Nhớ thầy Phan Huy Lê
(Dân trí) - Gần nửa thế kỷ đã trôi qua, thế hệ chúng tôi, những học trò của thầy ngày ấy nay đã nghỉ hưu, nhưng những kiến thức chuyên ngành, kiến thức phương pháp luận khoa học, cùng với sự trung thực nghiêm túc của người học sử và nghiên cứu lịch sử... mà thầy Phan Huy Lê dạy chúng tôi ngày ấy, luôn luôn cùng chúng tôi đồng hành trên bước đường sự nghiệp.
Cách nay 45 năm, chúng tôi nhập học năm thứ nhất Khoa Lịch Sử trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Thời ấy Khoa Lịch Sử, Khoa Ngữ Văn mới từ nơi sơ tán trở về Mễ Trì sau Hiệp định Pa - ri.
Cạnh nhà ăn của Ký túc xá ngày đó vẫn còn hố bom to tướng, sâu hoắm... Sinh viên năm nhất háo hức với giờ học đầu tiên ở giảng đường đại học. Tiết học, môn học đầu tiên là Lịch sử cổ đại Việt Nam do thầy Phan Huy Lê giảng. Ngày ấy thầy mới ở tuổi 40 nhưng đã cùng với các thầy Đinh Xuân Lâm, Trần Quốc Vượng, Hà Văn Tấn là "tứ trụ" của ngành khoa học lịch sử của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội.
Mới học hết kỳ một năm thứ 2 thì có lệnh tổng động viên vào quân đội, chuẩn bị cho chiến dịch mùa xuân năm 1975, tôi cùng nhiều sinh viên lên đường nhập ngũ. Sau chiến thắng mùa xuân năm 1975 lại đến chiến tranh biên giới phía Nam, phía Bắc. Hơn 5 năm sau tôi được quân đội cử về học tiếp chương trình đại học tại Khoa Lịch sử của trường.
Trở lại trường với niềm vui, niềm khát khao được học tập, tôi gặp lại thầy Phan Huy Lê, lúc đó thầy là chủ nhiệm bộ môn Cổ trung đại Việt Nam. (Lại nữa có thêm thầy Nguyễn Quang Ngọc cùng quê Vĩnh Bảo Hải Phòng là giáo viên trẻ bộ môn). Kính trọng yêu mến tài năng các thầy nên khi phân ban, tôi không đắn đo chọn ngay chuyên ban Lịch sử Cổ trung đại Việt Nam.
Giờ học chuyên ban đầu tiên cũng lại do chính thầy Lê dạy chúng tôi. Khi ấy thầy Lê mới đi dạy ở Pháp về, thầy áp dụng ngay cách dạy mới. Đặc biệt là việc sơ đồ hóa phân kỳ lịch sử, cách tổ chức bài học rất khoa học nên người học dễ nhớ, dễ nhận rõ dòng chảy lịch sử nhân loại, lịch sử Việt Nam.
Hơn hai năm học chuyên ban cũng là thời gian tôi được học thầy, gần gũi thầy nhiều. Không chỉ gặp thầy ở lớp mà tôi còn được nhiều lần đến nhà thầy để nộp bài luận cho cả lớp, đồng thời xin thầy chỉ bảo, gợi ý cho đề tài khoa học.
Là sinh viên đến nhà thầy với hai bàn tay trắng, nhưng bao giờ chúng tôi cũng được thầy và cô Lan vợ thầy ân cần, đón tiếp, hỏi han chuyện học hành, sinh hoạt, hoàn cảnh gia đình, dự định công việc tương lai vv... Sau này khi ra công tác, tôi thỉnh thoảng lại đến nhà thăm thầy... Ấn tượng về không khí ấm cúng thân tình trong căn phòng khách nhà thầy cô đọng lại mãi trong tôi!
Mới chập chững làm nghiên cứu lịch sử, nên những ý kiến ngày ấy của chúng tôi trong các tiểu luận, luận án có khi còn non, có khi chưa đúng, tuy vậy vẫn luôn được thầy trân trọng và khích lệ. Thầy Nguyễn Quang Ngọc gợi ý cho tôi làm đề tài tốt nghiệp là "Chiến trường Lãng Bạc trong cuộc kháng chiến của Hai Bà Trưng".
Ngày bảo vệ luận án của tôi, thầy Lê làm phản biện, thầy phân vân về địa danh Lãng Bạc Thượng. Nhưng sau này trong giáo trình Lịch sử Việt Nam, thầy vẫn đưa luận án tốt nghiệp của tôi như là một trong những ý kiến khoa học. Cử chỉ tôn trọng và trung thực đến tận cùng với một cậu học trò nhỏ bé ngày ấy khiến tôi vô cùng cảm kích, vô cùng kính nể nhân cách một người thầy!
Khi tôi làm ở tạp chí Lịch sử Quân sự Việt Nam, thầy làm chuyên gia tư vấn cho tòa soạn, thầy thường gợi ý cho tạp chí về các đề tài lịch sử chống ngoại xâm..., thầy luôn tận tâm chỉ bảo và trực tiếp viết nhiều bài.
Lần cuối cùng tôi mời được thầy giảng dạy là thời gian chuẩn bị cho lễ Kỷ niệm một nghìn năm Thăng Long - Hà Nội. Bộ Văn Hóa giao cho Cục báo chí phối hợp với Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức cung cấp cho phóng viên kiến thức về Thăng Long - Hà Nội. Bộ tổ chức hai lớp tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Tôi và các nhà báo một lần nữa được thu nhận kiến thức của thầy trong niềm hân hoan khôn tả.
Gần nửa thế kỷ đã trôi qua, thế hệ chúng tôi, những học trò của thầy ngày ấy nay đã nghỉ hưu, nhưng những kiến thức chuyên ngành, kiến thức phương pháp luận khoa học, cùng với sự trung thực nghiêm túc của người học sử và nghiên cứu lịch sử... mà thầy Phan Huy Lê và các thầy khoa Lịch sử Đại học Tổng hợp dạy chúng tôi ngày ấy, luôn luôn cùng chúng tôi đồng hành trên bước đường sự nghiệp, giúp chúng tôi vững vàng trong cuộc sống. Riêng bản thân tôi, nền tảng tri thức và nhân cách ấy thật gần gũi và thân thiết cho công việc làm báo mấy chục năm qua.
Hôm nay thầy ra đi, ký ức về một người thầy mẫu mực bỗng ùa về. Nhớ sao những buổi học trên lớp, những ngày tháng đi thực tập, những buổi liên hoan của đám sinh viên nghèo chỉ có quà quê sau kỳ nghỉ hè,... mà thầy Phan Huy Lê, thầy Phan Đại Doãn, cô Phạm Thị Tâm, thầy Nguyễn Quang Ngọc vẫn vai kề vai bên trò sum vầy vui vẻ.
Vĩnh biệt thầy - tấm gương làm khoa học, nhân cách sống, và sự bao dung với lớp lớp học trò!
Hoàng Hữu Lượng