1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Người về kể lại cuộc chiến phía sau lưng

(Dân trí) - “Tôi 29 tuổi, chưa từng nghe tiếng bom đạn, bây giờ thấy thì sợ kinh hồn. Suốt hai tuần tôi ở lì dưới tầng hầm của căn nhà, không dám lên tầng trên và có nhiều ngày không hề biết đến giấc ngủ” - Chị Trần Thị Anh, người vừa rời khỏi vùng chiến sự ở Libăng kể lại.

Cách bom đạn trong gang tấc

 

“Thoát chết rồi” là câu đầu tiên chị Anh thốt lên trước khi nhào vào ôm những người bạn trở về trước (trong chuyến bay hôm qua). Khóc, khóc và… không dừng được khóc là trạng thái của chị trong gần 20 phút trả lời báo chí.

 

Chị Anh làm thuê cho một chủ nhà ở Hamat-batRoun. Cách nhà chị làm thuê không xa có một sân bay nhỏ, một đồn lính và ngày đầu tiên của cuộc chiến chị đã nghe thấy tiếng bom ở cự li khá gần. 

 

Trong những ngày tiếp theo, ngày nào chị cũng nghe thấy tiếng bom đạn và nhất là tiếng máy bay gầm réo trên bầu trời. Nhiều lúc có cảm giác máy bay như chao lượn ngay sát trên mái nhà chị đang trú ngụ.

 

Khủng khiếp nhất với chị là khi ba quả bom rơi xuống vị trí cách ngôi nhà chị đang ở khoảng 0,5 km. Khá lâu sau đó chị Anh cùng một người Philippines mới dám lên tầng 3 của ngôi nhà để hướng mắt về nơi bom rơi. Lúc ấy khói vẫn mịt mùng cả một không gian rộng lớn… “Người chết” là điều chị được thông tin sau đó.

 

Nhưng đó chỉ là một khoảnh khắc hiếm hoi chị có mặt trên tầng cao của ngôi nhà. Trong suốt những ngày sau đó, chị Anh cùng những người trú ngụ trong ngôi nhà chỉ ở lì dưới tầng hầm, căng thẳng và liên tục mất ngủ…

 

Khi nghe được thông tin có người của Đại quán sứ quán Việt Nam từ Ai Cập sang, chị Anh ngồi trực bên chiếc điện thoại suốt một ngày, quên cả ăn uống. Tình huống này khiến chủ nhà tưởng chị sẽ bỏ trốn nên đóng chặt cửa, đề phòng.

 

Ngay cả khi được giải thích, bà chủ nhà vẫn không tin và lớn tiếng: “bom đạn thế này, làm gì có ai sang đây? Cô không được rời khỏi nhà tôi”. Quá trình thuyết phục bà chủ để được ra về diễn ra dai dẳng và cam go trong nhiều giờ và qua nhiều cuộc khẩu chiến. Thậm chí, có lúc nghĩ liều, chị Anh hỏi thành thật: “Nếu không có hộ chiếu, cháu có về được không?”.

 

 

Người về kể lại cuộc chiến phía sau lưng - 1
 

Chị Trần Thị Anh hồi tưởng lại
những phút giây kinh hoàng.

Cho dù bà chủ đã rục rịch ra nước ngoài, nhưng cũng chưa muốn cho chị đi lúc này, với quan điểm: “Nếu tôi ở vào tình cảnh kề cận với cái chết thì cô cũng phải như vậy”. “Nhưng tôi còn chồng con”, chị Anh đáp lại đầy cương quyết.

 

Phải đến khi nghe được điện thoại của người Việt Nam đến giúp những người lao động ở Libăng và cũng đã nản với thái độ quyết liệt của chị Anh, bà chủ nhà mới xuống thang. Hộ chiếu, tiền lương được bà chủ trao cho chị Anh và cuộc trở về của chị diễn ra mau lẹ ngay sau đó. Tiếng bom đạn nổ suốt chặng đường, nhưng chị Anh tâm sự, rất hiếm khi chị ngoái lại nhìn khói lửa…

 

Không còn hồn vía…

 

Có lẽ chị Đinh Thị Phương là một trong những người người hiểu nhiều nhất về bom đạn ở Libăng trong đoàn trở về lần này. Chị Phương làm thuê ở Sai-da và có tới 20 ngày sống trong tiếng bom đạn gần kề.

 

Đã có lần bom nổ ở cách nhà chị chừng nửa cây số. Ngôi nhà chị đang ở như nghiêng ngả, trong khi ở khu vực bom nổ khói nghi ngút, những ngôi nhà cao lớn sụp xuống, những tấm kính của các căn nhà bị ảnh hưởng vỡ tung toé…

 

Chưa từng biết về chiến tranh nên chị Phương không thật rành về tiếng đạn, tên lửa hay bom. Chỉ có một điều chị hoàn toàn chắc, ấy là những gì chị được chứng kiến đều từ “trên trời” rơi xuống.

 

Cũng giống như chị Anh, chị Phương bị chủ nhà giữ chặt. Thậm chí lúc đầu chủ nhà của chị Phương tỏ ra rất cương quyết: “chủ đi nước khác thì người làm thuê cũng phải đi cùng”.

 

Vận dụng nhiều phương pháp đấu tranh khác nhau, cuối cùng chị Phương cũng nhận được cái gật đầu miễn cưỡng của chủ nhà. Không ai đưa tiễn, chị tự xoay sở, bắt taxi đi tới vùng tập kết. Suốt chuyến đi này, chị chứng kiến nhiều đoạn đường “vỡ” cùng nhiều ngôi nhà đổ nát.

 

“Một chặng đường ngắn, nhưng có thừa sự kinh hãi”, chị Phương nói mà không giấu nổi sự hoảng sợ. Có những lúc, ôtô đi trước, tiếng bom đạn nổ ngay sau lưng… Chị diễn tả lại cảm xúc lúc ấy là “không còn hồn vía nào”.

 

Không dành nhiều thời gian cho phóng viên, nhưng chị Phương nhiều lần nói tới từ cảm ơn với những nỗ lực của những người có trách nhiệm. Trước khi bước lên taxi trờ về nhà chị vẫn ngoái lại: “Còn nhiều người bị kẹt lại vì bị chủ nhà gây khó dễ… không biết lúc nào mới thoát ra được”.

 

Cấn Cường - Hồng Hạnh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm