Không trình Quốc hội phương án đổi tên nước
(Dân trí) - Bản dự thảo vừa được trình Quốc hội đã “gỡ bỏ” phương án lấy lại tên nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Nội dung giải trình, tiếp thu của UB Dự thảo sửa đổi Hiến pháp cho biết, giữ nguyên tên nước để tránh việc phải thay đổi về quốc huy, con dấu, quốc hiệu…
Chủ nhiệm UB Pháp luật của Quốc hội, đại diện Ban Biên tập sửa đổi Hiến pháp, ông Phan Trung Lý cho biết, qua tổng hợp có nhiều ý kiến đóng góp về vấn đề tên nước.
Đa số ý kiến đề nghị tiếp tục quy định tên nước là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Tên gọi này ra đời trong bối cảnh cả nước vừa hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ, thống nhất đất nước, cả nước đi lên CNXH, khẳng định con đường mục tiêu xây dựng chế độ XHCN của Đảng, nhà nước và nhân dân.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, ông Phan Trung Lý (Ảnh: Việt Hưng)
Ý kiến đề xuất lấy lại tên nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa thì lập luận, tên gọi này gắn với sự ra đời chính thể cộng hòa đầu tiên ở Việt Nam. Tên gọi này được ghi nhận trong Tuyên ngôn độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh, được tiếp tục khẳng định trong Hiến pháp 1946 và 1959. Tên gọi này thể hiện rõ thể chế chính trị là cộng hòa, bản chất nhà nước là nhà nước dân chủ.
Ý kiến này cho rằng, việc lấy lại tên nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa không ảnh hưởng đến mục tiêu xây dựng CNXH, phù hợp con đường quá độ lên CNXH hiện nay.
Đưa ra quan điểm đánh giá, UB Dự thảo cho rằng, cả 2 tên gọi đều thể hiện rõ chính thể của nhà nước là cộng hòa, bản chất nhà nước là nhà nước dân chủ. Tuy nhiên, việc giữ nguyên tên nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhằm tiếp tục khẳng định mục tiêu, con đường xây dựng và phát triển đất nước lên CNXH, đảm bảo tính ổn định.
Phương án này cũng tránh việc phải thay đổi về quốc huy, con dấu, quốc hiệu trên các văn bản, giấy tờ.
“Trải qua 37 năm, tên gọi này đã trở nên quen thuộc đối với nhân dân Việt Nam và bạn bè quốc tế” – UB Dự thảo phân tích.
Về việc xác định nền tảng của quyền lực nhà nước, UB Dự thảo cũng “bác” các phương án đề xuất quy định “tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là khối đại đoàn kết toàn dân tộc”, giữ nguyên quy định “nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức”. Ông Phan Trung Lý khẳng định, hướng quy định này nhằm thể hiện bản chất giai cấp của nhà nước, đồng thời khẳng định nền tảng vững chắc của chính quyền nhân dân, phù hợp với tính chất và nguyên tắc tổ chức của nhà nước.
Dự thảo Hiến pháp mới bổ sung quy định về việc tuyên thệ khi nhậm chức của Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án TAND tối cao tại khoản 7 Điều 75. |
Về Điều 4, có ý kiến đề nghị làm rõ hơn cơ chế lãnh đạo của Đảng đối với nhà nước và xã hội, cơ chế chịu trách nhiệm của Đảng và cơ chế để nhân dân giám sát Đảng. Ý kiến này cho rằng cần có luật về sự lãnh đạo của Đảng nhằm tạo cơ sở pháp lý cho Đảng thực thi vai trò, sứ mệnh lịch sử của mình đối với nhà nước và xã hội, tạo sự minh bạch trong hoạt động của Đảng, tạo cơ sở cho nhân dân giám sát hoạt động của tổ chức Đảng và Đảng viên.
UB Dự thảo nhận định, Đảng ta là Đảng cầm quyền, lãnh đạo nhà nước và xã hội. Đảng lãnh đạo thông qua Cương lĩnh, chiến lược, các định hướng, chính sách, chủ trương lớn của mình. Cách thức lãnh đạo thể hiện linh hoạt, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của từng giai đoạn, thời kỳ.
Bên cạnh đó, quy định mọi tổ chức Đảng, đảng viên hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật đã là một bảo đảm quan trọng để người dân có điều kiện giám sát, giúp Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh.
Hơn nữa, việc thay đổi phương thức lãnh đạo của Đảng vẫn đang được tổng kết, nghiên cứu.
Với những lý do đó, UB Dự thảo đề nghị không đưa vấn đề ban hành luật về Đảng vào dự thảo Hiến pháp.
Ngoài ra, bản dự thảo mới cũng chỉ giữ lại một phương án quy định rõ về bản chất giai cấp, nền tảng tư tưởng của Đảng “là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, dân nhân lao động và cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác – Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh làn nền tảng tư tưởng”.
Ban Biên tập lập luận, chính do bản chất và nền tảng tư tưởng đó nên nhân dân mới thừa nhận vai trò lãnh đạo nhà nước và xã hội của Đảng và ghi nhận vào Hiến pháp – đạo luật cơ bản của nhà nước.
Trong chương Bảo vệ tổ quốc, hướng tiếp thu mới nhất về Điều 70, không đưa quy định “lực lượng vũ trang phải tuyệt đối trung thành với Đảng” lên trước cụm từ “Tổ quốc, nhân dân” mà… đặt vào giữa cụm từ này. Phương án cuối cùng: “Lực lương vũ trang nhân dân tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng, Nhà nước và nhân dân, có nhiệm vụ bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội; bảo vệ nhân dân, Đảng, Nhà nước và chế độ XHCN, cùng toàn dân xây dựng đất nước và thực hiện nghĩa vụ quốc tế. |
P.Thảo