Giáo sư Phan Huy Lê qua đời ở tuổi 85

(Dân trí) - Chiều ngày 23/6, Giáo sư sử học Phan Huy Lê đã qua đời tại bệnh viện Bạch Mai vì bệnh tim, hưởng thọ 85 tuổi.

GS Phan Huy Lê sinh năm 1934 tại làng Thu Hoạch, xã Thạch Châu, huyện Thạch Hà (nay là huyện Lộc Hà), tỉnh Hà Tĩnh.

Ông là hậu duệ đời thứ 14 của dòng họ Phan Huy vốn nổi danh về khoa bảng với những tên tuổi lớn như Phan Huy Cẩn, Phan Huy Ích, Phan Huy Thực, Phan Huy Vịnh, Phan Huy Chú…

Cụ thân sinh ra ông là Phan Huy Tùng, từng làm quan trong triều đình Huế. GS Phan Huy Lê được đánh giá là một trong những chuyên gia nghiên cứu lịch sử hàng đầu của Việt Nam.

Sau khi tốt nghiệp đại học, ông được giữ lại làm trợ lý tập sự tại Khoa Lịch sử, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Đại học Quốc gia Hà Nội), dưới sự dẫn dắt của GS Đào Duy Anh.


GS Phan Huy Lê.

GS Phan Huy Lê.

Chỉ hai năm sau, ông được giao nhiệm vụ làm Chủ nhiệm bộ môn Lịch sử Việt Nam cổ - trung đại và liên tục giữ trọng trách này hàng chục năm liền. Ngoài việc giảng dạy trong nước, ông còn tham gia giảng dạy cho nhiều trường đại học trên thế giới như Đại học Paris (Pháp), Đại học Amsterdam (Hà Lan)...

Từ năm 1988 đến nay, ông liên tục là Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam. Ngoài ra, ông còn là ủy viên của nhiều Hội đồng Quốc gia như Hội đồng Quốc gia chỉ đạo biên soạn Từ điển Bách khoa, Hội đồng Chính sách Khoa học và Công nghệ Quốc gia, Hội đồng Lý luận Trung ương, Hội đồng Khoa học và Đào tạo Đại học Quốc gia Hà Nội, Hội đồng Học hàm Nhà nước, Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia...

Ông là tác giả của hàng trăm công trình nghiên cứu có giá trị về lịch sử, trong đó có những công trình nổi bật như “Chế độ ruộng đất và kinh tế nông nghiệp thời Lê Sơ”, “Lịch sử chế độ phong kiến Việt Nam”, “Khởi nghĩa Lam Sơn”, “Phong trào nông dân Tây Sơn”, “Lịch sử và văn hoá Việt Nam”, “Các giá trị truyền thống và con người Việt Nam hiện nay”, “Tìm về cội nguồn”, “Lịch sử Thăng Long – Hà Nội”…

Năm 2000, ông đã được trao giải thưởng Nhà nước về khoa học – công nghệ với tác phẩm “Tìm về cội nguồn”.

Năm 2016, công trình “Lịch sử và văn hóa Việt Nam - Tiếp cận bộ phận” của ông vừa được trao giải thưởng Hồ Chí Minh danh giá. Đây là công trình duy nhất trong lĩnh vực lịch sử được trao tặng giải thưởng trong đợt này.

Ngày 20 tháng 3 năm 2017, ông Michel Zink, Giáo sư Học viện Kỹ nghệ Pháp và Thư ký trọn đời Viện Văn Khắc và Mỹ Văn Pháp đã trao danh hiệu vinh danh Giáo sư Phan Huy Lê vì sự nghiệp nghiên cứu khoa học xã hội và những đóng góp của giáo sư cho công cuộc bảo tồn di sản lịch sử và văn hóa của Việt Nam.

*** GS Phan Huy Lê được biết đến là một trong tứ trụ huyền thoại "Lâm, Lê, Tấn, Vượng", tức là 4 giáo sư: Đinh Xuân Lâm, Phan Huy Lê, Hà Văn Tấn, Trần Quốc Vượng của khoa Lịch sử, trường ĐH Tổng hợp Hà Nội (nay là trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐH QGHN). 4 người đều là học trò xuất sắc của GS.NGND Trần Văn Giàu.

Trước đó, vào tháng 2/2018, trong lễ ra mắt Quỹ học bổng của cố GS Đinh Xuân Lâm (kỷ niệm 1 năm ngày mất của cố GS Lâm), phát biểu tại buổi lễ, GS Phan Huy Lê bùi ngùi tâm sự: "Lễ ra mắt Quỹ đúng vào ngày sinh nhật của GS Đinh Xuân Lâm, tôi không khỏi xúc động bởi đến nay trong 4 cái tên "Lâm, Lê, Tấn, Vượng" thì GS Vượng ra đi sớm nhất năm 2005, GS Lâm ra đi năm 2017, GS Tấn thì đang ốm rất nặng, còn mình tôi. Biết làm sao được, cuộc sống vốn là như thế. Nhưng bên cạnh sự xúc động và nỗi buồn cô đơn đó thì hôm nay chứng kiến lễ ra mắt Quỹ Sử học Đinh Xuân Lâm đã làm tôi rất vui" – nhưng nay ông đã ra đi.

GS Phan Huy Lê được phong học hàm Giáo sư năm 1980, Nhà giáo Ưu tú (1988), Nhà giáo Nhân dân (1994); được tặng Huân chương Kháng chiến hạng Nhì (1985), Huân chương Lao động hạng Nhất (1998), hạng Nhì (1994), hạng Ba (1974); được tặng Giải thưởng Nhà nước (2000), Giải thưởng Quốc tế Văn hoá châu Á Fukuoka, Nhật Bản (1996), Huân chương Cành cọ của chính phủ Pháp (2002); được trao danh hiệu Công dân ưu tú của Thủ đô (2010), danh hiệu Viện sĩ Thông tấn nước ngoài của Học viện Pháp quốc (2011).

Ông cũng là người xây dựng Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và giao lưu văn hoá, sáng lập khoa Đông phương học của ĐH Khoa học xã hội và nhân văn Hà Nội.

Hồng Hạnh (tổng hợp)