Nhà sử học Dương Trung Quốc: “Hòa giải dân tộc là quá trình lâu dài”
(Dân trí) - “Giải phóng không chỉ hướng tới mục tiêu độc lập dân tộc, mà quan trọng nhất, thiêng liêng nhất là thống nhất nước nhà. Ngày nay, rõ ràng chúng ta đang nối tiếp sự nghiệp ấy bằng việc bảo toàn sự toàn vẹn lãnh thổ”.
Nhân dịp kỷ niệm 40 năm thống nhất đất nước, Dân trí đã có cuộc phỏng vấn đại biểu Quốc hội (ĐBQH), nhà sử học Dương Trung Quốc về vấn đề hòa giải, hòa hợp dân tộc.
PV: Ngày 30/4, một lần nữa vấn đề hòa giải, hòa hợp dân tộc lại được nhắc đến nhiều. Theo ông, đâu là gốc của vấn đề này?
Ông Dương Trung Quốc: Vấn đề ở đây là mọi người phải tìm thấy mẫu số chung. Trong sự kiện 30/4/1975, ta dùng chữ “giải phóng” là rất đúng, nhưng giải phóng không chỉ hướng tới mục tiêu độc lập dân tộc, mà quan trọng nhất, thiêng liêng nhất là thống nhất nước nhà. Ngày nay, rõ ràng chúng ta đang nối tiếp sự nghiệp ấy bằng việc bảo toàn sự toàn vẹn lãnh thổ. Mục tiêu không phải chúng ta chiến thắng đối phương, mà đó chỉ là phương thức để đạt tới mục tiêu thống nhất đất nước.
Tôi cho rằng, nếu chúng ta chỉ nói ngày 30/4 là ngày chiến thắng thì sẽ chỉ khơi lại nỗi đau khổ và hận thù thôi. Nhưng nếu nói ngày 30/4 là thời khắc cả dân tộc hoàn thành sứ mệnh lịch sử là thống nhất đất nước thì có ai không mong đất nước thống nhất? Khi chúng ta chỉ nhìn lại sự hy sinh và đau khổ như cái giá phải trả thì mình sẽ tìm được tiếng nói chung và sẽ có sự chia sẻ. Nếu chỉ nghĩ đến kẻ thắng người thua, không bao giờ chúng ta hòa hợp dân tộc được.
PV: Vậy hạt nhân của tiến trình này là gì thưa ông?
Ông Dương Trung Quốc: Tất nhiên trước hết đó là nhận thức. Chúng ta nên nhận thức sự kiện này như thế nào vì nếu không sẽ có những người ngạo mạn, không nhìn thấy mục tiêu cao nhất là thống nhất đất nước và lại có người mang theo mặc cảm bại trận, hận thù. Điều đó chỉ tạo thêm khoảng cách chứ không làm cho mọi người tiến lại gần nhau.
Điều thứ 2 là chính sách. Chính sách của chúng ta nói từ rất sớm, ngay từ trước khi chiến tranh bùng nổ thì nguyên lý đoàn kết dân tộc, con Hồng cháu Lạc đã được nhắc đến. Ngay năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói rằng bàn tay có những ngón dài, ngón ngắn nhưng nằm trên cùng một bàn tay.
Tư tưởng khoan dung, đại đoàn kết có từ lâu đời. Đó là nguyên lý không ai có thể phản bác được. Cái khó là đưa chính sách đó vào đời sống vì nó đụng chạm đến quyền lợi của từng con người.
Vấn đề là chính mọi người phải tham gia vào chính sách hòa hợp đấy chứ không chỉ nói về lý thuyết. Và trong từng hoàn cảnh riêng, mỗi người đã ứng xử như thế nào để tạo ra sự hòa hợp đó còn quan trọng hơn cả đường lối chính sách. Tôi quan niệm như vậy.
Trong rất nhiều gia đình, có người đứng bên này, có người đứng bên kia. Trong cuộc sống, có nhiều khi chúng ta đặt niềm tin vào người này chứ không phải người kia. Những yếu tố đó nếu không có sự giải quyết thì chúng ta mãi sẽ vẫn ở trong tâm thế chia cắt, phân li.
Tuy nhiên tôi nói điều đó thì cũng ý thức được đây không phải là đơn giản. Vì thế chúng ta cũng phải kiên trì và có thời gian chứ đừng chỉ hô hào miệng.
PV: Đã 40 năm trôi qua rồi, vậy theo ông, điều gì còn lại trong vấn đề hòa giải, hòa hợp dân tộc?
Ông Dương Trung Quốc: 40 năm đã trôi qua không phải là ngắn nhưng cũng chưa phải là dài. Điều quan trọng nhất là mỗi chúng ta phải thấy được điều đó.
Ngay trong cuộc sống xã hội, những lợi ích cục bộ, lợi ích tham nhũng, những chuyện tiêu cực tồn tại thì rõ ràng đó là môi trường không phù hợp cho khả năng hòa hợp dân tộc. Tôi cho đó là một sự tích hợp của rất nhiều yếu tố. Và quan trọng là chúng ta phải làm sao cho môi trường trong sạch, đó mới là môi trường tốt nhất cho hòa hợp dân tộc.
Nếu chúng ta cứ nói hòa hợp dân tộc nhưng ngay trong cộng đồng của chúng ta, những người gần gũi nhau vẫn cứ tranh giành lợi ích thì sao có thể hòa hợp được. Hòa hợp là vấn đề liên quan đến con người, liên quan đến tấm lòng. Nếu môi trường không trong sạch thì hòa hợp dân tộc chỉ là lý thuyết mà thôi.
PV: Ông đánh giá vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong vấn đề hòa giải, hòa hợp dân tộc như thế nào?
Ông Dương Trung Quốc: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tự thân là sản phẩm của đại đoàn kết dân tộc. Chừng nào Mặt trận Tổ quốc không thể hiện được là nhân tố để đoàn kết dân tộc thì không còn là Mặt trận Tổ quốc nữa. Cho nên Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có vai trò rất lớn trong việc tập hợp lực lượng bằng chính sách, bằng sự vận động. Quan trọng nhất đó là tính thuyết phục, là thực tế. Câu chuyện của lời nói và việc làm là câu chuyện của ngày hôm nay.
PV: Trong những ngày này, câu chuyện về cuộc nội chiến của nước Mỹ đầu thế kỷ thứ 19 được mọi người khá chú ý dưới khía cạnh cách hóa giải hận thù, hòa hợp dân tộc của họ. Đó là sự tôn trọng mà binh lính miền Bắc dành cho vị tướng của miền Nam đầu hàng, đó là một khu vực dành riêng cho những tử sỹ là người miền Nam tại nghĩa trang liên bang Arlington… Thưa ông, những câu chuyện đó có giúp ích được gì cho chúng ta?
Ông Dương Trung Quốc: Tôi đã từng viết bài về vấn đề này. Tôi đã sang tận chiến trường nơi diễn ra cuộc đánh giữa miền Nam và miền Bắc nước Mỹ. Tuy nhiên, hoàn cảnh lịch sử cụ thể của chúng ta còn có nhiều yếu tố khác với nước Mỹ.
Cuộc nội chiến của Mỹ bắt đầu từ hoàn cảnh địa lý của mỗi vùng khác nhau. Hồi đó, vùng miền Bắc cho rằng phát triển đất nước phải bằng phát triển kinh tế công nghiệp trong khi đó vùng phía Nam vẫn phát triển nông nghiệp. Vì thế việc xóa bỏ chế độ nô lệ trở thành vấn đề mâu thuẫn ở Mỹ khi đó. Khi ông Abraham Lincoln đưa ra cương lĩnh ứng cử tổng thống là chống lại chế độ nô lệ và thắng lợi, trở thành tổng thống thì ngay lập tức nảy sinh mâu thuẫn với người ở những bang phía Nam. Đó là nguyên nhân biến thành cuộc nội chiến.
Và điều quan trọng là sau khi kết thúc cuộc nội chiến khi đã có nhiều vạn người của cả hai phía đã chết thì đã có một việc rất ngẫu nhiên là làm thế nào để chôn cất thật nhanh ngần đó xác chết, tránh dịch bệnh. Sau khi một điền chủ cung tiến một thửa đất rất lớn làm nghĩa trang, người ta không kịp sắp xếp ai ở miền Nam, ai ở miền Bắc mà tất cả đều được chon cất với sự sắp xếp rất ngẫu nhiên.
Sau khi nghĩa trang đó được hoàn thành, 4 tháng sau, người ta tổ chức buổi khánh thành. Người phát biểu chính là một ông nguyên là Bộ trưởng Bộ ngoại giao Hoa Kỳ, đồng thời là người đứng đầu Học viện Havard đã đọc một diễn văn về sự thắng thua rất dài.
Lúc đó, ông Lincoln là người chủ trương chống lại chế độ nô lệ đã đến dự và có một bài phát biểu rất ngắn nhưng rất hay. Tôi rất ấn tượng với câu mở đầu thế này: “Chúng ta vừa chứng kiến một sự xung đột giữa lòng yêu nước”.
Quay lại vấn đề hòa hợp dân tộc của chúng ta, bài học rút ra là chúng ta phải có cơ chế để bảo đảm sự thống nhất về mặt tư tưởng. Đó là việc chúng ta tăng cường xây dựng một nhà nước của dân, do dân, vì dân thì mới giải quyết được nguồn gốc của vấn đề.
Xin trân trọng cảm ơn ông đã trả lời phỏng vấn!
Minh Anh