1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Những phút giây ngắn ngủi và vô vọng

(Dân trí) - Những ngày qua, nhiều người dân ở làng La Mai, Ninh Bình vẫn kiên trì ngồi bên chiếc điện thoại nhà chị Đinh Thị Thu, chị gái của chị Đinh Thị Bình, một lao động Việt Nam đang kẹt tại Libăng. Một người bảo, nguồn sống duy nhất của chúng tôi lúc này là nó, người khác lại nói, người thân “mất tích” thì sống sao nổi!

Tuy biết chiếc máy điện thoại đã hoạt động quá sức - suốt 15 ngày ròng rã, bất kể đêm ngày - nhưng chủ nhân của nó không đành tắt máy trước những đôi mắt lạc thần đang dán vào nó, đợi chờ…

 

Khi chúng tôi đặt vấn đề được trực tiếp nói chuyện với những người bị mất liên lạc, mọi người tại nhà chị Thu đồng loạt nói: “Nếu chú nói được tiếng Anh, tiếng Pháp thì nói hộ bọn tôi mấy câu... chứ chúng tôi nói tiếng Pháp bồi, họ toàn dập máy không nghe”. Cuối cùng, chúng tôi cũng có cuộc nói chuyện ngắn ngủi với chủ nhà của chị Tống Thị Thoa:

 

- Chúng tôi là thân nhân của chị Thoa tại Việt Nam, rất mong ông bà cho chúng tôi nói chuyện với chị Thoa!?

 

- Hiện tôi đang bận. Mong các bạn hãy yên tâm, đừng lo lắng, chị Thoa vẫn khoẻ... Các bạn không nên tin vào những gì trên truyền hình.

 

- Chúng tôi đang rất mong chị Thoa sớm được trở về nhà…

 

- Ngay khi sân bay Beirus mở cửa trở lại, chúng tôi sẽ tạo điều kiện để chị Thoa trở về nhà được an toàn. Đường lên phía bắc hiện rất không an toàn…

 

(Mất liên lạc)

 

 

Những phút giây ngắn ngủi và vô vọng - 1
 

Những khuôn mặt thất thần của
người thân chị Bình, chị Thoa.

Chúng tôi tiếp tục bấm số máy điện thoại di động của người chủ gia đình chị Đinh Thị Bình, một người lao động Việt Nam tại Beirus. Tắt máy. Chưa hết hy vọng, chúng tôi tiếp tục nối máy tới số máy cố định. Có tiếng chuông. Chừng hơn một phút sau, có tiếng một người đàn ông cất lên nặng nề:

 

- Xin chào. Ai đó?

 

- Xin lỗi đã làm phiền ông, chúng tôi là thân nhân của chị Bình, chúng tôi rất mong…

 

Tút… tút… tút… (tắt máy)!

 

Để tiếp tục tìm câu trả lời cho những trường hợp mất liên lạc nêu trên, chúng tôi đã gọi điện thoại đến ông Trần Việt Tú, tham tán sứ quán Việt Nam tại Ai Cập, hiện đang có mặt tại Beirut (Libăng) tổ chức việc sơ tán.

 

Ông Tú cho biết, khoảng 8 giờ sáng 2/8 (12h Hà Nội), 65 lao động Việt Nam đầu tiên sẽ từ Beirut sơ tán sang Tartus của Syria bằng xe buýt. Từ đây, lao động sẽ đáp máy bay tại sân bay Damas để về nước, nếu mọi việc trơn tru thì ngày 4/8 sẽ về tới Việt Nam, tuy nhiên mọi việc phụ thuộc rất nhiều vào việc báo danh sách bị muộn.

 

“Phải nói thực là danh sách hiện vẫn nằm đây chưa báo được cho IOM (Tổ chức di dân quốc tế) để họ mua vé. Chúng tôi đã đặt chỗ được rồi nhưng hiện vẫn chưa thể giải quyết được… có thể không đi được tất cả trong đợt này do có khó khăn về số lượng vé từ Damas để về nước”.

 

Trả lời về việc hiện một số lao động Việt Nam đang bị “giam lỏng” không thể liên lạc với người thân cũng như với các tổ chức đưa người Việt về nước, như trường hơp của chị Bình (làng La Mai, Ninh Bình) ông Tú nói rằng: Chúng tôi đã nắm được danh sách một số trường hợp như thế này. Với riêng trường hợp như chị Đinh Thị Bình (Ninh Bình)… chúng tôi đã cố gắng liên lạc nhiều lần với chủ lao động qua số điện thoại gia đình và anh em bên này cung cấp nhưng không thể vì họ nghe thấy tiếng người Việt là dập máy không nói chuyện nữa.

 

"Đáng lý ra, những công ty đầu mối cung cấp lao động Việt Nam phải có trách nhiệm trước vấn đề này. Thời gian tới có thể chúng tôi sẽ làm việc với các đầu mối cung cấp lao động và thông qua công ty tuyển dụng lao động của Libăng, qua đó tìm đến các gia đình nhà chủ. Thực tế có những trường hợp tương tự như chị Vọng (chưa rõ quê quán) đã đi 5 năm nay mà chưa hề có liên lạc gì", ông Tú nói.

 

Phúc Hưng - Hồng Hạnh