1. Dòng sự kiện:
  2. Thảm họa lũ quét Làng Nủ
  3. Mưa lũ lớn ở miền Bắc

17 người Việt từ Libăng đã về nước an toàn

(Dân trí) - Chiều nay, chuyến máy bay chở 17 lao động Việt Nam từ Libăng đã về đến Hà Nội trong sự chờ đón của người thân. Trong chuyến di tản cuối cùng này có anh Bùi Văn Dũng, người mà trong thời gian xảy ra chiến sự đã là đầu mối tích cực để liên hệ với người Việt muốn về nước.

Trò chuyện với Dân trí ngay khi vừa xuống sân bay, anh Dũng cho biết: “Do nhiều đoạn đường đi sang Syria đã bị phá huỷ nên chúng tôi phải đi đường vòng và chậm mất một ngày về so với dự kiến, nhưng tất cả đều rất vui vì đã về Việt Nam an toàn”.  

Anh có thể cho biết tình hình ở Libăng hiện nay như thế nào và tại sao vẫn còn nhiều người Việt Nam chưa về nước?

Hiện tại những vùng ở phía Bắc Libăng vẫn còn an toàn, chỉ có phía Nam mới bị đánh ác liệt. Những người chưa về Việt Nam là một số người đã di tản cùng với chủ nhà đến nơi ẩn náu. Còn một số người khác họ chưa muốn về, muốn ở lại làm, kiếm thêm ít tiền vì về nhà không có việc làm.

Bên cạnh đó, có những người bị chủ nhà giữ lại. Những trường hợp này, chúng tôi đã tìm mọi cách nói chuyện với chủ nhà, có người thì cho lao động về, có chủ nhà cương quyết không cho về.

Có những trường hợp phải đích thân Tham tán Trần Việt Tú giới thiệu chúng tôi là đại diện của Chính phủ Việt Nam sang đưa người Việt Nam có nguyện vọng về nước để ra khỏi vùng chiến tranh thì họ mới cho về. Nhiều chủ nhà còn trả lời rất mất lịch sự, tôi rất buồn.

Khi chiến sự xảy ra, tâm trạng của các lao động Việt Nam ở bên đó như thế nào?

Rất bình tĩnh. Lúc đó, một số người Việt cũng đã liên lạc với nhau và nghĩ cách như để ra khỏi Libăng như nhờ báo chí thông tin để Chính phủ Việt Nam giúp đỡ. Ngay sau đó, anh Trần Việt Tú, Tham tán Đại sứ quan Việt Nam tại Ai Cập đã sang kịp thời giúp đỡ chúng tôi về nước. 

Người Việt mình sống rải rác rất nhiều nơi ở Libăng, vậy bằng cách nào anh liên lạc được với họ?

Tôi từng ở Libăng 12 năm, trước khi sang tôi làm rất nhiều nghề. Sau đó, tôi cũng là một trong những đầu mối đưa người Việt Nam sang Libăng lao động. Trong thời gian họ ở bên đó, tôi thường xuyên liên lạc và có trách nhiệm chăm lo cho họ. Do đó, cộng đồng người lao động ở đây biết tôi quá rõ.

Khi chiến sự xảy ra, tôi đã liên lạc với tất cả những người lao động mình đưa sang và phân tích, giải thích tình hình để đưa họ về nước. Cùng với những người này, tôi đã hỏi địa chỉ, số điện thoại của những người lao động Việt Nam khác mà tôi chưa biết để liên hệ đưa họ về Việt Nam an toàn. Tôi nghĩ mình sống phải có cái tâm. Và, đây cũng là trách nhiệm của tôi vì đưa người lao động sang.

Nhưng cũng có những lao động mà tôi không biết vì khi họ hết hạn lao động 2 năm trở về nước, sau đó họ có mối lại tiếp tục sang. Nên khi chiến sự xảy ra, người nhà ở Việt Nam gọi sang chúng tôi cũng không biết địa chỉ như thế nào để liên lạc.  

Anh đã liên hệ được bao nhiêu người?

Tôi liên hệ được khoảng 120 người. 

Vậy kinh phí cho những cuộc liên lạc đó?

Hoàn toàn do tôi bỏ tiền túi ra và đi đưa đón mọi người. Có những người tôi phải liên hệ rất nhiều lần người ta mới về. Tôi nghĩ đây là cơ hội tốt nhất để di tản mọi người ra khỏi vùng chiến tranh nên không quản ngại khó khăn, vất vả. 

Được biết, trong thời gian chiến sự xảy ra, anh là đầu mối cung cấp thông tin về Việt Nam và cũng là người cung cấp danh sách những người lao động Việt Nam tại Libăng? 

Tôi liên lạc với các đầu mối đưa lao động ở Việt Nam sang và tìm những bạn bè ở đó cùng giúp đỡ. Khi tham tán Trần Việt Tú sang, tôi đã cung cấp danh sách, địa chỉ, số điện thoại của những lao động Việt Nam mà tôi biết đưa cho anh Tú và cùng anh Tú thường xuyên trao đổi và liên lạc với các lao động Việt Nam ở Libăng.  

Anh đã lên kế hoạch của mình khi về Việt Nam? 

(Cười) Hiện tại, tôi chưa có kế hoạch nào cho mình.

Xin cảm ơn anh! 

Ngoài niềm vui của những gia đình có người thân về nước đợt này, có một gia đình lại ra về với nỗi buồn trĩu nặng. Đó là gia đình ông Đỗ Văn Lũi ở Phúc Thọ, Hà Tây. Nhiều ngày mong ngóng tin tức con từ Libăng, đến đợt di tản lần thứ 2 này, ông mừng rỡ khi thấy có tên con trong danh sách trở về.

Hôm qua (10/8), do không biết thông báo chuyến di tản từ Libăng về Việt Nam chậm một ngày nên ông đã cùng gia đình thuê xe lên sân bay đón. Ngày hôm nay, ông lại cùng gia đình thuê xe và mua hoa để tặng con gái của mình là Đỗ Thị Mùi (26 tuổi) về nước an toàn. Nhưng khi tất cả 17 người ra lao động rời khỏi sân bay, ông chờ mãi không thấy con gái mình đâu, đành ngậm ngùi ra về.

Theo anh Bùi Văn Dũng, trước ngày về 3 hôm, chị Mùi đã đến chỗ anh chơi nhưng khi hỏi có về cùng đợt này không thì chị còn lưỡng lự, sau đó không liên lạc lại nữa. Về đợt này là chị Nguyễn Thị Mùi chứ không phải là Đỗ Thị Mùi và danh sách do gửi về nước trước khi di tản nên không kịp sửa.

Hồng Hạnh