1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Quy định “mọi người có quyền được sống” là chưa đầy đủ!

(Dân trí) - “Khi chưa bỏ án tử hình, nếu chỉ quy định ngắn gọn “mọi người có quyền sống” như dự thảo Hiến pháp sửa đổi, khi Tòa án tuyên phạt tử hình với công dân cụ thể có bị coi là vi hiến?” – một ủy viên UB Pháp luật của QH đặt câu hỏi.

Ngày 11/3, UB Pháp luật tổ chức phiên họp toàn thể góp ý kiến sửa Hiến pháp. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu gợi ý làm rõ các nội dung về phát huy dân chủ, chủ quyền nhân dân, thể chế hóa cương lĩnh và văn kiện Đại hội Đảng để nhân dân thực sự là chủ thể quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Hiến pháp phải thể hiện tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc; tư tưởng tiếp tục xây dựng, hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân...; đồng thời tham gia góp ý về ngôn ngữ, văn phong của Hiến pháp, cũng như kỹ thuật lập hiến.

Bàn về lời nói đầu, đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) cho rằng dự thảo Hiến pháp đã đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng và vai trò của nhân dân, cũng như thể hiện được đường lối đối nội, đối ngoại và định hướng phát triển của đất nước trong thời kỳ mới. Tuy nhiên theo đại biểu cần nghiên cứu viết gọn lại theo hướng chỉ rõ các mốc quan trọng của quá trình lập hiến, vai trò, nhiệm vụ của Hiến pháp, nguyên tắc và mục đích bao trùm của Hiến pháp lần này, đồng thời phải có tính khái quát cao, nêu bật được truyền thống yêu nước của dân tộc.
Án tử hình vi phạm “quyền được sống”?

Lấy ví dụ từ Điều 4, ông Vinh cho rằng, dự thảo chỉ cần nêu nội dung Đảng là đội tiên phong của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và dân tộc Việt Nam, chứ không cần phải dùng chữ “đồng thời là”. Thể hiện như vậy vừa ngắn gọn, vừa bao hàm được nghĩa rộng hơn...

Ông Vinh phân tích thêm nội dung Điều 21, quy định “mọi người có quyền sống”. Theo ông, nội dung viết lại như vậy chưa “chuẩn”, không đầy đủ, bởi khái niệm sống như thế nào là một vấn đề cần bàn. Ông Vinh đề nghị ghép Điều 21 và Điều 35 thành nội dung “Mọi người có quyền sống, bảo đảm an sinh xã hội...”. .

Cũng ở khía cạnh này, đại biểu Nguyễn Văn Chiến (Bắc Ninh) cho rằng, quy định “mọi người có quyền sống” vẫn thiếu hụt. Ông Chiến đặt câu hỏi: “Hiện nay chúng ta vẫn đang giữ, chưa bỏ án tử hình. Vậy nếu quy định ngắn gọn như Điều 21 của dự thảo, khi Tòa án tuyên phạt tử hình đối với công dân cụ thể có bị coi là vi hiến?”. Ông Chiến gợi ý, nên chăng chúng ta cần quy định rõ “mọi người có quyền sống, trừ những người bị Tòa tuyên án tử hình...”.

Đại biểu Trần Văn Độ (Chánh án Tòa án quân sự TƯ) cũng thẳng thắn nêu quan điểm; “Nếu Điều 21 của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 quy định như vậy thì khi Tòa tuyên án tử hình có nghĩa là đã vi hiến. Do vậy tôi đề nghị Ban soạn thảo cần xem xét lại quy định này...”.

Bàn về quy định hoàn toàn mới - Hội đồng Hiến pháp (Điều 120), ông Chiến cho rằng, Hội đồng Hiến pháp chỉ có thẩm quyền đề nghị, kiến nghị, yêu cầu các cơ quan có thẩm quyền ban hành xem xét lại, sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ văn bản quy phạm pháp luật khi phát hiện có vi phạm Hiến pháp, mới chỉ là cơ chế giám sát, phản biện, chưa phải là cơ chế phán quyết.

Theo đại biểu, quy định này không khác nhiều với chức năng của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội. Trên cơ sở phân tích, đại biểu đề nghị cần nghiên cứu kỹ hơn về chế định này; xem xét việc giao cho Hội đồng Hiến pháp thẩm quyền tạm đình chỉ hay đình chỉ thi hành văn bản có nội dung vi phạm Hiến pháp chờ cơ quan có thẩm quyền xem xét, sửa đổi, bổ sung hay bãi bỏ.

Ông Độ nêu thêm vấn đề, một cơ quan có chức năng giám sát, bảo vệ như Hội đồng Hiến pháp có chức năng bảo hiến thì chức năng nhiệm vụ luôn có 2 giai đoạn là “tiền kiểm” và “hậu kiểm”. Tuy nhiên, nội dung dự thảo Hiến pháp sửa đổi mới chỉ quy định chức năng “tiền kiểm” của Hội đồng này là giám sát và kiến nghị bãi bỏ những văn bản vi hiến. Trong khi đó, chức năng chính của cơ quan này là “hậu kiểm” - nghĩa là bảo vệ, ngăn chặn mọi hành vi vi phạm Hiến pháp.

“Tôi cho rằng, nếu Hội đồng Hiến pháp không có được quyền phán quyết như một Tòa án thì cũng phải có quyền đình chỉ một văn bản vi hiến trong khi chờ phán quyết cuối cùng để tránh những hậu quả đáng tiếc do văn bản vi hiến mang lại...” - ông Độ đề nghị.

Ông Độ dẫn giải lý lẽ, có những vụ kiện tụng về đất đai tồn tại đến 4-5 năm mà Tòa án không thể xét xử được vì có nhiều văn bản chồng chéo, thậm chí ngược nhau. Trong trường hợp đó, Tòa án bắt buộc phải tạm dừng việc xét xử để chờ cơ quan có thẩm quyền bãi bỏ một hay nhiều văn bản trái chiều. Tuy nhiên, chẳng có một cơ quan nào dám đứng ra phán quyết hủy những quyết định vi hiến hoặc tréo ngoe với những văn bản khác. Do vậy mà vụ việc cứ mãi lình xình không thể giải quyết dứt điểm được.

Đại biểu Trần Tiến Dũng (Hà Tĩnh) cho rằng, quy định như khoản 2 Điều 120 thì Hội đồng Hiến pháp chưa thực sự có quyền lực để thực thi nhiệm vụ bảo vệ Hiến pháp. Đại biểu đề xuất phải giao đầy đủ quyền lực để Hội đồng Hiến pháp phán quyết độc lập đối với những văn bản quy phạm pháp luật có nội dung vi phạm Hiến pháp…

P.Thảo