Phố cổ Hội An chằng chống di tích, Quảng Ngãi yêu cầu dân ở nhà tránh bão
(Dân trí) - Người dân và chính quyền Hội An đang tranh thủ từng phút, từng giây để chằng chống lại các di tích, nhà cửa trước khi bão số 5 đổ bộ. Quảng Ngãi khuyến cáo người dân không ra khỏi nhà từ 12h hôm nay.
Phố cổ lo bảo vệ di tích
Sáng 11/9, tại TP Hội An (Quảng Nam) có mưa rất to, nhiều đoạn đường ngập sâu trong nước, có đoạn gần 0,5 m gây khó khăn cho người đi đường.
Di tích Chùa Cầu và các nhà cổ có nguy cơ cao, đang xuống cấp được bảo vệ, gia cố cẩn thận. Các xe lưu động liên tục phát đi thông tin về diễn biến của cơn bão, yêu cầu người dân khẩn trương gia cố nhà cửa, đảm bảo an toàn trong và sau khi bão vào đất liền.
Theo UBND TP Hội An, đã có 335 phương tiện đánh bắt hải sản xa bờ với 1.057 lao động của thành phố đã vào bờ an toàn.
Trước đó, từ chiều 10/9, Đồn Biên phòng Cửa Đại đã nghiêm cấm các phương tiện ra biển. Kiên quyết không để người dân ở lại trên tàu thuyền, lồng bè khi bão đổ bộ. Trường hợp không chấp hành thì áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành.
Từ chiều nay 11/9, học sinh trên toàn thành phố nghỉ học đến khi có thông báo mới.
Ông Nguyễn Văn Sơn - Chủ tịch TP Hội An đề nghị các ban ngành, địa phương chủ động nắm tình hình bão để kịp thời thông tin cho người dân, đồng thời rà soát kế hoạch, sẵn sàng phương tiện ứng phó bão. Trong điều kiện chống dịch bệnh Covid-19, việc triển khai phương án di dời, sơ tán dân phải đảm bảo tuyệt đối an toàn phòng dịch, nhất là các quy định 5K.
Tại vùng ven biển TP Hội An, sáng nay (11/9) có gió rất mạnh, biển động dữ dội. Các nhà hàng, nhà dân ven biển có nguy cơ cao cũng đang khẩn trương chằng chống, gia cố chắc chắn hơn.
Đối với dân tại các địa phương ven biển như Cẩm An, Cửa Đại..., chính quyền cũng lên phương án di dời các hộ thuộc diện nhà ở không kiên cố, nguy hiểm khi bão đổ bộ, nhất là người già, trẻ em.
Trước diễn biến phức tạp của bão số 5, nhiều tàu thuyền của ngư dân Quảng Nam khẩn trương chạy vào bờ trú ẩn.
Tại huyện Núi Thành, Quảng Nam, trong sáng nay 11/9, nhiều tàu thuyền của ngư dân các xã vùng biển Tam Quang, Tam Hải, Tam Giang… ở huyện đang neo đậu trú bão tại cảng Kỳ Hà. Có tàu vừa vào và đang khẩn trương bán cá cho thương lái rồi neo đậu tàu trú bão.
Ngư dân Võ Duy Dũng cho biết, khi nghe thông tin dự báo thời tiết về diễn biến của cơn bão số 5, sáng nay, ông dậy sớm cùng các ngư dân địa phương ra bến cảng kiểm tra tàu thuyền để đảm bảo an toàn khi bão đổ bộ vào đất liền.
Đại tá Hoàng Văn Mẫn - Chính ủy Bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Nam - cho biết, tổng số tàu cá tỉnh Quảng Nam là 3.042 tàu/13.585 lao động; tổng số tàu đang hoạt động trên biển là 139 tàu/ 2.706 lao động, các tàu đã nhận được thông báo về diễn biến và hướng đi của bão; tàu cá hoạt động gần bờ 42 tàu/274 lao động; tàu cá hoạt động xa bờ ở khu vực Hoàng Sa 33 tàu/281 lao động; khu vực Trường Sa 64 tàu/2.151 lao động; tại Cù Lào Chàm có 5 tàu vận tải neo đậu với 69 thuyền viên.
Trong khi đó, tại huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam, người dân địa phương đang khẩn trương thu hoạch vụ lúa hè thu trước khi bão đổ bộ vào đất liền để hạn chế thiệt hại.
Vụ hè thu năm nay, toàn tỉnh Quảng Nam gieo sạ hơn 36 nghìn ha, tập trung ở những vùng trọng điểm như huyện Duy Xuyên, Thăng Bình, Núi Thành... Đến nay, chỉ còn hơn 4.500 ha đang thu hoạch.
Tỉnh Quảng Nam cũng đã yêu cầu các địa phương khẩn trương giúp nhân dân nhanh chóng hoàn thành thu hoạch số diện tích lúa còn lại để tránh thiệt hại do mưa bão.
Quảng Ngãi: Từ 12h trưa nay, người dân không ra khỏi nhà
UBND tỉnh Quảng Ngãi vừa có công điện khẩn về việc phòng, chống bão số 5 trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi. Theo đó, huyện đảo Lý Sơn, Bình Sơn và TP Quảng Ngãi được dự báo là những địa phương có nguy cơ chịu ảnh hưởng nặng nhất của bão số 5.
Để đảm bảo an toàn cho người dân, UBND tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu các địa phương trong tỉnh triển khai các biện pháp hạn chế người, phương tiện hoạt động trên đường trong thời gian bão đổ bộ.
Tại huyện đảo Lý Sơn và Bình Sơn, chính quyền địa phương thông báo, yêu cầu người dân không được ra khỏi nhà kể từ 12h trưa nay (11/9) đến khi gió giảm xuống dưới cấp 6.
UBND tỉnh cũng yêu cầu các địa phương tổ chức di dời, sơ tán dân đến nơi an toàn theo các phương án đã được xây dựng và phê duyệt.
Nếu phải thực hiện di dời dân cần thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch Covid 19, kiểm tra điều kiện an toàn tại các nơi sơ tán tập trung; rà soát công tác dự trữ lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm thiết yếu tại cơ sở, nhất là nơi có nguy cơ cao bị chia cắt, cô lập.
Theo Đài khí tượng và thủy văn Quảng Ngãi, do ảnh hưởng của bão số 5, tại đảo Lý Sơn đã có gió mạnh cấp 6, giật cấp 9; tại Dung Quất có gió cấp 6, giật cấp 7.
Ảnh hưởng trực tiếp của hoàn lưu cơn bão số 5 nên từ ngày 11 - 13/9, dự báo tại địa bàn tỉnh Quảng Ngãi xảy ra mưa lớn trên diện rộng, với lượng mưa phổ biến 200 - 400 mm/đợt, có nơi trên 450 mm/đợt.
Từ ngày 11 - 14/9, trên các sông trong tỉnh có khả năng xuất hiện một đợt lũ. Trong đợt lũ này, đỉnh lũ trên các sông có khả năng lên mức báo động 1 và 2, có sông trên mức báo động 2.