Ra nghị quyết ràng buộc lời hứa của Bộ trưởng
(Dân trí) - Lần đầu tiên Quốc hội thông qua Nghị quyết về hoạt động chất vấn, ngay trước khi tuyên bố bế mạc kỳ họp thứ 4. PCT Quốc hội Uông Chu Lưu khẳng định, Nghị quyết mang tính pháp lý để ràng buộc trách nhiệm thực hiện lời hứa của các thành viên Chính phủ.
Phó Chủ tịch Uông Chu Lưu cho biết, Nghị quyết đánh giá về hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn trong kỳ họp này xác định các vấn đề mà đại biểu yêu cầu các thành viên Chính phủ phải thực hiện lời hứa. Nghị quyết cũng giao UB thường vụ Quốc hội, trong khoảng thời gian từ giờ tới kỳ họp tới, tổ chức chất vấn tiếp một số nội dung do thời gian hạn chế, chưa được trả lời trực tiếp trong kỳ họp này.
“Đây là lần đầu tiên Quốc hội có một Nghị quyết chung về hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp. Dĩ nhiên, Nghị quyết này sẽ có sức nặng hơn, có giá trị pháp lý cao hơn việc chỉ tổng kết chất vấn một cách đơn thuần” - cựu Bộ trưởng Tư pháp phân tích.
Đánh giá chung về phiên chất vấn này, Phó Chủ tịch Uông Chu Lưu cho rằng, đây là một kỳ chất vấn được cử tri cả nước ghi nhận, hoan nghênh, một kỳ chất vấn đổi mới và ấn tượng hơn các kỳ họp trước. Các vấn đề chất vấn đều tập trung vào những việc đang thực sự bức xúc và còn có những khó khăn vướng mắc trong quản lý điều hành của các Bộ liên quan đến kinh tế, an sinh xã hội, tài nguyên môi trường…
Cách tiến hành chất vấn quán triệt không nghe lại báo cáo của các Bộ trưởng. Tại nghị trường, có đối thoại thẳng thắn, trực diện giữa người chất vấn là người bị chất vấn. Qua trả lời của mỗi Bộ trưởng, phần liên quan đến các bộ ngành khác, chủ tọa phiên họp lập tức mời các Bộ trưởng khác cùng trả lời để thấy rõ được trách nhiệm của bộ trực tiếp quản lý ngành, lĩnh vực đồng thời trách nhiệm phối hợp của bộ, ngành liên quan.
Ông Lưu thẳng thắn: Trong chất vấn, dù chưa đi đến tận cùng vấn đề như mong muốn nhưng cũng đã tập trung làm sâu một vấn đề đại biểu quan tâm để có thế làm rõ tất cả mọi khía cạnh rồi mới chuyển sang vấn đề khác. Ông Lưu đánh giá hướng cải tiến là hợp lý.
Về việc nhận trách nhiệm như Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát, ông Lưu phân trần, chưa có cơ sở gì để xử lý. “Tôi nghĩ rằng đó là một thái độ rất chân thành và ý thức trách nhiệm của Bộ trưởng Cao Đức Phát. Nhưng qua việc trả lời chất vấn thì thấy rằng chưa đến mức xử lý trách nhiệm với Bộ trưởng này” - ông Lưu nói.
Phó Chủ tịch Uông Chu Lưu tỏ ý hài lòng với lý do giải trình của Bộ trưởng NN&PTNT, Bộ trưởng Công thương và cả Thủ tướng về biện pháp điều hành ngừng ký hợp đồng xuất khẩu gạo đầu năm 2008.
Ông Lưu cũng “bác” nghi vấn về việc có câu hỏi “cài cắm” trong số các chất vấn với mục đích gỡ trách nhiệm cho người trả lời chất vấn. Vị Phó Chủ tịch QH phân tích: Chất vấn là quyền của đại biểu. Đại biểu có thể nghĩ, quan tâm vấn đề gì thì nói vấn đề đó. Nhưng cách hỏi, theo ông Lưu, đúng là có những điểm chưa đạt yêu cầu như đoàn chủ tịch gợi ý. Nhiều đại biểu nêu câu hỏi quá dài, nặng về cung cấp thông tin trước khi hỏi vào trách nhiệm của người được chấn vấn.
Bộ trưởng GT-VT Hồ Nghĩa Dũng: "Nếu được toàn quyền, Bộ trưởng không tiếc... hứa"
Là Bộ trưởng, như tôi, và tôi tin chắc các Bộ tưởng khác cũng thế, ai cũng muốn làm được việc mình đã nói, chứ không phải thích gì nói nấy, nói rồi cứ để đó. Nếu được toàn quyền, Bộ trưởng không tiếc... hứa. Nhưng công việc còn bị chi phối bởi các yếu tố khác. Vì chưa tính được hết những yếu tố bên ngoài nên các bộ trưởng có phần dè dặt.
Về câu chuyện lúa gạo, Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng cho rằng, có phần trách nhiệm của bộ này, bộ kia nhưng chưa đến mức phải từ chức...
“Chấm điểm” việc trả lời chất vấn của các Bộ trưởng kỳ này, ông Dũng thẳng thắn: “Với tư cách cùng “nghề” Bộ trưởng, tôi rất chia sẻ. Có những vấn đề đã được trả lời xác đáng, chặt chẽ nhưng cũng có nhiều câu trả lời, với tư cách đại biểu, tôi cũng chưa được thuyết phục”.
Với việc Quốc hội ra Nghị quyết về hoạt động chất vấn, Bộ trưởng GT-VT cho rằng, dù không có Nghị quyết, các Bộ trưởng vẫn luôn nhớ việc mình phải làm. Nhưng có Nghị quyết, tính nghiêm minh, kỷ cương sẽ cao hơn, cũng là để các Bộ trưởng tăng cường hơn trách nhiệm của mình và Quốc hội có điều kiện giám sát chặt chẽ hơn hoạt động của ngành. |
P.Thảo