lãnh đạo Hiệp hội taxi Hà Nội, dự thảo Luật Đường bộ mới chưa đáp ứng được kỳ vọng của ngành taxi trong việc tạo bình đẳng với các hãng xe công nghệ.

Số phận taxi, grab ra sao sau dự Luật Đường bộ mới?

Dự thảo Luật Đường bộ mới với phần quy định về điều kiện kinh doanh vận tải  ô tô đang thu hút sự chú ý của những người làm trong ngành vận tải hành khách.

Điều 56 của dự thảo luật nêu rõ: "Kinh doanh vận tải bằng ô tô là việc tổ chức, cá nhân thực hiện ít nhất một trong các công đoạn gồm: điều hành phương tiện và lái xe hoặc quyết định giá cước vận tải để vận tải hành khách, hàng hóa trên đường bộ nhằm mục đích sinh lợi.".

Các loại hình kinh doanh vận tải hành khách bằng ô tô gồm: tuyến cố định, xe buýt, taxi, xe hợp đồng và loại hình mới theo quy định của Chính phủ.

Grab có kinh doanh vận tải không?

Theo ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam, quy định khung như trên là tương đối đầy đủ nhưng chưa chi tiết. Cần bổ sung chi tiết trong các văn bản dưới luật (nghị định, thông tư) để xác định các hãng gọi xe công nghệ có phải là đơn vị kinh doanh vận tải hay không.

"Trách nhiệm của Nhà nước là phải làm rõ họ là đơn vị kinh doanh vận tải hay chỉ là đơn vị kinh doanh dịch vụ phần mềm hỗ trợ kết nối vận tải", ông Quyền nêu ý kiến. 

Số phận taxi, grab ra sao sau dự Luật Đường bộ mới? - 1

Tài xế xe hợp đồng sử dụng dịch vụ phần mềm của các ứng dụng đặt xe công nghệ để kết nối với khách hàng (Ảnh minh họa: Cao Bách).

Sau khi đọc dự thảo Luật Đường bộ, Hiệp hội Taxi Hà Nội cũng có văn bản kiến nghị làm rõ hơn thế nào là việc "quyết định giá cước" để phân định rõ ràng giữa hoạt động kinh doanh vận tải và hoạt động kinh doanh dịch vụ phần mềm kết nối vận tải.

Hiện nay, các doanh nghiệp công nghệ như Grab, Be... không thừa nhận họ là doanh nghiệp vận tải mà chỉ là "sàn thương mại điện tử" cung cấp dịch vụ kết nối giữa tài xế kinh doanh vận tải và hành khách. 

Đối tác của các ứng dụng gọi xe này có thể là tài xế thuộc hộ kinh doanh vận tải, thành viên hợp tác xã vận tải hoặc thậm chí cả tài xế taxi truyền thống (Grab Taxi).

Với hình thức hợp tác này, các ứng dụng gọi xe không phải đáp ứng các điều kiện kinh doanh và nghĩa vụ thuế như một doanh nghiệp vận tải thuần túy. Thay vào đó, từng chủ xe sẽ phải đáp ứng nghĩa vụ này.

Tuy nhiên, theo dự luật mới, các doanh nghiệp như Grab, Be sẽ phải tuân thủ nguyên tắc "không tham gia vào công đoạn điều hành phương tiện và lái xe; không quyết định giá cước vận tải" nếu không muốn bị coi là doanh nghiệp kinh doanh vận tải.

Chưa giải quyết được bất bình đẳng

Theo dự thảo Luật Đường bộ, kinh doanh vận tải hành khách bằng taxi là loại hình kinh doanh sử dụng ô tô chở người đến 9 chỗ để thực hiện vận tải theo yêu cầu của hành khách, phương thức tính tiền cước thông qua đồng hồ tính tiền; phần mềm tính tiền có kết nối trực tiếp với hành khách hoặc theo thỏa thuận với hành khách.

Kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng là loại hình kinh doanh sử dụng ô tô chở người, xe chở người 4 bánh có gắn động cơ để vận tải hành khách theo hợp đồng vận tải bằng văn bản giấy hoặc điện tử giữa đơn vị kinh doanh vận tải hành khách với người thuê vận tải có nhu cầu thuê cả chuyến xe, bao gồm cả thuê người lái xe.

Câu hỏi đặt ra là nếu các định nghĩa trên được ban hành, những người lái Grab Car, Be Car... sẽ được xếp vào loại hình kinh doanh vận tải nào?

Số phận taxi, grab ra sao sau dự Luật Đường bộ mới? - 2

Số phận taxi, grab ra sao sau Luật Đường bộ mới? (Ảnh minh họa).

Theo ông Nguyễn Văn Quyền, các loại xe kinh doanh vận tải dùng nền tảng công nghệ (như Grab, Be...) nên được xếp vào loại xe hợp đồng. Loại xe này có đặc trưng là áp dụng giá cước linh hoạt, tăng giá khi trời mưa, đường tắc... không giữ khung giá cố định như xe taxi.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Công Hùng, Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội, cho rằng việc coi các loại xe công nghệ dưới 9 chỗ là xe hợp đồng sẽ tiếp tục duy trì sự bất bình đẳng giữa xe công nghệ và taxi truyền thống.

"Loại hình vận tải hành khách bằng xe hợp đồng dưới 9 chỗ bản chất hoạt động như xe taxi, gây bất bình đẳng. Hiệp hội đề nghị bổ sung áp dụng các điều kiện quản lý xe taxi đối với loại hình vận tải này thật cụ thể", ông Hùng đề xuất.

Theo Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội, các hãng taxi truyền thống đang phải đáp ứng rất nhiều điều kiện kinh doanh do Nhà nước quy định như việc quản lý, đào tạo đội ngũ tài xế, khám sức khỏe; chịu các nghĩa vụ về an sinh cho tài xế như bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; phải đăng ký giá cước, lắp thiết bị giám sát hành trình cho xe...

Trong khi đó, các hãng đặt xe công nghệ không phải chịu các nghĩa vụ trên do quan hệ giữa họ với tài xế là "đối tác", tài xế không phải là nhân viên của Grab Car hay Be Car.

"Các điều kiện kinh doanh khác nhau gây ra bất bình đẳng. Vì vậy, cần phải quy định rõ ràng hơn để phân định giữa vận tải taxi và vận tải xe hợp đồng dưới 9 chỗ", ông Hùng nêu quan điểm.

Vừa qua, Quốc hội đã thảo luận phiên toàn thể tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Đường bộ. Theo dự kiến, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua luật này tại Kỳ họp thứ 7 sau khi được các đại biểu cho ý kiến, thảo luận kỹ lưỡng.