Độc giả "hiến kế" phân làn đường Nguyễn Trãi
(Dân trí) - Độc giả Dân trí cho rằng, cần mở thêm làn đường cho xe máy; di chuyển điểm đón trả của xe bus tại cổng sân vận động Thượng Đình; xử lý tình trạng ô tô dừng đỗ, xe bán hàng rong 2 bên đường...
Đến thời điểm này, việc phân làn đường đối với phương tiện tham gia giao thông tại đường Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân) đã qua một tuần thực hiện. Quy định này được nhiều người dân đồng tình ủng hộ, tuy nhiên bên cạnh đó cũng bộc lộ một số điều bất cập. Báo Dân trí xin trích đăng một số ý kiến, kiến nghị của độc giả.
Cần tăng thêm 1 làn đường cho xe máy và xe bus
Gửi bình luận về báo Dân trí, độc giả Đỗ Cương cho rằng: "Đây không phải là lần đầu tiên các cơ quan quản lý giao thông ở Hà Nội thí điểm tổ chức lại giao thông trên một số tuyến phố, nhưng luẩn quẩn hơn chục năm rồi mà không giải quyết được. Nhìn sang các địa phương khác như TPHCM, TP Hải Phòng đã làm rất tốt việc này, TPHCM có đến hơn 10 triệu dân nhưng tôi thấy rất hiếm khi tắc đường như thủ đô. Tại sao Hà Nội không học hỏi ngay các địa phương đó, cần gì phải nhìn tận đâu xa?".
Độc giả này phân tích, trục đường Nguyễn Trãi có rất nhiều ngã rẽ gây hỗn loạn giao thông, vì vậy nên làm dải phân cách cứng khoảng 1km mới bố trí đèn giao thông để phục vụ việc quay đầu xe. Như vậy dù đi xa hơn 1 chút nhưng giảm thiểu xung đột giao thông và hạn chế tối đa ách tắc giao thông.
Bên cạnh đó, tình trạng xe ô tô dừng, đỗ vô tội vạ 2 bên đường, xe bán hàng rong ung dung bày ra phần đường để bán hàng đã chiếm hẳn một làn đường dành cho xe máy và xe bus (đặc biệt đoạn từ Ngã tư Khuất Duy Tiến - Nguyễn Trãi đến Tòa nhà Hồ Gươm Plaza), nhưng không thấy có bóng dáng lực lượng chức năng xử lý. Không xử lý phạt nặng những đối tượng vi phạm thì con đường này không bao giờ hết ùn tắc.
"Thiết nghĩ, việc phân làn đường cần phải thực hiện một cách đồng bộ, đáp ứng nhu cầu tham gia giao thông của người dân và tình hình cụ thể ở từng tuyến đường, chứ không thể tổ chức theo kiểu đại trà", độc giả Đỗ Cương góp ý.
Độc giả Hungthanh cho rằng cách chia làn đường như hiện nay không hợp lý, bởi ô tô theo chiều từ Ngã Tư Sở về Hà Đông có tận 4 làn, xe máy 2 làn đi chung xe bus, chưa kể xe ô tô rẽ phải vào các nhánh vẫn đan xen mà lượng xe máy thì nhiều gấp mấy lần ô tô.
"Chỉ có 2 làn cho lượng xe máy đông, lại phải chung làn với xe bus, tất yếu sẽ xảy ra ùn tắc. Vì vậy nên cần tăng phần đường cho xe máy và xe bus (3 làn). Quy định xe bus chỉ được đi ở làn trong cùng để tránh cắt mặt dòng xe máy đang lưu thông. Làm rất ít các điểm mở thông làn để tránh tình trạng xe rẽ, quay đầu ở điểm mở gây tình trạng xe cắt mặt nhau, gây ùn ứ ách tắc (các xe muốn rẽ hoặc quay đầu bắt buộc phải đi đến điểm mở).
Mặt khác, tuyến đường này có nhiều điểm giao cắt, khoảng cách giữa các điểm giao cắt lại quá gần nhau, do đó công tác quản lý, phân làn cũng gặp nhiều khó khăn. Những ngày trời mưa, vắng bóng lực lượng chức năng, lập tức giao thông trở nên lộn xộn, mạnh ai nấy đi, không theo bất cứ một trật tự, quy tắc nào".
Độc giả Trần Đức Minh nêu một số giải pháp, trong đó cho rằng với tuyến có cầu vượt, hầm chui như trục Nguyễn Trãi - Tây Sơn thì Hà Nội nên tham khảo cách TPHCM phân làn đường Điện Biên Phủ.
Theo đó, xe đi thẳng tách biệt với luồng xe nội bộ, không bị luồng xe nội bộ cản trở như tạt đầu hay dạt sang làn trái để quay đầu xe. Các xe luồng nội bộ muốn quay đầu phải tới nút giao phía trước tới điểm quay đầu liên tục, muốn đi vào hầm/ cầu vượt chỉ được nhập làn ở các điểm cố định. Tất nhiên sẽ tạo nên áp lực lớn hơn cho các nút giao, nhưng rõ ràng khi các luồng giao thông hạn chế được giao cắt nhau quá nhiều, thì sẽ chủ yếu là ùn chứ không còn tắc.
Độc giả này cũng cho rằng, nên dành ra 3 làn cho xe máy và xe buýt thay vì 2 làn bởi thực tế lượng xe máy rất đông và đi lộn xộn, nếu bị nghẽn là sẵn sàng tràn ra làn ô tô; mỗi khi xe buýt dừng đỗ là sinh ra điểm nghẽn vì xe máy bị chiếm 1 làn đường. Tình trạng thường xuyên có xe ô tô đỗ làn trong cùng cũng chiếm mất 1 làn đường.
Cần di chuyển các điểm đón trả khách của xe bus ở vị trí bất hợp lý
Độc giả Minh Trí cho rằng, không nên phân làn cứng theo phương tiện mà phân làn cứng theo điểm giao cắt, quay đầu; sử dụng đèn tín hiệu giao thông với các điểm quay đầu (đèn cho ô tô riêng, xe máy riêng); bố trí phân làn cứng, xác định lại vị trí điểm giao cắt và biển báo từ xa để đảm bảo chuyển làn sớm.
Bên cạnh đó, cần nghiên cứu việc dựng bùng binh tại điểm quay đầu, có thể giúp lưu thông mượt hơn. Cũng nên xem xét vẽ khổ làn ô tô nhỏ lại bởi làn ô tô ở mình (nói chung chứ không chỉ riêng đường Nguyễn Trãi) đang hơi to, dễ dẫn tới lãng phí và tình trạng chèn làn, 2 xe 1 làn và lộn xộn.
Hàng ngày phải đi lại trên tuyến đường này, bạn đọc Đức Khôi đã chỉ ra điểm bất cập tại điểm đón trả xe bus tại cổng sân vận động Thượng Đình gây rối loạn giao thông: "Cần di chuyển điểm đón trả khách xe bus ở cổng sân vận động Thượng Đình xuống gầm cầu đi bộ (cổng trường PTTH Huỳnh Thúc Kháng) vì điểm này tạo ra 2 bất tiện rất lớn: - Xe bus sau khi đón trả khách xong sẽ cắt chéo lên cầu vượt Ngã Tư Sở, gây cản dòng lưu lượng lớn, xe buýt đi chiếm đường;
- Điểm dừng xe bus này gây cho người dân thói quen đi bộ ngang đường sang Royal city rất nguy hiểm khi các xe chạy tốc độ cao, trong khi đó cầu vượt dành cho người đi bộ ở cổng trường THPT Huỳnh Thúc Kháng không khai thác hết công năng".
Cũng theo độc giả Đức Khôi, cần mở rộng điểm quay đầu xe dưới gầm cầu vượt Ngã Tư Sở theo hướng quay đầu từ bên nhà số lẻ sang nhà số chẵn trên đường Nguyễn Trãi. Hiện tại 1 điểm qua đầu quá nhỏ, hàng quán còn họp chợ cản trở giao thông.
Cần xử lý mở rộng lối lên xuống cầu vượt, là ý kiến của độc giả Thái Khang. Theo đó, bản chất đường Nguyễn Trãi vốn dĩ rất rộng nhưng bị tình trạng thắt cổ chai ở lối lên xuống chỗ 02 cầu vượt, khiến xe cộ ùn lên chủ yếu ở ngã giao. "Việc phân làn là hợp lý, nhưng khi chưa giải quyết được nút thắt tại Ngã Tư Sở thì chỉ làm giao thông thêm phức tạp. Cần một giải pháp tốt hơn tại nút giao Ngã Tư Sở - Tây Sơn. Hiện đã khắc phục một ngã giao, cần xử lý mở rộng lối lên xuống chỗ cầu vượt, hiện tại không đủ rộng cho 1 làn ô tô và 1 làn xe máy cùng đi, ô tô đi thì xe máy dừng nên ùn lại".
Cục Cảnh sát Giao Thông - Bộ Công An phối hợp với Báo điện tử Dân trí và Công ty Ô tô Toyota Việt Nam tổ chức Lễ phát động Chương trình Sáng kiến An toàn Giao thông Việt Nam năm 2022.
Đây là sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động hưởng ứng Năm An toàn giao thông 2022 với mục tiêu huy động sức mạnh trí tuệ của mọi tầng lớp nhân dân nhằm đưa ra các giải pháp giải quyết thực trạng giao thông đường bộ Việt Nam, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông (TTATGT).
Chương trình Sáng kiến An toàn giao thông Việt Nam năm 2022 gồm 03 hoạt động chính:
1. Khảo sát, lấy ý kiến người tham gia giao thông
Mỗi người dân góp một tiếng nói phản ánh về thực trạng tình hình giao thông hiện nay. Qua đó, các Cơ quan quản lý Nhà nước về TTATGT có thể hiểu được những khó khăn, tâm tư, nguyện vọng của người tham gia giao thông để có những giải pháp thực tế, cải thiện tình hình giao thông mỗi ngày.
2. Cuộc thi Sáng kiến An toàn giao thông Việt Nam năm 2022
Cuộc thi là hoạt động trọng tâm của Chương trình, được tổ chức 02 năm một lần trên quy mô toàn quốc. Năm 2022 tập trung vào chủ đề giảm thiểu ùn tắc giao thông và hạn chế vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện giao thông.
3. Tổ chức Tọa đàm
Các buổi tọa đàm trao đổi, thảo luận, tham khảo ý kiến chuyên gia, tập trung hoàn thiện và phát triển các ý tưởng, giải pháp trong Cuộc thi có tính ứng dụng cao được áp dụng vào thực tiễn.
Để biết thêm thông tin chi tiết về Chương trình cũng như thể lệ tham gia Cuộc thi, vui lòng truy cập website của chương trình tại https://sangkienatgt.dantri.com.vn