1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Chưa có danh sách người Việt rời Libăng đợt 2

(Dân trí) - Đêm qua, trao đổi với Dân trí ông Trần Việt Tú - Tham tán sứ quán Việt Nam tại Ai Cập cho biết, ngày 5/8 sẽ có 40 người về Việt Nam tiếp tục hành trình về nước. Dự kiến sau 14 giờ thì sẽ về đến Hà Nội.

Thưa ông, có thông tin cho rằng chỉ có 8 người Việt rời khỏi Libăng trong đợt 2?

 

Hiện chưa có danh sách cụ thể. Tôi mới có danh sách về của 6 người, nói chung đều khó khăn vì đang can thiệp với chủ để đưa họ ra. Chúng tôi đã phối hợp IOM để đưa thêm người ra, có thể là 10 người. Nói chung họ rất khó khăn, vì khi họ đồng ý cho về nhưng hỏi về giấy tờ để lao động về thì họ gây khó dễ. Hy vọng là họ chỉ gây khó dễ chứ không thay đổi ý kiến.

 

Với những trường hợp được cho là “mất tích” thì đã có thông tin gì chưa, thưa ông?

 

Một số trường hợp người nhà gọi điện sang là mất tích, thông tin mất tích đã 3 năm nay rồi, tôi cũng cố tìm để đưa về.

 

Trường hợp chị Đinh Thị Bình, chủ nhà đã đồng ý rồi nhưng vẫn cứ nói đang ở núi này, núi nọ để tránh tiếp xúc. 3 hôm nay tôi đã liên hệ liên tục, ông chủ đã nói thứ 7 về và cho số hộ chiếu. Ngoài ra còn trường hợp chị Hoàng Thị Nguyệt và em chồng là Đặng Thị Hiền đã bặt tin 3 năm nay. Hai người cùng làm cho một nhà người hồi giáo. Tuy nhiên địa chỉ mà gia đình cung cấp chỉ là hộp thư nên rất khó tìm. Trường hợp khác là Nguyễn Thị Thanh Nga ở Hà Tây, gia đình đã nhiều lần điện thoại yêu cầu ĐSQ tìm khẩn cấp và yêu cầu Nga phải về ngay.

 

Trước đây có chị Đặng Huyền Nga và Lê Thị Thu đã liên hệ nhưng chủ nhất quyết không cho đi. Trường hợp này tôi cũng liên hệ nhiều lần rồi nếu về thì sẽ đến đón đi.

 

Ngoài ra trong danh sách còn có 5 trường hợp không thể liên lạc. Đó là các chị Đoàn Thị Hồng, Nguyễn Thị Lê, Trần Thị Hạnh, Vũ Thị An, Phan Thị Thành.

 

Trong khi tình hình chiến sự tại Libăng đang ngày càng phức tạp thì hành trình so với đợt 1 có gì thay đổi không?

 

Tình hình chiến sự đang rất tệ. Từ hôm qua đến hôm nay Israel lại đánh nhiều hơn. Hôm nay 4 cây cầu phía bắc Beirut đã bị đánh sập, những tuyến đường sang Syria cũng đang bị đánh bom. Một số thông tin nói đường quốc lộ vẫn đi được, nhưng nhiều nguồn tin khác cho biết là đã hư hỏng và không thể đi lại, nếu không thoát nhanh thì gay go. Có thể lúc đó ta sẽ tổ chức đi đường biển qua đảo Sip.

 

Nhưng trước mắt hành trình vẫn là: Damas (Syria) - Doha (Qatar) - Bangkok (Thái Lan) - Hà Nội. 

 

Trách nhiệm của những “môi giới” lao động  đến đâu trong chiến dịch di tản lần này vì trên thực tế nhiều trường hợp lao động Việt Nam sang Libăng là qua môi giới người Việt?

 

Theo tôi được biết mỗi người Việt Nam sang Libăng phải mất 1.100 đến 1.500USD. Thực tế những ngày qua có một số người môi giới tỏ ra rất thiếu trách nhiệm trong việc giúp đỡ đồng bào trong cơn nguy khốn, trong đó có cả những người thường xuyên nói rất to.

 

Những người này, đưa người sang như thế nào và ăn chia như thế nào thì tôi không biết. Nhưng sang đây thì “đem con bỏ chợ”, người ta làm gì cũng mặc, không quan tâm gì cả.

 

Trong tình thế nước sôi lửa bỏng thế này một số cá nhân người Việt bên này lại lợi dụng để trục lợi bản thân, gây nhiều khó khăn cho chiến dịch di tản về quên nhà.

 

Việc mua vé máy bay có thuận lợi không, thưa ông?

 

Đây cũng chính là cái khó khăn nhất. Chính phủ đã có chỉ thị di tản người đi càng nhanh càng tốt nhưng vì tình trạng khan hiếm vé ở Damas nên mọi người phải chờ. Đây là nơi tập trung dân di tản từ nhiều quốc gia khác. Ngoài mình ra còn hàng vạn người của các nước khác, họ chuyển hàng nghìn người qua biên giới nên bây giờ dồn cục lại. Philippines, Bangladesh, Srilanka... cũng đi theo con đường như mình. Ngay cả vé của tôi họ cũng bắt phải chờ vì chưa có.

 

Phạm Hưng - Hồng Hạnh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm