Quảng Bình đối mặt hiểm họa lũ kép
(Dân trí) - “Mưa như ai đứng trên trời trút nước xuống, các xã Tân Hóa, Minh Hóa lại bị chia cắt rồi. Thêm trận lụt nữa, người già trẻ em chắc không chịu đựng nổi. Chết mất thôi”, ông Đinh Hồng Hộ - PCT UBND huyện Minh Hóa nói gấp qua điện thoại.
Từ đêm 14/10 đến hết ngày 15/10, do ảnh hưởng của không khí lạnh và dải hội tụ nhiệt đới có trục qua Nam Trung Bộ, Quảng Bình có mưa vừa, mưa to đến rất to kèm dông khiến mực nước các sông Gianh và Kiên Giang tăng chóng mặt.
Đến 16 giờ ngày 15/10, nước sông Gianh đã lên ngấp nghé báo động II, nước sông Kiến Giang vượt báo động II 0,7m. Theo dự báo, trong đêm 15, sáng 16/10, Quảng Bình sẽ có mưa to đến rất to. Lũ trên các sông tiếp tục lên nhanh, dự kiến đến sáng 16/10 nước trên sông Gianh và Kiến Giang sẽ đạt, vượt báo động III.
Chưa vượt qua cơn đói khát sau lũ, Quảng Bình đã đối mặt với trận lũ tiếp theo.
Ông Nguyễn Ngọc Giai - Chánh văn phòng BCH PCLB cho biết: “Trước tình hình lũ lụt có nguy cơ trở lại, trong các ngày 14 và 15/10 Văn phòng BCH PCLB và UBND tỉnh Quảng Bình đã có công điện gửi các ngành, các địa phương bố trí nhân lực, vật lực sẵn sàng ứng phó với lũ”.
Theo ông Giai, trời mưa to trở lại khiến công tác khắc phục thiệt hại trận lũ trước bị cản trở, khó khăn sẽ thêm chồng chất nếu lũ quay lại.
Chiều 15/10, Bộ Chỉ huy Biên phòng Quảng Bình đã điều động canô lên vùng xung yếu Tân Hóa, Minh Hóa để sẵn sàng cứu dân lúc cần.
Người dân Tân Hóa sẽ chống chịu thế nào khi một cơn lũ nữa đang gõ cửa?
Trao đổi với Dân trí qua điện thoại, ông Đinh Hồng Hộ - Phó Chủ tịch huyện Minh Hóa không giữ được sự điềm tĩnh vốn có: “Mưa như ai đứng trên trời trút nước xuống, mới sau một ngày mà đường về các xã Tân Hóa, Minh Hóa (tâm lũ trong đợt lũ trước - PV) đã ngập và chia cắt rồi. Đường Hồ Chí Minh đoạn qua thôn Phú Nhiêu (xã Thượng Hóa) cũng bị ngập. Nước vừa rút trên mặt, đang ứ trong lòng đất nên mưa đến đâu là nước lên đến đó. Thêm một trận nữa, người dân đặc biệt là người già và trẻ em không chịu đựng nổi”.
Ông Đặng Thái Tôn - Phó Chủ tịch huyện Lệ Thủy thông báo: “Nước sông Kiến Giang đã lên quá báo động hai, mưa thế này chắc trong đêm nay và sáng mai là nhiều xã lại ngập rồi. Chiều nay các trường học đã cho học sinh nghỉ học khẩn để về nhà, chuẩn bị tránh lũ. Trong đêm nay, BCH PCLB huyện sẽ trực để cập nhật tình hình và có động thái kịp thời”.
Tại huyện Quảng Trạch, nước sông Gianh lên cao đang ngấp nghé tấn công trở lại 9 xã vùng nam vốn đã tan hoang trong đợt lũ trước. Ông Đậu Minh Ngọc - Chủ tịch huyện Quảng Trạch cho biết: huyện, các xã đã chuẩn bị sẵn phương án di dời 1.800 hộ dân với 4.000 nhân khẩu.
Tại huyện Bố Trạch, nước sông Son đã dâng ngang mép sông, ông Phan Văn Gòn - Chủ tịch huyện Bố Trạch cho biết: “Nếu đêm nay mưa tiếp tục, đến sáng mai chắc chắn sẽ bị chia cắt nhiều xã. Chúng tôi đã báo động toàn huyện, sẵn sàng trực chiến 24/24 để nắm tình hình và có phương án di dân khi cần thiết”.
Tại huyện Tuyên Hóa, BCH PCLB huyện này đang lên phương án, tập trung canô và kêu gọi các lực lượng cứu hộ chuẩn bị sẵn sàng di dân ở các xã nằm trên thượng nguồn sông Gianh.
Theo thông tin từ nhiều người dân ở các địa phương, nhiều xã thuộc huyện Minh Hóa, Lệ Thủy, Quảng Trạch đã ngập nước trở lại.
Sau cơn lũ vừa qua, Quảng Bình là tỉnh chịu thiệt hại nặng nề nhất với 45 người chết, 16 người mất tích chưa rõ sống chết. Tổng thiệt hại kinh tế lên tới hơn 1.800 tỷ đồng, xấp xỉ tổng thu ngân sách trong 2 năm của toàn tỉnh. Khi hàng trăm nghìn người dân đang chưa hết điêu đứng vì trận lũ lịch sử, nguy cơ lũ kép lại hiển hiện trước mắt.
Hồng Kỹ