ĐBQH: Tài xế taxi phải nghỉ 5 phút giữa hai lần lái xe là không phù hợp

Hoài Thu

(Dân trí) - "Quy định thời gian phải ngừng nghỉ giữa 2 lần lái xe liên tục đối với tài xế taxi là 5 phút, tôi cho là không phù hợp. Việc này không có ý nghĩa gì", theo đại biểu Quốc hội Phan Thị Mỹ Dung.

Thời gian làm việc của người lái xe kinh doanh vận tải và vận tải nội bộ là một trong những nội dung quan trọng của dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Nội dung này cũng được đại biểu Quốc hội đề cập khi thảo luận, cho ý kiến về dự Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ chiều 24/11.

Trong dự thảo luật, Điều 56 nêu rõ định hướng thời gian làm việc của người lái xe phải bảo đảm theo quy định của Bộ luật Lao động. Tổng thời gian lái xe trong một ngày không quá 480 phút.

Quy định thời gian lái xe liên tục, thời gian dừng nghỉ giữa hai lần lái xe, dự thảo Luật nêu rõ trong khoảng thời gian từ 6h đến 22h, thời gian lái xe liên tục không quá 240 phút; thời gian dừng nghỉ giữa hai lần lái xe tối thiểu 5 phút đối với lái xe taxi, xe buýt và 15 phút đối với lái xe vận tải nội bộ, các loại hình kinh doanh vận tải còn lại.

ĐBQH: Tài xế taxi phải nghỉ 5 phút giữa hai lần lái xe là không phù hợp - 1

Đại biểu Quốc hội Phan Thị Mỹ Dung (Ảnh: Phạm Thắng).

Đại biểu Phan Thị Mỹ Dung (Long An) cho rằng việc dự thảo đưa ra những cung giờ và thời gian tối đa mà các lái xe phải ngừng nghỉ để đảm bảo sức khỏe, đảm bảo sự tỉnh táo trong điều khiển là một điều tốt. Đây cũng là xu hướng của các nước trên thế giới cũng như thế.

Song với quy định "thời gian phải ngừng nghỉ giữa 2 lần lái xe liên tục đối với tài xế taxi là 5 phút", theo đại biểu Dung, là không phù hợp.

"Việc ngừng nghỉ 5 phút này không có ý nghĩa gì, taxi thường lưu thông trong nội thành, nếu kẹt xe có khi đứng cả tiếng đồng hồ thì có được tính hay không? Hoặc chỉ cần xe dừng khi đèn đỏ và di chuyển khi hết đèn đỏ đến đèn xanh có khi đã mất hơn 5 phút, vậy có tính không?", nữ đại biểu đặt vấn đề.

Bà đề nghị lấy đánh giá về chuyên môn y tế để quy định thời gian bao nhiêu phải ngừng nghỉ, ngừng nghỉ trong bao lâu và đánh giá thực tiễn về giao thông đường bộ của Việt Nam để quy định cách thức ngừng nghỉ cho phù hợp và khả thi.

Liên quan quy định về giấy phép lái xe, đại biểu Trần Thị Thu Phước (Kon Tum) nhận định đây là một trong những giấy tờ rất quan trọng, không chỉ là phương tiện để Nhà nước, xã hội công nhận một người có đủ năng lực điều khiển phương tiện giao thông, mà còn là công cụ phục vụ đắc lực cho công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực này.

Tuy nhiên, nữ đại biểu phản ánh vừa qua, tình trạng vi phạm trật tự, an toàn giao thông vẫn diễn biến rất phức tạp.

Nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng gây thiệt hại lớn về người và tài sản liên tiếp xảy ra, gây lo lắng, bức xúc trong quần chúng nhân dân. Tình trạng này một phần nguyên nhân chính đó là do ý thức của người điều khiển giao thông chưa cao.

ĐBQH: Tài xế taxi phải nghỉ 5 phút giữa hai lần lái xe là không phù hợp - 2

Đại biểu Quốc hội Trần Thị Thu Phước (Ảnh: Phạm Thắng).

Trong khi đó, hậu quả về mặt pháp lý đối với hành vi vi phạm hành chính chỉ mang tính chất nhất thời, chưa đủ sức răn đe các trường hợp vi phạm.

Vì thế, bà Phước đề nghị bổ sung quy định về tính điểm giấy phép lái xe, xem xét sử dụng việc trừ điểm giấy phép lái xe là một biện pháp quản lý Nhà nước.

"Đây là biện pháp đánh trực tiếp vào ý thức của người điều khiển phương tiện, đã được nhiều nước trên thế giới áp dụng. Tùy vào hành vi vi phạm, lái xe sẽ bị trừ số điểm nhất định. Vi phạm nhiều lần sẽ bị trừ nhiều lần, trừ đến khi bị tước giấy phép lái xe và buộc phải học lại", nữ đại biểu nêu quan điểm.

Với việc áp dụng quy định này, bà cho rằng người điều khiển phương tiện buộc phải tự ý thức về số điểm trên giấy phép của mình, hạn chế khả năng vi phạm. Ngoài ra, điểm của giấy phép lái xe cũng có thể được sử dụng như tiêu chí để các nhà tuyển dụng sử dụng khi tuyển lao động lái xe, theo đại biểu Phước.

Đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân (Bình Dương) cũng kiến nghị rà soát tăng nặng chế tài xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn giao thông. Đặc biệt, với trường hợp cố tình không chấp hành quyết định xử phạt hành chính cần có chế tài tăng nặng hơn so với lỗi đã vi phạm, nhằm đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật.