Hậu duệ đời thứ bốn nhà sử học Phan Huy Chú

(Dân trí) - Nhà bác học Phan Huy Chú và Giáo sư, Viện sĩ Phan Huy Lê là hai thế hệ trong một dòng họ, cách nhau bốn đời, trong hơn 150 năm xuất hiện hai nhà sử học lớn - gạch nối hai thời kì lịch sử đất nước…

Lúc 15h chiều 23/6/2018, tôi bàng hoàng nhận tin bác Phan Huy Lê vừa mất lúc 13h6' cùng ngày.

Hơn mười ngày trước, tôi rất may được cùng các chú, con cháu dòng họ Phan Huy ở Hà Nội về thăm nhà thờ cụ Phan Huy Chú ở Sài Sơn (huyện Quốc Oai, Hà Nội). Trong trò chuyện mọi người nhắc và lấy làm tiếc bác Lê không về được vì bác hơi mệt... Hơi mệt thôi. Bệnh của người già... nào ai ngờ… mấy ngày sau bác ra đi.

Nhìn những kỷ vật nơi thờ cụ Phan Huy Chú và các bậc tiền nhân mọi người lại càng thương tiếc bác Lê. Có thể nói hầu như các kỷ vật lưu lại ngôi nhà thờ họ Phan Huy, di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia ở xã Thạch Châu (huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh) và các di tích lịch sử cấp Quốc gia ở Sài Sơn (huyện Quốc Oai, Hà Nội) đều có dấu ấn của hậu duệ đời thứ 14 dòng họ Phan Huy - Giáo sư, Viện sĩ Phan Huy Lê.

Không chỉ là tình cảm và trách nhiệm với tổ tiên, mà trên hết về những đóng góp quan trọng xác thực các tư liệu và bảo vật trải qua mấy trăm năm thăng trầm của dòng họ Phan Huy còn lưu giữ: gồm các văn bản, sắc phong, gia phả là những tư liệu vô giá được dịch, hiệu đính xác minh...; bộ chân dung thờ các cụ tiến sĩ Phan Huy Cẩn, Phan Huy Thực, Phan Huy Ích, và nhà sử học Phan Huy Chú… Những tư liệu và bảo vật còn lại ngày nay và nhiều tư liệu lịch sử quan trọng là do trong những chuyến GS Phan Huy Lê sang Pháp làm việc may mắn được cụ Hoàng Xuân Hãn và đồng nghiệp tìm được ởThư viện Pháp rồi trao lại. Rất nhiều tư liệu lich sử liên quan quá trình phát triển dòng họ Phan Huy một dòng họ khoa bảng với những nhân vật tên tuổi gắn liền với lịch sử dân tộc thế kỷ 17-18.

Giáo sư, Viện sĩ, Nhà giáo nhân dân Phan Huy Lê (1934-2018).
Giáo sư, Viện sĩ, Nhà giáo nhân dân Phan Huy Lê (1934-2018).

Với đời, NGND, GS Phan Huy Lê là người thầy mẫu mực để lại cho đời một thế hệ học trò tài năng trong lĩnh vực Khoa học xã hộii, Khoa học lịch sử.

Với khoa học, Giáo sư Phan Huy Lê là người uyên bác. Ông học nhiều, hiểu rộng, suy xét cẩn trọng, khách quan trước mọi vấn đề lịch sử vốn bị khuất lấp bởi bao biến động thời cuộc.

Tròn 85 năm tuổi đời, hơn 65 năm học tập, nghiên cứu, giảng dạy, Giáo sư, Viện sĩ Phan Huy Lê để lại cho đời một pho sử đồ sộ hiếm có nhà sử học đương đại nào sánh kịp. Công trình nghiên cứu, trước tác ông để lại xếp cao hơn chiều cao tác giả, trong đó có hai bộ sách được tặng giải thưởng Nhà nước và giải thưởng Hồ Chí Minh.

GS, Viện sĩ Phan Huy Lê là hậu duệ đời thứ 14 dòng họ Phan Huy, là hậu duệ đời thứ 4 nhà sử học, nhà bác học Phan Huy Chú.

Cụ Phan Huy Chú (hậu duệ đời thứ 10 dòng họ Phan Huy) sinh thời học rộng hiểu sâu, nhưng hai lần ứng thí chỉ đậu tú tài. Giã từ con đường khoa bảng, cụ về núi Thầy lập am "Mười năm cài cửa không tiếp khách" dồn tâm lực viết bộ "Lịch triệu hiến chương" - bộ bách khoa toàn thư" đầu tiên của Việt Nam.

Còn Giáo sư, Viện sĩ Phan Huy Lê 24 tuổi đã là người đứng đầu khoa Lịch sử trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, tiến thân vững chắc trên con đường nghiên cứu giảng dạy và trước tác.

Con đường của GS, Viện sĩ Phan Huy Lê - hậu duệ đời thứ 4 của cụ Phan Huy Chú có sự trùng hợp lạ kỳ: Cụ Phan Huy Chú không qua con đường khoa bảng trở thành nhà bác học hơn hai thế kỷ trước. Còn hậu duệ - GS, Viện sĩ Phan Huy Lê không làm bằng Tiến sỹ trở thành Giáo sư, Viện sĩ, Nhà giáo nhân dân.

Hai thế hệ, một dòng họ cách nhau bốn đời, hơn 150 năm xuất hiện hai nhà sử học lớn - gạch nối hai thời kì lịch sử đất nước.

Cần Thơ ngày 25/6/2017

Phan Huy Thàng

(Hậu duệ đời thứ 16 dòng họ Phan Huy)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm