Đường sắt Nhổn - ga Hà Nội: Lúng túng bồi thường, hỗ trợ 135 hộ gia đình

Thế Kha

(Dân trí) - Việc Hà Nội đề xuất cho phép phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ bằng 5 lần giá đất nông nghiệp cho 135 hộ gia đình bị thu hồi trên 30% diện tích đất nông nghiệp là không phù hợp quy định.

Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ Tài nguyên và Môi trường) mới đây đã có văn bản gửi UBND TP Hà Nội để trao đổi, hướng dẫn giải quyết chính sách bồi thường, hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề cho các hộ gia đình tại dự án xây dựng depot Dự án đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội.

Báo cáo của UBND TP Hà Nội cho thấy đến nay có 135 hộ gia đình bị thu hồi trên 30% diện tích đất nông nghiệp trong khoảng thời gian từ 2006-2007 để thực hiện dự án thành phần hạ tầng kỹ thuật khu depot liên tục có đơn đòi hưởng chính sách hỗ trợ đào tạo và chuyển đổi nghề nghiệp theo quy định của Nghị định 197/2006 và Nghị định 84/2007 của Chính phủ.

Hà Nội đã đề xuất áp dụng khoản hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp và tạo việc làm bằng 5 lần giá đất nông nghiệp, phù hợp với quy định tại Điều 22 Nghị định 69/2009 như đã áp dụng với 61 hộ gia đình đã được phê duyệt năm 2014 để giải quyết dứt điểm các khiếu nại này.

Đường sắt Nhổn - ga Hà Nội: Lúng túng bồi thường, hỗ trợ 135 hộ gia đình - 1

Đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội.

Tuy nhiên, Tổng cục Quản lý đất đai cho rằng, chính sách pháp luật tại thời điểm áp dụng phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho 135 hộ gia đình bị thu hồi trên 30% diện tích đất nông nghiệp chưa có quy định về hỗ trợ đào tạo và chuyển đổi nghề nghiệp bằng 5 lần gia đất nông nghiệp (đến Nghị định 69/2009 mới có quy định này).

Do đó việc UBND TP Hà Nội đề xuất cho phép phê duyệt phương án bổ sung phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để hỗ trợ tạo và chuyển đổi nghề nghiệp bằng 5 lần giá đất nông nghiệp cho 135 hộ gia đình là không phù hợp quy định.

Việc Hà Nội chậm ban hành chính sách để thực hiện việc giao đất dịch vụ, đất ở cho 135 hộ gia đình nêu trên dẫn đến sự không công bằng cho các hộ gia đình có đất thu hồi và chưa thực hiện đúng quy định của Chính phủ.

Tổng cục Quản lý đất đai khẳng định, đây là dự án sử dụng vốn ODA; khung chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của dự án được phê duyệt tại thời điểm thực hiện Luật Đất đai 2003.

Trong đó, khung chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư (đã được UBND TP Hà Nội chấp thuận và ngân hàng ADB có thư không phản đối) có quy định về chính sách hỗ trợ nghề nghiệp và tạo việc làm cho người có đất nông nghiệp thu hồi bằng 5 lần gia đất nông nghiệp. Đây là nội dung khác biệt so với chính sách của Việt Nam tại thời điểm phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư nhưng lại chưa được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận.

Chính vì thế, Hà Nội cần chỉ đạo rà soát, giải quyết khoản hỗ trợ đào tạo và chuyển đổi nghề nghiệp cho 135 hộ gia đình theo quy định. Do quỹ đất ở, đất dịch vụ của địa phương không có, đến nay vẫn không được xác định trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch đô thị, vì vậy Tổng cục Quản lý đất đai thống nhất với phương án giải quyết hỗ trợ này bằng tiền.

"Trường hợp UBND TP Hà Nội đề xuất tiếp tục được áp dụng khoản hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp và tạo việc làm như Khung chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của dự án đã được xây dựng theo quy định tại Nghị định số 197/2004 thì cần báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận làm cơ sở thực hiện"- Tổng cục Quản lý đất đai nêu rõ.

Vừa công khai hàng loạt sai phạm

Như Dân trí đã phản ánh, Thanh tra Chính phủ vừa công khai kết luận thanh tra chỉ ra hàng loạt sai phạm tại dự án đường sắt đô thị Nhổn- ga Hà Nội. Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đã có ý kiến đồng ý với các kiến nghị của Thanh tra Chính phủ về việc rà soát nguyên nhân điều chỉnh hợp đồng tư vấn (hợp đồng trọn gói) tăng trên 6 triệu Euro.

Tổng Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị Thủ tướng giao Chủ tịch UBND TP Hà Nội chỉ đạo Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội là chủ đầu tư dự án, có trách nhiệm xác định rõ từng khoản chi phí cụ thể để phân loại theo 2 nhóm.

Nhóm thứ nhất là các nguyên nhân được phép điều chỉnh hợp đồng theo quy định, chủ đầu tư phải xác định các công việc, chi phí có biến động do từng nguyên nhân gây ra, báo cáo người có thẩm quyền xem xét, phê duyệt việc điều chỉnh, bổ sung các công việc và chi phí này.

Nhóm thứ hai là các nguyên nhân không thuộc đối tượng được điều chỉnh hợp đồng, trường hợp chủ đầu tư đã thực hiện điều chỉnh với nhà thầu thì phải có biện pháp đàm phán, thống nhất với nhà thầu để giảm trừ, thu hồi các chi phí phát sinh do các nguyên nhân này.

Đồng thời rà soát lại trách nhiệm của Tư vấn Systra trong việc thực hiện nhiệm vụ theo hợp đồng trọn gói trước khi điều chỉnh, để xác định chi phí vật chất thuộc trách nhiệm phần lỗi của Tư vấn Systra và thực hiện giảm trừ khi quyết toán.

Kiểm tra, rà soát và chủ động xử lý, khắc phục những tồn tại, vướng mắc tại các gói thầu đã nêu trong kết luận thanh tra và các gói thầu khác của dự án nếu có; đồng thời xử lý trách nhiệm đối với các tập thể, cá nhân có liên quan đã để xảy ra các vi phạm.