Phố ẩm thực ở TPHCM: Mở thêm phố mới hay làm mới phố cũ?
(Dân trí) - Để tránh đi vào "vết xe" của các phố ẩm thực đang hoạt động ở TPHCM, khi mở một địa điểm mới, các chuyên gia cho rằng thành phố cần đánh giá lại nhiều vấn đề.
Tối, thành phố lên đèn. Trong khi dòng xe hối hả tan tầm thì một số con đường ở TPHCM đã dậy mùi thơm của các món ăn, len lỏi trong các khu dân cư chật kín nhà cửa.
TPHCM hiện có 7 tuyến phố ẩm thực chính thức hoạt động gồm: phố ẩm thực đường Hồ Thị Kỷ (quận 10), Nguyễn Thượng Hiền (quận 3), Vĩnh Khánh (quận 4), Hậu Giang (quận 6); các tuyến phố đi bộ phục vụ ẩm thực như đường Nguyễn Huệ, Bùi Viện (quận 1), Kỳ đài Quang Trung (quận 10).
Đến năm 2025, TPHCM có dự định mở ra 22 tuyến phố đi bộ về đêm, phố ẩm thực tại trung tâm nội đô, rải rác tại mỗi quận, huyện. Trước hiện trạng các phố ẩm thực hiện hữu nơi lác đác, chỗ chen chân, các chuyên gia nhận định: Còn nhiều việc phải làm, nhiều điều phải tính toán trước khi mở thêm để tránh đi theo "vết xe" của các phố đã tồn tại.
Phải tạo sự khác biệt
Tháng 12, TPHCM dự kiến khai trương phố ẩm thực Phan Xích Long (quận Phú Nhuận), từ ngã tư đường Phan Đăng Lưu - Phan Xích Long đến đường Vạn Kiếp dài 1,5km, nằm trên các phường 1, 2, 7 của quận.
Theo Sở Công Thương TPHCM, đề án phố ẩm thực Phan Xích Long sẽ giúp khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của quận Phú Nhuận, tạo không gian giải trí, tham quan, vui chơi, mua sắm cho người dân, tăng kết nối giữa quận với các địa phương khác...
Đường Phan Xích Long dài gần 700m, với rộng 35m với 4 làn xe, riêng phần dải phân cách rộng 8m. Hai bên đường phần lớn là các cơ sở kinh doanh san sát nhau (nhà hàng ẩm thực, quán cà phê, karaoke, khách sạn... từ bình dân đến cao cấp).
Khu vực được dự định khai thác phố ẩm thực nằm trong khu dân cư đông nhà cửa, thông nhau bởi nhiều nhánh đường xung quanh như Trường Sa uốn quanh kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, các đường mang tên "hoa" (Hoa Lan, Hoa Phượng...) đều có lộ giới nhỏ, trong đó, đường Phan Xích Long lớn nhất trong khu.
"Phố Phan Xích Long hiện hữu đã có nhiều cửa hàng ăn uống, kể cả các xe hàng rong. Nếu chặn đường làm phố ẩm thực, xe của người dân và du khách sẽ đổ dồn về đây, dẫn đến các trục đường xung quanh dễ bị mắc kẹt", bà Dương Thị Thu Thủy, chuyên viên hoạt động trong lĩnh vực du lịch - ẩm thực thuộc Hiệp hội Du lịch TPHCM, chia sẻ quan điểm với phóng viên Dân trí.
Tạm ngưng nói về phố Phan Xích Long trong chốc lát, bà Thu Thủy nói về khu vực Chợ Lớn, nơi cũng nằm trong khu vực được TPHCM tính toán mở phố đêm, phố ẩm thực trong tương lai.
Bà Thủy nhận xét, khu vực Chợ Lớn (khu quận 5, 6 nơi tập trung sinh sống của người Hoa) có lợi thế: nhiều món ăn đặc trưng được ưa chuộng, thường diễn ra hoạt động văn hóa văn nghệ truyền thống (múa lân sư rồng), nhiều công trình để tham quan.
"Chợ Lớn từ xa xưa đã có thương hiệu về ẩm thực, đặc biệt là thể hiện được nét đặc thù truyền thống của người Hoa, nghiễm nhiên tạo sức hút đối với người dân địa phương và du khách.
Vậy nếu so sánh, phố Phan Xích Long có thâm niên về ẩm thực nhỏ hơn rất nhiều, cũng chưa thực sự có sự rõ rệt, nổi bật về đặc trưng ẩm thực. Đó là điều hạn chế hơn. Vì thế, tôi nghĩ nếu cần mở thêm phố ẩm thực, thì ưu tiên phía quận 5, 6 đã có thương hiệu từ lâu", chuyên gia từ Hiệp hội Du lịch TPHCM đánh giá.
Nữ chuyên gia cho rằng, phố ẩm thực Phan Xích Long vẫn có thể thành công với lợi thế tuyến đường rộng lớn, rất nhiều cửa hàng hiện đại, song, với một số lưu ý.
Theo bà Thu Thủy, nhu cầu và chất lượng một buổi đi chơi của người dân ngày càng cao, cụ thể: họ cần không gian rộng rãi và đẹp hơn, món ăn được trình bày bắt mắt hơn, nơi đó có thêm nhiều hoạt động khác như ca nhạc, giao lưu…
"Phố Phan Xích Long sẽ cần tạo sự khác biệt và phát huy lợi thế đã có để đáp ứng nhu cầu vui chơi. Trong đó, mở phố ẩm thực không có nghĩa là bố trí các gian hàng nối nhau bày bán đồ ăn thức uống ra như đại trà hiện nay.
Nếu con phố được trình bày đặc sắc hơn về sự nhận diện đẹp hơn, xịn hơn; hay tạo ra thương hiệu riêng (ví dụ tập trung bán một thể loại món ăn nào đó khiến người ta nhớ ngay tới, như món Campuchia ở phố Hồ Thị Kỷ, bánh tráng trộn ở phố Nguyễn Thượng Hiền, món Hoa ở Chợ Lớn...), thì có khả năng hoạt động hiệu quả, không bị chết yểu", bà Dương Thị Thu Thủy nói.
Cần làm tới nơi tới chốn
"Mưa là một vấn đề lớn, vì hầu như chẳng có ai đến. Chúng tôi chỉ ngồi và nhìn mưa rơi", tiểu thương ở phố ẩm thực Nguyễn Thượng Hiền (ngoài trời) nói.
Từ hiện thực trên, kiến trúc sư (KTS) Ngô Viết Nam Sơn - chuyên gia quy hoạch đô thị - cho rằng: Các quận, huyện đề xuất hình thành phố đêm, phố ẩm thực, phố đi bộ cần đảm bảo đủ nguồn lực để làm "tới nơi tới chốn", cơ bản nhất là cần có nơi che mưa, che nắng, bảng hướng dẫn, không gian xanh, nơi trú chân, đèn chiếu sáng, các hoạt động quy củ và có cơ quan hỗ trợ du khách khi xảy ra sự cố.
Còn KTS Khương Văn Mười, nguyên Chủ tịch Hội Kiến trúc sư TPHCM, có quan điểm: Quy hoạch các tuyến phố theo mô hình trên có thể nằm trong các đường hẻm, len lỏi qua khu dân cư, nhưng cần khai thác tại khu vực trung tâm.
"Khu vực trung tâm là nơi tập trung đông khách du lịch, cũng là nơi người dân mọi nơi có xu hướng đổ về vui chơi. Khách du lịch thường muốn tìm hiểu bản sắc văn hóa, cách thức sinh hoạt, món ăn của địa phương, thì các địa chỉ ở khu trung tâm sẽ dễ dàng cho họ tiếp cận", KTS Khương Văn Mười nhìn nhận.
PGS.TS Nguyễn Ngọc Thơ, Trưởng khoa Văn hóa học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, cho biết, Việt Nam có đầy đủ tiềm năng để trở thành "bếp ăn" của thế giới. Đặc biệt, phố ẩm thực mang lại kinh tế đêm là một trong những thế mạnh của TPHCM. Đây là nơi khách du lịch có thể tìm thấy những món ăn khác nhau mà không phải di chuyển nhiều.
"Hiện tại, Thái Lan là một quốc gia đang phát triển điều này rất tốt. Để xây dựng khu phố ẩm thực chuyên nghiệp, khiến du khách cảm thấy an toàn khi lựa chọn dịch vụ ăn uống, cần xây dựng một hệ sinh thái đi kèm. Cụ thể như giao thông, ngân hàng, kiểm tra vệ sinh, nhà vệ sinh", ông Thơ nói.
Theo đề án mở phố ẩm thực Phan Xích Long, nơi đây sẽ được bố trí điểm giữ xe, đậu xe khách đoàn; tổ chức hoạt động xe điện chở khách dọc phố; đầu tư và tổ chức hoạt động bến thuyền du lịch; tổ chức các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao trải nghiệm; các khu vực kinh doanh ẩm thực, bán đồ lưu niệm bên trong trung tâm thể dục Rạch Miễu...
Quận Phú Nhuận đã chuẩn bị nhà xe rộng rãi và có nhà vệ sinh công cộng tại Nhà thi đấu Rạch Miễu (số 1 Hoa Phượng), dự kiến đầu năm sau sẽ triển khai thu phí một phần vỉa hè đường Hoa Phượng.
Các hoạt động của phố ẩm thực sẽ được quản lý qua ứng dụng (app), hiển thị thông tin thực đơn của các cửa hàng, khách đến có thể dễ dàng tìm được món ăn, đơn giá, chương trình giảm giá và vị trí của các cửa hàng.
Sở Giao thông Vận tải TPHCM sẽ có phương án phân luồng giao thông cần được tổ chức hợp lý, hạn chế tối đa xảy ra ùn tắc trên đường Phan Xích Long và các tuyến lân cận.
Chuyên gia du lịch - ẩm thực Dương Thị Thu Thủy cũng đề cập đến sự "na ná" nhau giữa các món ăn đường phố sẽ chẳng thể tạo nên bản sắc riêng. Bà Thủy gợi ý, nếu bản thân khu phố chưa có nét đặc trưng thì phải tạo ra nó, quảng bá nó thật bài bản.
"Các quận, huyện đều muốn phấn đấu làm kinh tế đêm. Tuy nhiên tình hình kinh tế hiện nay khó khăn, ở TPHCM có tình trạng nhiều cửa hàng phải đóng cửa, người lao động về quê, cả các khu chợ nổi tiếng cũng chưa đạt lượng khách mong muốn dù đã mở cửa đón khách du lịch. Do đó, nếu mở ra ồ ạt, các cửa hàng ẩm thực có thể sẽ gặp thách thức lớn", bà Thủy nói.
Theo ghi nhận của phóng viên Dân trí, các phố ẩm thực đang hoạt động ở TPHCM chưa đồng đều về quy mô và hiệu quả.
Nhìn vào điểm sáng, phố ẩm thực Hồ Thị Kỷ (quận 10) được đưa vào hoạt động sớm nhất, dù có không gian chật hẹp, vẫn thu hút đông khách đi chen nhau từ sáng đến đêm. Phố ẩm thực Vĩnh Khánh (quận 4) với đặc trưng bán hải sản may mắn vẫn đón lượng khách đến ăn ổn định. Trái ngược với nó là phố ẩm thực Nguyễn Thượng Hiền (quận 3) ra đời sau, lại không thành công như kỳ vọng.
Các chuyên gia đặt ra bài toán: Để tổ chức một phố ẩm thực có dấu ấn, thì trách nhiệm của chính quyền địa phương và các nhà đầu tư là cùng ngồi lại nghiên cứu mô hình này thật bài bản, tùy vào bối cảnh đặc điểm của mỗi khu vực, từ đó tìm và phát triển sự khác biệt và mới mẻ của phố ẩm thực mới.
Bài liên quan:
1. Từ hẻm chợ nhỏ trở thành phố ẩm thực kín khách ngày đêm ở TPHCM
2. Vì sao phố ẩm thực trung tâm TPHCM vắng khách?
3. Hai phố ẩm thực lớn nhất TPHCM: Nơi lác đác, chỗ chen chân