1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Phó Thủ tướng: Sạt lở đất là "kẻ thù" rất khó nhận diện

Nguyễn Dương

(Dân trí) - Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, không giống như bão hay các loại hình thiên tai khác, sạt lở đất là "kẻ thù" vô hình, khó nhận diện. Nhiều nước trên thế giới vẫn xảy ra sạt lở đất gây thiệt hại.

Sáng nay (2/11), Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai tổ chức cuộc họp ứng phó với bão số 10 (bão Goni), do Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng và Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường chủ trì.

Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhắc đến câu chuyện sạt lở đất vừa qua tại các tỉnh miền Trung gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản. 

Phó Thủ tướng đề nghị đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) báo cáo về công tác nghiên cứu, lập bản đồ cảnh báo sạt lở đất tại các tỉnh, thành phố trên cả nước.

Sạt lở đất diễn biến phức tạp

Báo cáo tại cuộc họp, ông Lê Công Thành, Thứ trưởng Bộ TN-MT cho biết: Trong đợt thiên tai vừa qua ở miền Trung, sạt lở đất diễn biến hết sức phức tạp.

Ông Thành cho biết, các quốc gia có địa hình, cấu trúc địa chất tương tự như Việt Nam là Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan hàng năm cũng thường xảy ra sạt lở đất và gây thiệt hại.

Phó Thủ tướng: Sạt lở đất là kẻ thù rất khó nhận diện - 1

Ông Lê Công Thành thông tin tại cuộc họp.

Thứ trưởng Bộ TN-MT cho biết, muốn cảnh báo được sạt lở đất đòi hỏi phải làm công phu, bài bản, vì "những gì chúng ta nhìn thấy thường dễ ứng phó, còn dưới đất thì không nhìn thấy được".

Từ sự khó khăn về nhận diện sạt lở đất, theo ông Thành, cơ quan chức năng phải dựa vào nghiên cứu đánh giá địa hình, địa chất của từng khu vực, từ đó mới cho ra bản đồ nguy cơ sạt lở. 

"Từ bản đồ này sẽ biết được xã này, huyện kia có những điểm đứt gãy, có những cấu trúc địa chất mà khi có các yếu tố kích hoạt có thể xảy ra sạt lở đất. Tuy nhiên, khi mưa lũ xảy ra thì nó sạt lở ở chỗ nào là điều rất khó nói trước được. Kinh nghiệm ở quốc gia có công nghệ cao về phòng chống thiên tai như Nhật Bản, năm 2017 cũng xảy ra trận sạt lở đất rất lớn, nằm ngoài mọi tính toán từ trước và gây ra thiệt hại lớn", ông Thành nói.

Về công việc tiếp theo, ông Thành cho biết, cơ quan chuyên môn của Bộ TN-MT sẽ tiếp tục làm bản đồ nguy cơ sạt lở dựa trên địa hình, cấu trúc địa chất một cách chi tiết cụ thể hơn. 

Viện Khoa học địa chất và Khoáng sản Việt Nam đã làm bản đồ cảnh báo nguy cơ sạt lở đất đá cho các tỉnh miền núi phía Bắc, Bắc Trung Bộ và vào đến Quảng Nam, Quảng Ngãi. Hiện đơn vị này đã làm đến cấp huyện, cấp xã với tỷ lệ 1/50.000. Bản đồ này cảnh báo nguy cơ trên diện rộng dựa trên địa hình, địa chất.

"Còn tùy thuộc vào điều kiện cụ thể tại hiện trường như các công trình, đường giao thông, các yếu tố dân sinh khác nữa, cộng với lượng mưa rơi xuống mới có thể ra được các điểm sạt lở", ông Thành cho biết.

Thứ trưởng Lê Công Thành cho biết thêm, trên thế giới, nhiều quốc gia đã lắp đặt các trạm quan trắc để đưa ra cảnh báo sạt lở đất đá sớm. Tuy nhiên, công nghệ này không cần thiết phải lắp đặt ở khắp vùng núi mà chỉ nên triển khai ở khu vực đông dân cư, nơi có có các công trình, hạ tầng quan trọng.

“Dựa trên thông tin về bản đồ nguy cơ sạt lở và thông tin về lượng mưa thì có thể đưa ra cảnh báo và có gửi đến Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các địa phương”, ông Thành nói thêm.

Tuy nhiên, theo ông Thành, áp dụng biện pháp cảnh báo trên tại một số quốc gia trên thế giới cũng chỉ mang lại hiệu quả nhất định, còn thực tế vẫn xảy ra sạt lở đất và gây thiệt hại.

Sau khi nghe Thứ trưởng Lê Công Thành báo cáo, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, sạt lở đất là "kẻ thù" giấu mặt, rất khó nhận diện, công việc cảnh báo sớm là rất khó khăn. 

Thời gian tới, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ TN-MT cần tập trung hoàn thiện bản đồ cảnh báo nguy cơ sạt lở đất đá một cách chi tiết hơn. 

Phó Thủ tướng: Sạt lở đất là kẻ thù rất khó nhận diện - 2

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng.

"Sạt lở đất xuất phát từ rất nhiều nguyên nhân. Do đó, các nhà khoa học, các cơ quan chuyên môn cần thông tin một cách khoa học, kịp thời để người dân nắm được, tránh hiểu sai và hiểu không đầy đủ về nguyên nhân gây sạt lở đất", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Nhật Bản cũng thường xuyên xảy ra sạt lở đất

Trao đổi thêm với báo chí về câu chuyện sạt lở đất, ông Yasuhiro Tanka, Cố vấn Quản lý rủi ro thiên tai của Nhật Bản cho biết: Tại Nhật Bản có địa hình dốc nên sạt lở đất thường lặp đi lặp lại nhiều lần. 

Cũng như Việt Nam, ở Nhật Bản cũng khó để nhận biết trước được khi nào và ở đâu sẽ xảy ra sạt lở đất. Có nhiều yếu tố để gây ra sạt lở đất, nó không chỉ phụ thuộc vào lượng mưa mà còn phụ thuộc vào sự phân bổ mưa thời điểm đó và tính chất thổ nhưỡng của từng vùng. 

Yasuhiro Tanka

Ông Yasuhiro Tanka, Cố vấn Quản lý rủi ro thiên tai của Nhật Bản.

"Tại Nhật Bản chúng tôi có 3 ý tưởng để đối phó với sạt lở đất như sau: Đầu tiên chúng tôi quan tâm đến vấn đề sử dụng đất, tùy từng vùng đất chúng tôi xem lượng mưa như nào. Sau đó chúng tôi chia thành vùng xanh-đỏ, vùng đỏ là vùng có nguy cơ sạt lở đất cao.

Với những vùng an toàn có thể cho người dân sống tại đó. Tuy nhiên chúng tôi cũng sẽ có thông báo trong trường hợp người dân sống gần vùng nguy cơ cao sẽ phải có kế hoạch di tản khi có nguy cơ xảy ra lũ lụt", ông Yasuhiro Tanka nói.

Vị Cố vấn Quản lý rủi ro thiên tai của Nhật Bản cho biết thêm, mỗi hộ gia đình ở Nhật Bản đều phải biết rõ họ nằm ở vùng nguy cơ nào, như "đỏ" là nguy hiểm, "vàng" là cận nguy hiểm, "xanh" là an toàn.

Ngoài ra, tại Nhật Bản cũng có hệ thống cảnh báo sớm, từ đó đưa ra cảnh báo về sạt lở đất cho người dân ở bán kính nhất định. Những người dân ở phạm vi này sẽ được thông báo đi sơ tán nếu có nguy cơ xảy ra sạt lở đất.

Tiếp đến, ở Nhật Bản đã triển khai xây dựng các công trình ngăn sạt lở đất đá, như đập Sabo Dam - đập ngăn lũ bùn đá;...

Cũng liên quan đến vấn đề sạt lở đất, ông Trần Quang Hoài, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai cho biết: Sạt lở đất là "bài toán rất khó" không riêng ở Việt Nam, mà thế giới cũng đang phải đau đầu tìm cách ứng phó.

Ông Hoài dẫn chứng, ngày 18/10 vừa qua xảy ra sạt lở ở trụ sở Đoàn kinh tế-Quốc phòng 337 (huyện Hướng Hóa, Quảng Trị) làm 22 cán bộ, chiến sĩ hy sinh, vị trí sạt cách quả núi khoảng 1,6km. Rõ ràng đây việc khó, nhiều khi là "bất khả kháng".

Phó Thủ tướng: Sạt lở đất là kẻ thù rất khó nhận diện - 4

Ông Trần Quang Hoài.

Theo ông Hoài, hiện nay tính chuyên nghiệp và trang thiết bị phục vụ phòng chống thiên tai "đang rất cần với chúng ta". Việt Nam đang cần có các cơ quan nghiên cứu chuyên sâu về phòng chống thiên tai.

"Sáng nay tôi xem bản tin, người ta đưa người dân Philippines đến nơi tránh trú bão Goni, thì mỗi hộ dân có ô riêng. Chúng ta còn khoảng trống rất lớn trong nghiên cứu để đưa ra việc phòng ngừa, ứng phó và khắc phục", ông Hoài nói.