Rưng rưng ngắm kỷ vật nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh cất tiếng khóc chào đời
(Dân trí) - Sáng 19/5/1890, giữa hương sen thơm ngào ngạt, trong ngôi nhà tranh vách nứa 3 gian ở làng Hoàng Trù, xã Kim Liên, Nam Đàn, Nghệ An, cậu bé Nguyễn Sinh Cung đã cất tiếng khóc chào đời.
Thân mẫu Chủ tịch Hồ Chí Minh - bà Hoàng Thị Loan (1868-1901), sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống nho học, yêu nước. Cha của bà là cụ Hoàng Xuân Đường, một nhà nho nhân văn có tiếng trong vùng. Vượt qua lễ giáo phong kiến, cụ Hoàng Xuân Đường đã gả con gái cho cậu học trò nghèo mồ côi Nguyễn Sinh Sắc (1862-1929) mà ông nuôi ăn học.
Năm 1883, cụ Hoàng Xuân Đường đã cắt đất, dựng một căn nhà mái lá, vách nứa 3 gian ở phía tây khu vườn cho con gái và con rể ở.
Trong ngôi nhà tranh 3 gian, ở Làng Hoàng Trù (còn có tên khác là Làng Chùa), xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An là sự miệt mài đèn sách của ông Nguyễn Sinh Sắc, sự tần tảo thủy chung của bà Hoàng Thị Loan.
Cũng chính trong căn nhà này, bà Hoàng Thị Loan đã hạ sinh người con gái Nguyễn Thị Thanh (1884), con trai Nguyễn Sinh Khiêm (1888) và đặc biệt, sáng 19/5/1890, cậu bé Nguyễn Sinh Cung (sau này là Nguyễn Tất Thành, Nguyễn Ái Quốc, Hồ Chí Minh) cất tiếng khóc chào đời giữa mùa hoa sen nở rộ.
Gian nhà ngoài là nơi học tập và nghỉ ngơi của ông Nguyễn Sinh Sắc, đầu hồi là chiếc án thư, nghiên mực và ống đựng bút lông. Đây là nơi hàng ngày ông Nguyễn Sinh Sắc mài dùi kinh sử và đón ông Hoàng Xuân Đường sang trao đổi văn chương, bình văn, bình thơ.
Tư tưởng yêu nước chính là yêu dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh sau này một phần được ảnh hưởng từ người cha Nguyễn Sinh Sắc. Ông là một nhà nho cấp tiến, có nhân cách cao thượng. Ông xem thường lễ nghi phong kiến, khuyên răn con cái chớ học đòi dáng dấp nhà quan, coi trọng đạo đức, gìn giữ nếp sống trong sạch, giản dị, gần gũi nhân dân, thương yêu học trò...
Nếu như gian nhà ngoài là nơi ông Nguyễn Sinh Sắc dùi mài kinh sử thì ở gian thứ 2 là nơi sinh hoạt của bà Hoàng Thị Loan và các con.
Bà Nguyễn Thị An Vinh, cán bộ Phòng tuyên truyền, giáo dục - Khu di tích Kim Liên, cho biết: "Bà Hoàng Thị Loan là hình mẫu điển hình của người phụ nữ Việt Nam chịu thương, chịu khó, yêu thương và hi sinh vì chồng con vô điều kiện. Ban đêm, bà vừa ru con, vừa dệt vải để lo toan cho gia đình. Bà thức cùng chồng để ông Nguyễn Sinh Sắc học bài, nuôi giấc mộng đỗ đạt để giúp nước, giúp dân.
Chiếc võng dài 3,2m, rộng 1,5m, được đan bằng sợi cói bện vào nhau. Đêm đêm, trên chiếc võng này, cậu bé Nguyễn Sinh Cung say giấc ngủ trong tiếng ru ầu ơ, cùng những làn điệu dân ca ví, dặm của mẹ: "À ơi, con ơi mẹ dặn câu này/Chăm lo đèn sách cho tày áo cơm/Làm người đói sạch rách thơm/Công danh phủi nhẹ nước non phải đền".
Lời ru ngọt ngào sâu lắng, chứa đựng những mong muốn bình dị và gửi gắm lớn lao đã thấm dần vào tâm trí, hình thành nên nhân cách Hồ Chí Minh.
Sau bao nhiêu năm bôn ba trong cuộc hành trình cứu nước, khi nghe thấy tiếng ru con của một người mẹ nơi xứ người, Bác Hồ đã thổn thức: "Xa nhà chốc mấy mươi niên/Đêm qua nghe tiếng mẹ hiền ru con". Và đến những giây phút cuối đời, Bác muốn nghe một làn điệu dân ca ví, dặm Nghệ Tĩnh trong nỗi nhớ thương người mẹ hiền và quê hương da diết.
Để chồng yên tâm dùi mài kinh sử, ngoài việc đồng áng, đêm đêm bà Hoàng Thị Loan ngồi vào khung cửi, miệt mài se sợi, dệt vải. Những tấm vải qua bàn tay khéo léo của bà trở thành nguồn thu nhập không nhỏ để trang trải cuộc sống, lo toan cho gia đình. Đây cũng chính là kỷ vật đã gieo vào tâm hồn Bác, tạo nên nhiều giá trị trong nhân cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Ngôi nhà nhỏ là nơi bà Hoàng Thị Loan sống cùng chồng và 3 con trong 11 năm trước khi chuyển vào Huế (năm 1895) để chồng có điều kiện học hành tốt hơn và mất ở đó khi mới 33 tuổi. Sau hơn một thể kỷ, mọi hiện vật trong nhà đều gần như nguyên vẹn, từ chiếc võng, khung cửi, chiếc rương gỗ cho đến đĩa dầu lạc đêm đêm vẫn thắp sáng để bà đưa thoi dệt vải, thức bầu bạn với chồng.
Hàng năm, đặc biệt là vào dịp sinh nhật Người, du khách muôn phương đã về đây để thăm và nghe kể về những năm tháng ấu thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Anh Nguyễn Tuấn Thanh (30 tuổi, trú thành phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng) chia sẻ: "Cao Bằng vinh dự là nơi đón Bác trở về sau 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước. Hôm nay, chúng tôi về đây, được tận mắt chứng kiến những vật dụng đơn sơ trong ngôi nhà nơi Bác sinh ra và bồi đắp nên tinh thần yêu nước, hình thành nhân cách lớn của một vĩ nhân dành trọn cuộc đời đấu tranh cho độc lập, tự do của Tổ quốc, tôi thấy rất xúc động, thiêng liêng và ý nghĩa".