1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

“Sẽ làm vụ Vedan đến cùng”

(Dân trí) - “Không châm chước”, “dứt khoát không”, “làm đến cùng”, “đóng cửa”… là những từ đã được Bộ trưởng TN-MT, Phạm Khôi Nguyên sử dụng để nói về việc xử lí Ve dan. Ông cũng khẳng định, sẽ tiếp tục mở rộng vấn đề phát hiện, xử lí sai phạm môi trường…

Sẽ rất cứng rắn với Vedan

Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên mở đầu cuộc trao đổi với báo chí bên lề kì họp Quốc hội sáng 22/10: “Quan điểm của tôi là sẽ làm đến cùng, dứt khoát phải đóng cửa Vedan”.

Theo ông, đóng cửa ở đây là thực hiện với những khâu, những lĩnh vực thải ra chất thải chưa qua xử lí, còn những lĩnh vực khác không có ô nhiễm chất thải vẫn để sản xuất bình thường.

Việc đóng cửa sẽ thực hiện đến khi nào các đường ống ngầm “gian dối” bật lên hết và tất cả các đường ống thải phải đưa qua bể xử lí và xử lí. Nếu kiểm tra đạt tiêu chuẩn mới cho hoạt động.

“Đối với Vedan, không thể châm chước một điều gì nữa, bởi vì chúng tôi biết quá rõ họ rồi”, ông Nguyên nói. Theo ông, nếu do trình độ công nghệ, do khó khăn này, khó khăn khác xử lí không đạt yêu cầu thì có thể châm chước, khuyến cáo để khắc phục, nhưng đây là một sự gian dối, gian dối ngay từ khi xây dựng nhà máy.

Gian dối ở đây là vi phạm đạo đức kinh doanh, vi phạm đạo đức môi trường và lừa dối cả pháp luật Việt Nam. Nguyên tắc xử lí gian dối là phải làm đến cùng.

Ông Nguyên cho biết, cá nhân ông đã theo đuổi Vedan từ năm 1997. Theo đó, Vedan từng có ý định đổ rỉ lên men vào rừng cao su ở Tây Nguyên, nhưng đã bị cấm. Sau đó, Vedan làm ra “cái gọi là” Vedagro và có lần đề nghị đổ chất thải này ra biển để chứng minh cho cá ăn, nhưng cũng bị cấm.

Về việc đánh giá thiệt hại Vedan gây ra đối với sông Thị Vải, ông Nguyên cho biết các nhà khoa học đang tiến hành. Ông khẳng định là sẽ đánh giá được và không lâu nữa sẽ có kết quả… Trong công văn của Bộ TN-MT cách đây chưa lâu đã đề cập đến việc tiếp tục đánh giá hậu quả của Vedan và Vedan sẽ phải chịu trách nhiệm bồi thường những thiệt hại đó.

Về khoản truy thu phí môi trường 127 tỉ đồng đối với Vedan, ông Nguyên cho biết, đang có những thông tin Vedan xin kéo dài và hoãn nộp, nhưng quan điểm của ông là rất cứng rắn. “Tôi cho hạn, nếu Công ty này nộp đủ sẽ cho mở cửa nhà máy hoạt động tiếp, nếu không thực hiện đúng, dứt khoát là không”, ông Nguyên nhấn mạnh.

Sẽ đến nhà máy vi sinh, bia, giấy…

Bộ trưởng TN-MT, Phạm Khôi Nguyên cũng cho biết, lợi nhuận của Vedan một năm sau thuế, sau chi phí là từ 10 đến 15 triệu đô la.

Khu công nghệ về vi sinh của Vedan lẽ ra phải đầu tư 10-15% tổng mức đầu tư cho vấn đề xử lí môi trường. Với đầu tư cỡ 500 triệu đô la như Vedan, ít nhất phải bỏ ra 50-70 triệu đô la để xử lí môi trường, thế nhưng hiện nay Công ty này mới bỏ ra 3 triệu. “Riêng việc này Vedan đã ăn không 50 triệu đô la”, ông Nguyên phân tích.

Ông Nguyên cho rằng, tới đây phải đánh bật tất cả đường ống của Vedan lên để dễ kiểm tra. Thứ hai, sẽ cho lắp hệ thống tự động quan trắc và với điều này, việc sử dụng điện cho xử lí chất thải cũng như lượng nước đầu vào đầu ra sẽ được tính toán ra.

“Làm vụ Vedan không phải làm riêng cho Vedan mà để làm chuẩn cho các nhà máy xí nghiệp khác, để cảnh báo”, ông Nguyên nhấn mạnh.

Liên quan đến khuôn khổ pháp luật để xử lí tội phạm môi trường, ông Nguyên cho biết, từ việc các cơ quan Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, Toà án Nhân dân Tối cao, Công an với với Bộ TN-MT vừa qua cũng ngồi lại xem khởi tố Vedan như thế nào thì thấy rằng, luật pháp của ta vẫn còn hổng. Đối với doanh nghiệp nước ngoài, chúng ta gần như chưa có khởi tố, khung hình sự mới áp với cá nhân.

Cũng theo ông Nguyên, tới đây, việc kiểm tra, xử lí đối với vấn đề gây ô nhiễm môi trường sẽ được mở rộng làm tiếp. Thứ nhất, sẽ tiến hành ở tất cả các nhà máy bột ngọt, các nhà máy vi sinh, kể cả nhà máy dược liệu. Không phải Bộ TN-MT đứng ra trực tiếp làm mà Bộ sẽ đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh chỉ đạo các Sở TN-MT và Sở Công an thực hiện việc này.

Thứ hai, sẽ tiến hành với các nhà máy bia, rồi các nhà máy giấy, các nhà máy hoá chất. Tiếp nữa là các khu công nghiệp…

“Lần này phải làm rất mạnh. Ra quân phải ra quân đồng đều, không phải là chỉ có xử lí Vedan rồi bỏ đấy”, ông Nguyên khẳng định.

Cấn Cường