Phân làn đường Nguyễn Trãi: Chuyên gia lo ngại sẽ "phá sản"
(Dân trí) - Chuyên gia giao thông đô thị nhận định, mục tiêu của việc tách làn ô tô, xe máy ở đường Nguyễn Trãi (Hà Nội) rất tốt nhưng giải pháp này nhiều bất cập, tính khả thi thấp và có nguy cơ "phá sản".
"Mục tiêu tốt nhưng không khả thi"
Nhận định nêu trên được Chuyên gia giao thông đô thị - TS. Nguyễn Xuân Thủy, chia sẻ với PV Dân trí sau vài ngày Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hà Nội thí điểm phân tách làn ô tô, xe máy bằng dải phân cách cứng trên đường Nguyễn Trãi (đoạn Ngã Tư Sở - Khuất Duy Tiến, thuộc địa bàn quận Thanh Xuân).
Lý giải về nhận định cá nhân này, TS. Thủy cho biết, việc tách làn bằng dải phân cách cứng được Hà Nội áp dụng rất đơn độc, trong khi đó, thành phố có hàng trăm tuyến đường khác. Điều này khiến người tham gia giao thông khi đi từ tuyến đường không được tách làn bằng dải phân cách cứng rồi nhập vào đường Nguyễn Trãi thấy ngỡ ngàng và theo thói quen, người dân sẽ đi sai làn đường.
Bên cạnh đó, tuyến đường Nguyễn Trãi cũng như nhiều tuyến đường khác đều kết nối với các tuyến phố, ngã rẽ. Những vị trí này sẽ là "khe hở" của dải phân cách cứng để xe máy, ô tô đi lẫn lộn vào làn đường dành cho nhau và đa phần người tham gia giao thông đều chưa có thói quen đi đúng làn đường của mình. Trong khi đó, hạ tầng giao thông của Hà Nội vẫn còn yếu.
Về thực trạng giao thông trên đường Nguyễn Trãi có chiều hướng "dễ thở" hơn sau vài ngày phân làn, chuyên gia giao thông đô thị nhìn nhận, một phần do có sự điều tiết, hướng dẫn, túc trực của lực lượng chức năng tại đây. Theo TS. Thủy, nếu không duy trì sự hiện diện của lực lượng chức năng thì không thể ngăn cản các loại phương tiện đi lẫn lộn vào làn của nhau, nhất là vào giờ cao điểm.
Trước đây, từ năm 2010 đến 2014, Hà Nội đã chi hàng chục tỷ đồng để lắp đặt dải phân cách cứng "cưỡng bức" ô tô, xe máy đi theo đường dành riêng trên các tuyến phố Huế, Bà Triệu, Hàng Bài, Đại Cồ Việt, Trần Khát Chân, Giải Phóng… Tuy nhiên, theo đánh giá của TS. Thủy, chiến dịch phân làn ở giai đoạn này đã thất bại.
Đáng chú ý, vị chuyên gia giao thông đô thị này cho rằng, thành phố nên chấp nhận việc các tuyến đường giao thông được tổ chức theo làn đường hỗn hợp . Đồng thời, lực lượng chức năng cần kết hợp với việc tuyên truyền để người điều khiển xe máy đi về bên phải, người lái ô tô đi về bên trái, để dần đưa người dân vào nề nếp giao thông.
"Theo tôi, mục tiêu của việc tách làn riêng dành cho ô tô, xe máy ở đường Nguyễn Trãi rất tốt nhưng để hiện thực hóa rất khó khăn bởi muôn vàn lý do. Vì vậy, quan điểm nhìn nhận của cá nhân tôi đối với giải pháp này là bất cập, tính khả thi thấp và có nguy cơ "phá sản" trong tương lai" - ông Thủy thẳng thắn bày tỏ.
Giao thông chỉ cải thiện khi có lực lượng chức năng?
Trước đó, đêm 5/8, Sở GTVT đã huy động nhân lực lắp 748m dải phân cách, phục vụ công tác tổ chức lại giao thông đường Nguyễn Trãi. Thời gian phân luồng giao thông thí điểm từ ngày 6/8 đến ngày 6/9.
Theo ông Trần Hữu Bảo - Phó Giám đốc Sở GTVT TP Hà Nội, đường Nguyễn Trãi có mật độ ô tô, xe máy đông đúc, nhiều đường giao cắt dẫn đến thường xuyên ùn tắc vào giờ cao điểm. Để giải quyết vấn đề này, Sở đã báo cáo TP cho thí điểm lắp đặt dải phân cách cứng tách riêng là ô tô, xe máy.
Ông Bảo cho biết thêm, trong thời gian thí điểm, lực lượng chức năng thường xuyên túc trực để phân luồng, đồng thời tuyên truyền để người dân đi đúng làn đường. Sau thời gian thí điểm, với những trường hợp cố tình vi phạm sẽ bị lực lượng chức năng xử phạt theo quy định. Nếu việc phân làn phương tiện trên đường Nguyễn Trãi đạt hiệu quả, Sở GTVT sẽ nghiên cứu để áp dụng trên tuyến đường khác của thành phố.
Qua ghi nhận thực tế của PV Dân trí trong những ngày qua, ngay sau khi áp dụng phân làn, có xảy ra tình trạng lộn xộn, hỗn loạn. Thậm chí nhiều người tham gia giao thông do chưa biết vị trí lắp đặt dải phân cách cứng đã gây ra va chạm.
Tuy nhiên, sau khi có lực lượng CSGT, thanh tra giao thông túc trực hướng dẫn, phân luồng, tình trạng giao thông trên tuyến bước đầu đã có cải thiện. Đa phần người dân khi được hỏi cũng bày tỏ sự đồng tình và kỳ vọng biện pháp này sẽ "giải cứu" giao thông đường Nguyễn Trãi. Lực lượng chức năng cho biết do vẫn đang thí điểm nên sẽ vừa làm vừa điều chỉnh sao cho phù hợp.
Trước đó, trả lời Báo điện tử Dân trí, đại diện Sở GTVT Hà Nội cho biết, công tác giải quyết các điểm ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố là một trong các nhiệm vụ trọng tâm được Thành ủy, UBND TP quan tâm, chỉ đạo.
Hà Nội có đặc thù giao thông là các dòng phương tiện lưu thông hỗn hợp, các trục tuyến đường nhiều giao cắt kết hợp với ý thức tham gia giao thông của người dân chưa cao dẫn đến chỉ cần một sự cố giao thông sẽ làm xảy ra tình trạng ùn tắc, mất an toàn giao thông.
Bên cạnh đó, nhu cầu đi lại của người dân thay đổi theo từng cung giờ trên một số các trục chính giao thông (buổi sáng, các phương tiện từ ngoại thành đi vào nội thành để làm việc; buổi chiều, luồng di chuyển của các phương tiện đi theo chiều ngược lại).