1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Phó Thủ tướng chỉ đạo giải quyết vụ 13 năm đòi bồi thường ở dự án đường sắt

Thế Kha

(Dân trí) - Phó Thủ tướng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn UBND TP Hà Nội hỗ trợ chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm cho các hộ dân bị thu hồi đất để thực hiện dự án Depot dự án Nhổn-ga Hà Nội.

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND TP Hà Nội truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng liên quan đến chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm khi Nhà nước thu hồi trên 30% diện tích đất nông nghiệp để thực hiện Dự án xây dựng Depot (Đề-pô) Dự án tuyến đường sắt đô thị thí điểm thành phố Hà Nội, đoạn Nhổn - ga Hà Nội.

Theo đó, Phó Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn UBND TP Hà Nội thực hiện việc hỗ trợ trên theo đúng quy định.

Trường hợp còn vướng mắc, Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với UBND TP Hà Nội đề xuất phương án để Chính phủ xem xét, quyết định.

Phó Thủ tướng chỉ đạo giải quyết vụ 13 năm đòi bồi thường ở dự án đường sắt - 1

Dự án xây dựng Depot tuyến đường sắt đô thị Nhổn- ga Hà Nội (Ảnh: Khắc Kiên).

Như Dân trí đã phản ánh, trong văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước đó, UBND TP Hà Nội cho biết đã nhận được khiếu nại của 135 hộ dân liên quan đến việc bị thu hồi đất.

Dự án đường sắt đô thị Hà Nội đoạn Nhổn- ga Hà Nội (tuyến số 3) do Ban quản lý dự án đường sắt đô thị Hà Nội làm chủ đầu tư; tổng mức đầu tư 783 triệu USD. Nguồn vốn đầu tư: Vốn vay ODA, ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương.

Công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư của dự án thực hiện theo Khung chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đã thống nhất giữa thành phố Hà Nội và ADB. Quá trình thực hiện có xem xét vận dụng một số chính sách đặc thù của Hà Nội theo hướng có lợi cho người bị thu hồi đất.

UBND TP Hà Nội đã đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho phép áp dụng khoản hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp và tạo việc làm bằng tiền như khung chính sách của dự án đã được xây dựng theo Nghị định số 197/2004. Số tiền dự kiến phê duyệt bổ sung cho 135 hộ trong trường hợp được Thủ tướng chấp thuận là 75 tỷ đồng.

Được biết, 135 hộ dân quận Bắc Từ Liêm đã khiếu kiện vụ việc này suốt 13 năm qua.

Phó Thủ tướng chỉ đạo giải quyết vụ 13 năm đòi bồi thường ở dự án đường sắt - 2
Tuyến đường sắt đô thị Nhổn- ga Hà Nội.

Liên quan đến dự án này, từ đơn thư tố cáo của ông Lương Xuân Bình - nguyên Phó Trưởng Ban quản lý đường sắt đô thị Hà Nội, Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra hàng loạt sai phạm, nguy cơ gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước.

Thanh tra Chính phủ đã có văn bản đề nghị Chủ tịch UBND TP Hà Nội yêu cầu Trưởng Ban quản lý đường sắt đô thị Hà Nội tổ chức công khai xin lỗi đối với ông Lương Xuân Bình về hành vi mang tính trù dập ông Bình.

Đồng thời đề nghị Chủ tịch UBND TP Hà Nội báo cáo, đề xuất Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đánh giá lại việc không bổ nhiệm lại ông Bình làm Phó Trưởng Ban Quản lý dự án đường sắt đô thị Hà Nội chỉ vì chưa đủ phiếu tín nhiệm, do tại thời điểm đó pháp luật của Nhà nước quy định kết quả lấy phiếu chỉ là để tham khảo. Xem xét lại quá trình công tác để bố trí lại vị trí công tác cho ông Lương Xuân Bình có tính kế thừa và phù hợp.

Ban Quản lý dự án đường sắt đô thị Hà Nội chấm dứt, không được phép có bất cứ hành vi trù dập, kỳ thị, phân biệt, đối xử bất công đối với ông Lương Xuân Bình.

Tuy vậy, sau nhiều tháng yêu cầu, UBND TP Hà Nội vẫn chưa có văn bản báo cáo kết quả giải quyết những kiến nghị này. Vì thế, Thanh tra Chính phủ đã có văn bản đề nghị UBND TP Hà Nội đôn đốc các cơ quan, đơn vị có liên quan tổng hợp kết quả thực hiện gửi về Thanh tra Chính phủ để làm cơ sở tổng hợp, báo cáo Thủ tướng.

Mới đây, Ban quản lý đường sắt đô thị Hà Nội đã có các quyết định điều chuyển ông Lương Xuân Bình làm viên chức văn phòng. Tuy nhiên, ông Bình đã từ chối không nhận quyết định vì cho rằng trái pháp luật và trái với kiến nghị của Thanh tra Chính phủ trước đó liên quan đến việc bảo vệ người tố cáo.