Từ hẻm chợ nhỏ trở thành phố ẩm thực kín khách ngày đêm ở TPHCM
(Dân trí) - Dài chỉ khoảng 300m, phố ẩm thực Hồ Thị Kỷ (quận 10) hiếm khi vắng vẻ, thu hút người dân và du khách đến khám phá với đủ loại món ăn bày bán liên tục từ sáng đến đêm.
"Ở đây người ta bán đồ ăn từ sáng sớm đến tối mịt. Mỗi buổi lại có các món ăn khác nhau, đi cả ngày ăn không hết món", một người từ tỉnh ngoài đến TPHCM du lịch nhận xét.
Nhiều người dân địa phương cũng chia sẻ, ẩm thực nơi đây có nhiều sự lựa chọn cho du khách, đặc biệt những ai quan tâm khám phá ẩm thực xứ chùa tháp Campuchia.
Nơi này từng là khu đầm lầy hoang vu giữa lòng thành phố. Nửa thế kỷ trước, những món ăn từ Campuchia theo chân Việt kiều hồi hương, là tiền thân tạo ra phố ẩm thực Hồ Thị Kỷ sầm uất ngày nay.
Khu đặc sản tồn tại nửa đời người
Đường Hồ Thị Kỷ nằm trên địa bàn phường 1, quận 10, nối hai đầu là đường Lý Thái Tổ và Hùng Vương. Đường này nguyên là con hẻm có từ lâu, người dân quen gọi là đường Trần Bình Trọng nối dài, được nâng cấp cải tạo thành đường phố từ năm 1995 và UBND quận 10 đặt theo tên nữ liệt sĩ Hồ Thị Kỷ (1949-1970).
Khu chợ Hồ Thị Kỷ nằm lọt trong hẻm nhỏ xuyên qua khu dân cư, có những tuyến hẻm chằng chịt thông ra các con đường huyết mạch của quận 10 gồm Lê Hồng Phong, Trần Bình Trọng, Lý Thái Tổ, Hùng Vương, khiến nơi đây lúc nào cũng hoạt động sầm uất, dân cư đông đúc.
Theo các tài liệu lịch sử, những năm 1970, trong khi trung tâm Sài Gòn được ví như "hòn ngọc Viễn Đông", khu vực ẩm thực Hồ Thị Kỷ vẫn chưa thành hình đường sá. Nơi đây được mô tả: hoang vắng, bùn lầy nhếch nhác, chuột gián nhiều hơn người, nhà cửa lụp xụp tạm bợ, nghèo nàn...
Do có biến cố, hàng loạt người Việt sống ở Campuchia lũ lượt khăn gói về nước lánh nạn diệt chủng, trú ngụ cách trung tâm Sài Gòn 1-2km. Người dân tập trung sinh sống, mở ra chợ nhỏ để làm ăn và phục vụ bà con.
Nhiều tiểu thương chợ Hồ Thị Kỷ hiện tại là nhân chứng của cuộc di dân xưa, khi còn là những đứa trẻ theo cha mẹ về nước. Họ kể, Việt kiều khi đó về Sài Gòn được chính quyền sắp xếp tạm cư tại đây, gọi chung là khu tạm cư Pétrus Ký.
"Di dân chạy loạn từ nhiều nơi ở bên kia chẳng ai biết ai, về đây mọi người nương nhau mà sống, nhập gia tùy tục", chị Nguyễn Thị Có (45 tuổi, tiểu thương chợ) có mẹ là di dân hồi đó, đã thuật lại lời người mẹ kể với phóng viên.
Những món ăn thường ngày của Campuchia từ đó theo chân Việt kiều về, bà con khi ấy chủ yếu bán trao đổi cho nhau để ăn qua ngày theo khẩu vị quen. Trong gần nửa thế kỷ, những món ăn trở thành đặc sản lạ ở thành phố, như các loại khô cá Biển Hồ, bún num-bo-chóc, bánh lọt xào, chè bí... gây tò mò thu hút thực khách đến trải nghiệm ngày càng đông.
Người ta dần gọi nơi đây là chợ Campuchia giữa lòng Sài Gòn - TPHCM.
Ông Dương Quang Châu (64 tuổi), người gốc Campuchia về Việt Nam 1972 đã hồi tưởng ký ức mới về Sài Gòn. Khi ấy ông còn nói chưa sõi, học dần tiếng Việt, lớn lên đi làm đủ nghề sinh nhai, nhưng vẫn cố gắng thức khuya dậy sớm mở thêm hàng bán thịt bò nướng 33 năm nay tại chợ Hồ Thị Kỷ.
"Ban ngày tôi bán bánh mì thịt bình thường, chiều tối bán thêm thịt xiên nướng kiểu Campuchia. Công thức chế biến như cha mẹ dạy lại, với gia đình tôi thì bình thường, nhưng người khác ăn thì lạ.
Sống trong hẻm chợ, dễ kiếm tiền nhất là buôn bán, mà bán đồ ăn là dễ nhất, nhất là mấy món vặt, món bình dân, bán được cả ngày cả đêm, chứ bán rau bán thịt thì chỉ được buổi sáng thôi. Nhờ có phố ẩm thực đêm đã giúp tôi có thêm thu nhập, cải thiện được cuộc sống", ông Châu nheo mắt vừa nướng thịt vừa chia sẻ với phóng viên.
Trò chuyện với bà Ngô Thị Bạch Cúc (66 tuổi), chủ quán bánh lọt và hủ tiếu xào 50 năm trong hẻm chợ, phóng viên ghi lại được thông tin chợ này từng bán ẩm thực về đêm vài chục năm nay.
"Gần nơi đây là bến xe Pétrus Ký, người ta chở người ban ngày chở hàng ban đêm. Trong xóm phần lớn là những người lao động chuyên bốc vác hàng thuê. Khoảng 16h họ ăn một bữa, đến khuya làm xong ăn chống đói, nên các hàng quán trong này cũng bán theo giờ đó", bà Cúc kể.
Qua biến chuyển lịch sử của thành phố, những thế hệ sau của Việt kiều Campuchia năm xưa đều đã lớn tuổi, định cư tại hẻm chợ Hồ Thị Kỷ, sinh sống nhờ các món ẩm thực đến ngày nay.
Do nơi đây diễn ra hoạt động buôn bán nên được gọi là chợ. Sau này, chính quyền địa phương quy hoạch thành phố chuyên doanh hoa và ẩm thực Hồ Thị Kỷ.
Làm gì để hút khách?
Phố chuyên kinh doanh hoa và ẩm thực đường Hồ Thị Kỷ là đề án do UBND quận 10 triển khai từ năm 2018, nhằm tạo điểm đến an toàn, lành mạnh cho người dân và du khách trước thực trạng quán ăn, cửa hàng ăn uống mọc lên ồ ạt và tình hình an ninh trật tự không được bảo đảm.
Ngày 18/1/2019, UBND quận 10 tổ chức lễ ra mắt phố chuyên doanh hoa và ẩm thực khu vực Hồ Thị Kỷ nằm trên tuyến đường 73B Hồ Thị Kỷ, để kiểm soát an toàn thực phẩm tại đây.
Để con phố được nhận diện, chính quyền địa phương bố trí biển chào "Phố hoa Hồ Thị Kỷ" từ lối vào trên đường Lý Thái Tổ, cạnh bên là bãi giữ xe máy, đi sâu vào bên trong sẽ thấy sơ đồ hướng dẫn tham quan phố hoa, bên phải cổng vào chợ là biển chào của khu ẩm thực đêm.
Sau khi quy hoạch vài năm trước, UBND quận 10 thống kê có 94 hộ kinh doanh ẩm thực, đến nay đã có hơn 100 gian hàng ăn uống, hoạt động trong thời gian từ 15h tới 23h mỗi ngày, đón lượng khách đông hơn hẳn phố Nguyễn Thượng Hiền.
Thực khách vào phố ẩm thực Hồ Thị Kỷ nhận xét: Trong này ít xe qua lại, dễ dàng cho người đi bộ; hàng quán bán nhiều món đa dạng nằm sát nhau, khách có thể vừa đi vừa xem chọn món, thích quán nào thì vào, hầu hết quán nào cũng có bàn ghế ăn uống tại chỗ.
Bên cạnh đó, sự bài bản trong quy hoạch được thể hiện ở công tác đảm bảo an toàn thực phẩm được Phòng Y tế quận 10 phối hợp UBND phường 1 và các đơn vị liên quan triển khai ngay sau khi kế hoạch thành lập khu phố được ban hành.
Khi mới đi vào hoạt động, các hộ kinh doanh tại phố ẩm thực đã được hỗ trợ thay mới bạt che của 70 hộ, trang bị 33 xe tủ kính chuyên dụng. Do đó, về mặt hình ảnh, các hàng quán trong phố ẩm thực Hồ Thị Kỷ có nét đồng đều.
Bên cạnh đó, phóng viên ghi nhận, thỉnh thoảng có đoàn cơ quan chức năng của phường, quận đi vào chợ kiểm tra, để thực hiện kiểm tra đột xuất khi phát hiện các trường hợp người dân phản ánh cơ sở không đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm hoặc vi phạm quy định buôn bán như lấn chiếm, gây mất vệ sinh môi trường.
UBND phường 1 cũng thực hiện sử dụng bộ kit kiểm tra nhanh an toàn thực phẩm trong công tác kiểm tra nhằm phát hiện thực phẩm có nhiều hóa chất bảo quản và độc hại ảnh hưởng đến người tiêu dùng. Việc này nhằm không để xảy ra ngộ độc thực phẩm, đảm bảo sức khỏe của người dân và khách du lịch.
"Cơ quan chức năng ra vào thường xuyên, có khi trong vai người dân đi ăn uống. Chính vì thế, tiểu thương chúng tôi yên tâm, khách cũng yên bụng, hàng quán nào có hành vi lệch lạc sẽ bị bài trừ khỏi khu phố", một chủ quán trà đào trong phố ẩm thực Hồ Thị Kỷ chia sẻ.
TPHCM hiện có một số tuyến phố ẩm thực chính thức hoạt động gồm: phố ẩm thực đường Hồ Thị Kỷ (quận 10), Nguyễn Thượng Hiền (quận 3), Vĩnh Khánh (quận 4), Hậu Giang (quận 6); các tuyến phố đi bộ phục vụ ẩm thực như đường Nguyễn Huệ, Bùi Viện (quận 1), Kỳ đài Quang Trung (quận 10)...
Bài liên quan:
1. Vì sao phố ẩm thực trung tâm TPHCM vắng khách?
2. Hai phố ẩm thực lớn nhất TPHCM: Nơi lác đác, chỗ chen chân