1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Đường sắt Nhổn-ga Hà Nội: Báo cáo Thủ tướng về khiếu nại của 135 hộ dân

Thế Kha

(Dân trí) - Hà Nội kiến nghị Thủ tướng cho phép áp dụng khoản hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp và tạo việc làm cho 135 hộ dân bị thu hồi đất ở Dự án đề-pô tuyến đường sắt Nhổn- ga Hà Nội số tiền 75 tỷ đồng.

UBND TP Hà Nội vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ báo cáo về chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm khi Nhà nước thu hồi 30% diện tích đất nông nghiệp để thự hiện Dự án xây dựng depot (đề-pô) thuộc Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, đoạn Nhổn- ga Hà Nội.

Theo đó, UBND TP Hà Nội nhận được khiếu nại của 135 hộ dân liên quan đến việc này. Dự án đường sắt đô thị Hà Nội đoạn Nhổn- ga Hà Nội (tuyến số 3) trên địa bàn các quận Cầu Giấy, Ba Đình, Đống Đa, Hoàn Kiếm và huyện Từ Liêm (nay là quận Bắc Từ Liêm và quận Nam Từ Liêm) do Ban quản lý dự án đường sắt đô thị Hà Nội làm chủ đầu tư; tổng mức đầu tư 783 triệu USD. Nguồn vốn đầu tư: Vốn vay ODA, ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương.

Đường sắt Nhổn-ga Hà Nội: Báo cáo Thủ tướng về khiếu nại của 135 hộ dân - 1

Dự án đường sắt đô thị Nhổn- ga Hà Nội (Ảnh: Toàn Vũ).

Năm 2006, UBND TP Hà Nội có quyết định thu hồi và giao trên 161.892 m2 đất tại huyện Từ Liêm giao Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Từ Liêm để giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch phục vụ thực hiện dự án tuyến số 3.

Công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư của dự án thực hiện theo Khung chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đã thống nhất giữa thành phố Hà Nội và ADB. Quá trình thực hiện có xem xét vận dụng một số chính sách đặc thù của Hà Nội theo hướng có lợi cho người bị thu hồi đất.

UBND TP Hà Nội cho biết, tại khu vực thực hiện dự án có 290 hộ dân bị thu hồi đất, trong đó có 135 trường hợp có tỷ lệ đất nông nghiệp bị thu hồi trên 30%.

Cuối năm 2020, Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã có ý kiến đề nghị UBND TP Hà Nội chỉ đạo rà soát, giải quyết khoản hỗ trợ đào tạo và chuyển đổi nghề nghiệp cho 135 hộ gia đình theo đúng chính sách, pháp luật tại thời điểm người có đất bị thu hồi.

Cơ quan này thống nhất với phương án giải quyết khoản hỗ trợ này bằng tiền; đồng thời đề nghị UBND TP Hà Nội chỉ đạo tổ chức thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.

Trường hợp Hà Nội đề xuất tiếp tục áp dụng khoản hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp và việc làm như Khung chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của dự án đã được xây dựng theo Nghị định 197/2004 thì cần báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận làm cơ sở thực hiện.

Vì vậy, UBND TP Hà Nội đã báo cáo, đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho phép áp dụng khoản hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp và tạo việc làm bằng tiền như khung chính sách của dự án đã được xây dựng theo Nghị định số 197/2004. Số tiền dự kiến phê duyệt bổ sung cho 135 hộ trong trường hợp được Thủ tướng chấp thuận là 75 tỷ đồng.

Như Dân trí đã thông tin trước đó, Thanh tra Chính phủ đã có văn bản đề nghị Chủ tịch UBND TP Hà Nội báo cáo, đề xuất Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đánh giá lại việc không bổ nhiệm lại ông Lương Xuân Bình làm Phó Trưởng Ban Quản lý dự án đường sắt đô thị Hà Nội chỉ vì chưa đủ phiếu tín nhiệm, do tại thời điểm đó pháp luật của Nhà nước quy định kết quả lấy phiếu chỉ là để tham khảo. Đồng thời xem xét lại quá trình công tác để bố trí lại vị trí công tác cho ông Lương Xuân Bình có tính kế thừa và phù hợp.

Đặc biệt, Thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Thanh đề nghị Chủ tịch Hà Nội yêu cầu Trưởng Ban quản lý đường sắt đô thị Hà Nội tổ chức công khai xin lỗi đối với ông Lương Xuân Bình về hành vi mang tính trù dập ông Bình.