1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Ninh Bình làm hơn 25km cao tốc 4 làn xe, tốc độ 120km/h

Thế Kha

(Dân trí) - Tuyến cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng, đoạn qua địa bàn tỉnh Ninh Bình có chiều dài khoảng 25,3km, thiết kế tiêu chuẩn 4 làn xe hoàn chỉnh, tốc độ thiết kế 120km/h và được đầu tư theo phương thức PPP.

Báo cáo Đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng, đoạn qua tỉnh Ninh Bình, vừa được Bộ Tài nguyên và Môi trường công khai tham vấn cộng đồng.

Theo báo cáo ĐTM, việc đầu tư xây dựng tuyến đường cao tốc đã được HĐND tỉnh Ninh Bình phê duyệt chủ trương tại Nghị quyết 12/2024 với tổng chiều dài khoảng 25,3km.

Điểm đầu tuyến cao tốc tại km0+000 nút giao Mai Sơn (xã Mai Sơn, huyện Yên Mô) và điểm cuối thuộc đầu cầu vượt sông Đáy, phía tỉnh Ninh Bình (xã Khánh Cường, huyện Yên Khánh).

Ninh Bình làm hơn 25km cao tốc 4 làn xe, tốc độ 120km/h - 1

Tuyến đường cao tốc qua tỉnh Ninh Bình dài 25,3km; điểm đầu tại km0+000 nút giao Mai Sơn (xã Mai Sơn, huyện Yên Mô) và điểm cuối thuộc đầu cầu vượt sông Đáy, xã Khánh Cường, huyện Yên Khánh (Ảnh: ĐTM).

Đây là dự án đầu tư xây dựng mới và sử dụng đất, đất có mặt nước quy mô lớn hơn 100ha, yêu cầu chuyển đổi trên 144ha đất chuyên trồng lúa. Theo Luật Bảo vệ môi trường và Nghị định số 08/2022 của Chính phủ, dự án thuộc nhóm I phải lập báo cáo ĐTM trình Bộ Tài nguyên và Môi trường thẩm định và phê duyệt.

Tuyến đường đi qua địa bàn huyện Yên Khánh và Yên Mô sẽ có bề rộng nền đường 24,75m và các công trình phụ trợ trên tuyến. Trên tuyến xây dựng 12 cầu (9 cầu trên tuyến chính và 3 cầu vượt ngang); gần 20km đường gom; một trạm dừng nghỉ và 19 hầm chui dân sinh

Sở GTVT tỉnh Ninh Bình được giao làm chủ đầu tư. Công ty TNHH MTV kỹ thuật tài nguyên và môi trường (trụ sở tại Nghệ An) thực hiện tư vấn lập báo cáo ĐTM.

Báo cáo ĐTM cho thấy dự án được đầu tư theo phương thức PPP (phương thức đối tác công - tư), hiện đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư với quy mô 4 làn xe.

"Dự án không ảnh hưởng đến khu bảo tồn thiên nhiên, đất rừng. Các loại đất được thu hồi nằm trong phạm vi quy hoạch phát triển của địa phương", báo cáo cho hay.

Tuyến cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng (CT.08) có điểm đầu kết nối với đường cao tốc Bắc Nam phía Đông tại TP Ninh Bình, điểm cuối kết nối với đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng.

Được quy hoạch với 4 làn xe, hiện nay 29km trên địa bàn Hải Phòng và Thái Bình đang được đầu tư xây dựng.

Vì thế, Sở GTVT tỉnh Ninh Bình khẳng định việc đầu tư hoàn thành dự án đường bộ cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng, đoạn qua tỉnh Ninh Bình, là cần thiết.

Ninh Bình làm hơn 25km cao tốc 4 làn xe, tốc độ 120km/h - 2

Đường cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng đoạn qua Ninh Bình có điểm đầu sẽ kết nối với cao tốc Cao Bồ - Mai Sơn và Mai Sơn - Quốc lộ 45 (Ảnh: Thái Bá).

Tuyến đường hình thành sẽ kết nối với các tuyến cao tốc như cao tốc Bắc Nam, cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, các tuyến quốc lộ (quốc lộ 10, quốc lộ 1, quốc lộ 21, quốc lộ 37 mới), các trục phát triển kinh tế (đường trục phát triển kinh tế tỉnh Nam Định, tuyến đường bộ mới Nam Định - Lạc Quần, tuyến đường Thái Bình - Cồn Vành).

Đồng thời, tuyến đường cao tốc qua Ninh Bình sẽ giúp kết nối với cảng hàng không quốc tế Cát Bi (Hải Phòng), sân bay quốc tế Vân Đồn (Quảng Ninh), các cảng biển, cửa khẩu quốc tế Móng Cái.

Gần 19.800 tỷ đồng làm đường cao tốc qua Nam Định, Thái Bình

Như Dân trí thông tin, báo cáo ĐTM của Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng, đoạn qua tỉnh Nam Định và Thái Bình đã được công khai tham vấn cộng đồng.

Nhà đầu tư đề xuất dự án là Tập đoàn Geleximco. Ông Nguyễn Lê Anh, Giám đốc Ban quản lý dự án đường cao tốc Nam Định - Thái Bình làm đại diện nhà đầu tư.

Tuyến đường cao tốc có chiều dài khoảng 61,4km (địa bàn tỉnh Nam Định 27,6km và địa bàn tỉnh Thái Bình 33,8km) được thực hiện theo phương thức đối tác công tư (PPP).

Tổng vốn đầu tư của dự án trên 19.784 tỷ đồng. Trong đó, phần vốn của nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án trên 10.447 tỷ đồng; vốn nhà nước tham gia dự án 9.337 tỷ đồng (vốn ngân sách Trung ương 6.200 tỷ đồng; ngân sách tỉnh Thái Bình 1.462 tỷ đồng và ngân sách tỉnh Nam Định 1.675 tỷ đồng - tương ứng với chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư trên địa bàn 2 tỉnh này).