1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Nga Putin thăm Việt Nam
  3. Metro số 1 TPHCM

Vụ án làm giả báo cáo ĐTM: Cơ quan nào có thẩm quyền phê duyệt?

Thế Kha

(Dân trí) - Sau khi nhiều cán bộ bị bắt trong vụ án làm giả báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM), dư luận quan tâm tới việc theo luật hiện hành, những cơ quan nào có thẩm quyền phê duyệt ĐTM?

Liên quan đến vụ án làm giả báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) ở nhiều tỉnh thành, có sự tiếp tay, móc nối, tạo điều kiện của cơ quan quản lý Nhà nước, Công an tỉnh Phú Thọ đã khởi tố 4 cán bộ.

Cụ thể gồm ông Nông Đức Di, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Kạn; ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó Trưởng phòng môi trường - Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Kạn; bà Ngô Thị Mai, Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường - Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Phú Thọ; ông Triệu Quý Hợi, Phó Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp, Trung tâm Quan trắc và bảo vệ môi trường - Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Phú Thọ.

Trong đó, ông Nông Đức Di bị khởi tố, điều tra về tội Giả mạo trong công tác.

Vụ án làm giả báo cáo ĐTM: Cơ quan nào có thẩm quyền phê duyệt? - 1

Ông Nông Đức Di, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Kạn bị công an khởi tố, điều tra về tội Giả mạo trong công tác (Ảnh: Công an Phú Thọ).

Bước đầu, công an xác định các doanh nghiệp tư vấn về môi trường đã thực hiện tư vấn, lập hàng trăm báo cáo ĐTM cho các dự án trên địa bàn cả nước, thu lời bất chính hàng chục tỷ đồng.

Theo quy định hiện hành, những cơ quan nào có thẩm quyền phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) là vấn đề đang được dư luận quan tâm?

Điều 28 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và Nghị định số 08/2022 của Chính phủ hướng dẫn thực hiện luật đã phân chia dự án đầu tư thành 4 nhóm.

Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với dự án đầu tư nhóm I quy định tại khoản 3 Điều 28 của Luật Bảo vệ môi trường; dự án đầu tư nhóm II quy định tại các điểm c, d, đ và e khoản 4 Điều 28 của luật này thuộc thẩm quyền quyết định hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ.

Bộ này cũng thẩm định ĐTM của dự án đầu tư nằm trên địa bàn từ 2 đơn vị hành chính cấp tỉnh trở lên; dự án đầu tư nằm trên vùng biển chưa xác định trách nhiệm quản lý hành chính của UBND cấp tỉnh; dự án đầu tư thuộc thẩm quyền cấp giấy phép khai thác khoáng sản, cấp giấy phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước, cấp giấy phép nhận chìm ở biển, quyết định giao khu vực biển của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Bộ Quốc phòng, Bộ Công an tổ chức thẩm định ĐTM đối với dự án đầu tư thuộc bí mật nhà nước về quốc phòng, an ninh.

UBND cấp tỉnh tổ chức thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với dự án đầu tư trên địa bàn. Bộ, cơ quan ngang Bộ có trách nhiệm phối hợp với UBND cấp tỉnh nơi có dự án phải thẩm định ĐTM đối với dự án đầu tư thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư của mình.

Vụ án làm giả báo cáo ĐTM: Cơ quan nào có thẩm quyền phê duyệt? - 2

Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Phú Thọ thu giữ nhiều hồ sơ, tài liệu liên quan trong vụ án (Ảnh: Công an cung cấp).

Điều 31 Luật Bảo vệ môi trường nêu rõ, đánh giá tác động môi trường do chủ dự án đầu tư tự thực hiện hoặc thông qua đơn vị tư vấn có đủ điều kiện thực hiện.

Đánh giá tác động môi trường được thực hiện đồng thời với quá trình lập báo cáo nghiên cứu khả thi hoặc tài liệu tương đương với báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án.

Tiến sĩ Nguyễn Khắc Kinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Thẩm định và Đánh giá tác động môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), cho rằng các báo cáo ĐTM trong vụ án trên có thể đều là "thật" nhưng nhiều thông tin trong đó bị làm "giả", không đo đạc nhưng lại có số liệu cụ thể, chi tiết.

Do quy định về lập, thẩm định ĐTM hiện nay chưa chặt chẽ, nhiều bất cập nên theo ông Kinh, nếu doanh nghiệp tư vấn môi trường cố tình làm giả số liệu thì cơ quan nhà nước cũng không dễ phát hiện.

Theo thông tin từ Bộ Tài nguyên và Môi trường, chế định về đánh giá tác động môi trường đã được thực hiện hơn 30 năm nay (từ năm 1993). Quá trình thanh, kiểm tra, các vi phạm về không thực hiện đúng theo ĐTM được phê duyệt là lỗi khá phổ biến - chiếm khoảng 10% các loại lỗi vi phạm trong xử phạt vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường.

Một chuyên gia môi trường cho rằng một số dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao thuộc lĩnh vực đặc thù đòi hỏi có những yêu cầu kỹ thuật chuyên sâu gây lúng túng cho cơ quan thẩm định ĐTM trong điều kiện nguồn lực hạn chế.

Công an tỉnh Phú Thọ khẳng định đây là vụ án đầu tiên trên toàn quốc xử lý các đối tượng về hành vi làm giả báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM). 

Những giám đốc công ty tư vấn môi trường đã bị bắt

Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Phú Thọ đã ra quyết định khởi tố 6 vụ án, nhiều bị can là lãnh đạo doanh nghiệp tư vấn môi trường, gồm:

1. Nguyễn Thị Quỳnh, Giám đốc Công ty TNHH TQB Phú Thọ;

2. Bùi Trung Quân, Giám đốc Công ty TNHH Môi trường SETECH, Hà Nội;

3. Đinh Thị Diệu Linh, nhân viên Công ty CP EJC Chi nhánh Phú Thọ; Giám đốc Công ty môi trường LT, Hà Nội;

4. Đỗ Trung Đức - Giám đốc Công ty CP Liên Minh môi trường và xây dựng, Hà Nội;

5. Nguyễn Văn Tản - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Liên Minh môi trường và xây dựng, Hà Nội;

6. Trần Minh Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH G&T Phú Thọ;

7. Nguyễn Trần Mạnh, Giám đốc Công ty CP dịch vụ và phát triển Trường Thành, Hà Nội.