"Kẽ hở" để làm giả báo cáo đánh giá tác động môi trường như thế nào?
(Dân trí) - Công an phát hiện việc lập giả báo cáo đánh giá tác động môi trường diễn ra trong thời gian dài, liên quan đến nhiều tỉnh thành và có sự tiếp tay, móc nối, tạo điều kiện của cơ quan quản lý Nhà nước.
Như Dân trí đã thông tin, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Phú Thọ vừa thông báo khởi tố 6 vụ án, 11 bị can, trong đó có nhiều giám đốc công ty tư vấn môi trường tại nhiều địa phương trên cả nước.
"Đây là vụ án đầu tiên trên toàn quốc khởi tố, xử lý các đối tượng về hành vi làm giả báo cáo đánh giá tác động môi trường", công an thông tin.
Theo Công an tỉnh Phú Thọ, việc lập giả báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) diễn ra trong thời gian dài, liên quan đến nhiều tỉnh thành và có sự tiếp tay, móc nối, tạo điều kiện của cơ quan quản lý Nhà nước.
Từ đây dư luận thắc mắc việc lập, thẩm định báo cáo ĐTM được quy định và thực hiện như thế nào?
Mỗi dự án lập một báo cáo ĐTM
Luật Bảo vệ môi trường 2020 quy định, đánh giá tác động môi trường là quá trình phân tích, đánh giá, nhận dạng, dự báo tác động đến môi trường của dự án đầu tư và đưa ra biện pháp giảm thiểu tác động xấu đến môi trường.
Đối tượng phải thực hiện đánh giá tác động môi trường gồm: Dự án đầu tư nhóm I quy định tại khoản 3 Điều 28 của Luật Bảo vệ môi trường; Dự án đầu tư nhóm II quy định tại các điểm c, d, đ và e khoản 4 Điều 28 của luật này.
Chủ thể thực hiện ĐTM có trách nhiệm đề xuất các giải pháp thích hợp về bảo vệ môi trường, giảm thiểu tác động xấu đến môi trường.
Điều 31 của luật nêu rõ, đánh giá tác động môi trường do chủ dự án đầu tư tự thực hiện hoặc thông qua đơn vị tư vấn có đủ điều kiện thực hiện. Đánh giá tác động môi trường được thực hiện đồng thời với quá trình lập báo cáo nghiên cứu khả thi hoặc tài liệu tương đương với báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án.
Kết quả đánh giá tác động môi trường được thể hiện bằng báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM). Mỗi dự án đầu tư lập một ĐTM.
Nội dung chính của ĐTM gồm: Xuất xứ của dự án, chủ dự án, cơ quan có thẩm quyền phê duyệt dự án; căn cứ pháp lý, kỹ thuật; sự phù hợp của dự án đầu tư với Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.
Ngoài ra, báo cáo ĐTM bao gồm thông tin đánh giá việc lựa chọn công nghệ, hạng mục công trình và hoạt động của dự án đầu tư có khả năng tác động xấu đến môi trường; đánh giá hiện trạng môi trường; yếu tố nhạy cảm về môi trường nơi thực hiện dự án; quy mô, tính chất của chất thải; biện pháp giảm thiểu tác động tiêu cực khác của dự án đến môi trường; phương án phòng ngừa, ứng phó sự cố và cam kết của chủ dự án đầu tư…
Theo một chuyên gia trong lĩnh vực môi trường, nhiều công ty không có năng lực chuyên môn nhưng vẫn tham gia tư vấn nên chất lượng báo cáo ĐTM không cao, phải sửa đi sửa lại nhiều lần mới được thông qua.
Dư luận đã râm ran từ lâu; nhiều bất cập
Trao đổi với phóng viên báo Dân trí, Tiến sĩ Nguyễn Khắc Kinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Thẩm định và Đánh giá tác động môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho rằng dư luận đã râm ran từ lâu về những báo cáo ĐTM "làm bậy số liệu", "không đi đo đạc nhưng lại có số liệu".
Ông Kinh nói việc công an khởi tố vụ án, "chọc" vào lĩnh vực này là cơ hội để cơ quan chức năng rà soát, đánh giá lại việc quản lý, thẩm định ĐTM vốn đang tồn tại nhiều bất cập, kẽ hở.
Mặc dù Luật Bảo vệ môi trường đã đưa ra nhiều quy định liên quan đến việc lập báo cáo ĐTM nhưng theo ông Kinh vẫn còn nhiều bất cập, mâu thuẫn, tiêu chí đánh giá không rõ ràng, lơ mơ khiến hiểu là "a cũng được", "b cũng được", mà "c cũng được".
Trong đó, theo chuyên gia này, sức chịu tải của môi trường chưa được quy định chặt chẽ trong các báo cáo ĐTM - vốn là dự báo về điều xảy ra trong tương lai.
"Phải dự báo được sức chịu tải của môi trường trong thời gian dài, bởi tác động của một dự án có thể 3-4 năm sau hoặc 10 năm mới xảy ra. Nếu chỉ lấy số liệu của hôm nay để xem xét phê duyệt ĐTM thì làm sao mà đúng và sát thực tế được", ông Kinh nêu quan điểm.
Liên quan đến vụ án trên, Đại tá Nguyễn Minh Tuấn, Giám đốc Công an tỉnh Phú Thọ, khẳng định nếu không ngăn chặn kịp thời hành vi của các đối tượng sẽ dẫn đến đánh giá không đúng tác động đối với môi trường khi dự án đi vào hoạt động, gây ô nhiễm môi trường, suy giảm sức khỏe, thể trạng con người.
Bước đầu, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Phú Thọ xác định các công ty hoạt động tư vấn về môi trường không có máy móc, thiết bị, không có nhân lực chuyên môn về tư vấn môi trường nhưng vẫn thực hiện hoạt động tư vấn, lập hàng trăm báo cáo ĐTM cho các dự án trên địa bàn cả nước, thu lời bất chính hàng chục tỷ đồng.
Những giám đốc công ty môi trường bị khởi tố
Công an tỉnh Phú Thọ thông tin đã ra quyết định khởi tố các bị can, gồm: Nguyễn Thị Quỳnh, Giám đốc Công ty TNHH TQB Phú Thọ; Bùi Trung Quân, Giám đốc Công ty TNHH Môi trường SETECH, Hà Nội; Đinh Thị Diệu Linh, nhân viên Công ty CP EJC Chi nhánh Phú Thọ; Giám đốc Công ty môi trường LT, Hà Nội; Đỗ Trung Đức và Nguyễn Văn Tản, Giám đốc và Chủ tịch HĐQT Công ty CP Liên Minh môi trường và xây dựng, Hà Nội; Trần Minh Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH G&T Phú Thọ; Nguyễn Trần Mạnh, Giám đốc Công ty CP dịch vụ và phát triển Trường Thành, Hà Nội.
Ngoài ra, công an đã khởi tố ông Nông Đức Di, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Kạn; Ngô Thị Mai, Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Phú Thọ; Triệu Quý Hợi, Phó Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp, Trung tâm quan trắc và bảo vệ môi trường thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Phú Thọ; Nguyễn Mạnh Hà, Phó Trưởng phòng môi trường thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Kạn.
Những bị can trên bị khởi tố về các tội danh khác nhau như Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức, Giả mạo trong công tác, Đưa hối lộ và Nhận hối lộ.