1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

40 năm giải phóng Khánh Hòa (2/4/1975-2/4/2015):

Phá “cánh cửa thép” trên đèo Phượng Hoàng tiến về giải phóng Nha Trang

(Dân trí) - Sau khi phá “cánh cửa thép” của địch trên đèo Phượng Hoàng - nối Tây Nguyên và đồng bằng, quân ta tiến về giải phóng Nha Trang, Cam Ranh và toàn tỉnh Khánh Hòa.


Một trong những người trực tiếp chỉ huy, tham gia giải phóng Nha Trang, Khánh Hòa là Đại tá Nguyễn Quang Lâm, nguyên Phó Chính ủy Trung đoàn 24, Sư đoàn 10, Quân đoàn 3. 

Trao đổi với PV Dân trí, Đại tá Lâm nói: “Khi chiến dịch mở ra, tôi cùng với tập thể Đảng ủy, Ban chỉ huy của Trung đoàn 24 trực tiếp lãnh đạo, chỉ huy chiến đấu từ đầu chiến dịch đến khi kết thúc, tiến vào tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh, kết thúc giải phóng miền Nam, 30/4/1975”.

Là một nhân chứng tham gia giải phóng Nha Trang, Khánh Hòa vào ngày 2/4//1975, ông có thể cho biết vào thời điểm đó, quân ta tiến vào giải phóng đô thị này trong hoàn cảnh nào?

Đầu năm 1975, ta chủ trương mở chiến dịch Tây Nguyên, vì đây là địa bàn chiến lược hết sức quan trọng. Nhiệm vụ của Sư đoàn của tôi trong chiến dịch này là đánh vào thị xã Buôn Ma Thuột, đồng thời diệt Sở chỉ huy Sư đoàn 23 thuộc Quân đoàn 2 của địch ở Tây Nguyên.

Từ sáng mùng 10/3/1975, đơn vị tôi tiếp tục áp sát vào các mục tiêu được phân công và chiến đấu đến hết ngày mùng 10. Đến trưa ngày 11/3/1975, quân ta đã làm chủ toàn bộ thị xã Buôn Ma Thuột.

Đại tá Nguyễn Quang Lâm, nguyên Phó Chính ủy Trung đoàn 24, Sư đoàn 10, Quân đoàn 3 (Ảnh: Viết Hảo)
Đại tá Nguyễn Quang Lâm, nguyên Phó Chính ủy Trung đoàn 24, Sư đoàn 10, Quân đoàn 3 (Ảnh: Viết Hảo)

Sau khi mất Buôn Ma Thuột, Quân đoàn 2 chủ trương đổ quân xuống khu nông trại Phước An để phản công chiếm lại. Sau khi nắm được thông tin, quân ta cấp tốc hành quân và bày sẵn thế trận. Khi quân địch đổ quân xuống thì Sư đoàn 10 đã đánh phủ đầu nên toàn bộ lực lượng của địch bị diệt, bắt sống.

Thừa thắng, Sư đoàn 10 tiếp tục tấn công địch trên đường 21 (Quốc lộ 26) như quận lỵ Khánh Dương, đèo Phượng Hoàng. Sau khi bỏ Tây Nguyên, địch đưa quân chốt giữ ở đèo Phượng Hoàng với ý đồ giữ vùng đồng bằng. Lực lượng của địch ở đây rất mạnh, chúng gọi là “cánh cửa thép”. Cuộc chiến diễn ra gay go, quyết liệt. Ta chiếm từng công sự, từng gụ chiến hào và từng quả đồi một. Đến chiều 1/4/1975, quân ta làm chủ hoàn toàn trận địa này.

Đến sáng 2/4, quân ta chia lực lượng thành nhiều mũi, nhiều hướng, tạo thành thế gọng kìm đánh thẳng vào Ninh Hòa. Khi vào thì địch đã bỏ chạy gần hết, dân thì một số nhà hé cửa, còn cửa hàng, cửa hiệu cũng chưa mở cửa… Khi chúng tôi đi qua hết thị trấn Ninh Hòa thì người dân mới mở cửa ùa ra reo hò, hoan hô, chào đón, chúc mừng bộ đội giải phóng.

Đầu giờ chiều ngày 2/4, Sư đoàn 10 tổ chức lực lượng hợp thành theo đường Quốc lộ 1 đánh thẳng qua đèo Rọ Tượng, đèo Rù Rì nhưng địch chống đỡ rất yếu ớt. Sau khi vượt qua Cầu Bóng và đến 17h ngày 2/4/1975, quân ta tiến vào trung tâm thị xã Nha Trang, tức là Tượng đài chiến thắng bây giờ.

Đến sáng ngày 3/4, lực lượng Sư đoàn 10 tổ chức một lực lượng tiến thẳng về Cam Ranh. Chiều 3/4/1975, quân ta vào Cam Ranh và làm chủ hoàn toàn. Ở Cam Ranh, địch hoang mang, bỏ chạy…

Diện mạo Nha Trang vào thời điểm quân ta tiến vào giải phóng như thế nào, thưa ông?

Ngày đó, Nha Trang là thị xã trong chiến tranh nên chủ yếu là đồn bốt, công sở, công sự của địch. Nha Trang hồi đó nghèo, đơn sơ… Bây giờ 40 năm nhìn lại, Nha Trang đã thay đổi rất nhiều.

Cầu Bóng hồi đó chật hẹp, xe cơ giới chúng tôi lội qua sợ sập mà công binh phải khắc phục. Khu vực Chợ Đầm, các trục đường chính như đường Thống Nhất bây giờ thì nhà cửa lụp xụp. Còn Trung tâm Văn hóa hội nghị 46 Trần Phú (bây giờ) thì hồi đó chính là Sở chỉ huy dã chiến của Quân đoàn 2 ngụy sau khi bỏ Tây Nguyên để chạy về Nam Trung Bộ.

Đại tá Nguyễn Quang Lâm, nguyên Phó Chính ủy Trung đoàn 24, Sư đoàn 10, Quân đoàn 3 (Ảnh: Viết Hảo)
Quân giải phóng làm chủ Sở chỉ huy Bộ tư lệnh vùng 2 duyên hải của ngụy quân Sài Gòn ở TP Nha Trang - Ảnh tư liệu TTXVN

Thưa ông, sự giúp đỡ, hỗ trợ của người dân khi quân giải phóng tiến vào Nha Trang như thế nào?

Nếu không nhờ sự giúp đỡ, chỉ bảo của nhân dân thì mình gặp khó khăn rất nhiều. Khi biết là bộ đội giải phóng, người dân họ ra chào đón, niềm nở, tay bắt mặt mừng và tạo mọi điều kiện để quân giải phóng chiếm các mục tiêu. Chủ yếu là họ chỉ đường, chỗ đó là cái gì, mục tiêu gì…

Nhờ có dân nên giúp cho Sư đoàn 10 đỡ tổn thất mà nhanh chóng giải phóng được Nha Trang.

Sau 40 năm nhìn lại, Nha Trang nói riêng và Khánh Hòa nói chung đã có nhiều đổi mới, đi lên. Là một người tham gia giải phóng Nha Trang, Khánh Hòa, ông có cảm xúc gì không?

Trước hết, tôi hết sức phấn khởi, tự hào khi nơi đây cũng nơi tôi chọn để lập nghiệp. Tôi hết sức tin tưởng sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, mà trực tiếp là Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa đã làm cho thành phố thay đổi rất lớn, đời sống nhân dân (trong đó có gia đình) khá giả, cải thiện rõ rệt.

Xin cảm ơn ông!


“17 giờ ngày 2-4-1975, sau khi đánh tan các chốt điểm của địch ở đèo Rọ Tượng, đèo Rù Rì, được sự hướng dẫn của lực lượng cốt cán (do Ban cán sự nội thành cử ra Ninh Hòa đón quân giải phóng), lực lượng binh chủng hợp thành của Sư đoàn 10 rầm rộ vượt qua cầu Xóm Bóng tiến vào thành phố Nha Trang. Nhân dân từ Đồng Đế đến nhà Thông tin đã đổ ra đường đón bộ đội cách mạng. Những tiếng hoan hô vang dội, vui mừng khôn xiết. Nhà nhà đều treo cờ Mặt trận, người người đều cầm cờ trên tay vẫy chào. Trời mưa tầm tã, nhưng đồng bào vẫn tấp nập tụ họp hai bên đường nô nức chào mừng đoàn quân giải phóng” – trích Lịch sử Đảng bộ Đảng cộng sản Việt Nam tỉnh Khánh Hòa (1930-1975).

Viết Hảo (thực hiện)