Từ trưa 6/1, khi nghe tin anh Hùng về, bà con chòm xóm đã đến chật nhà chúc mừng.
"Tôi đã nghĩ mình thế là hết"
Đón chúng tôi là một người đàn ông có dáng người cao ráo, sáng sủa, cư xử rất lịch thiệp, ân cần, liên tục chào hỏi và thậm chí dắt xe cho khách. Đó là anh Đậu Ngọc Hùng - thủy thủ tàu Vinalines Queen sống sót duy nhất cho đến thời điểm này, vừa trở về đoàn tụ với gia đình vào chiều ngày 6/1.
Anh Hùng sum vầy bên vợ con.
Bên ấm trà ấm, anh Hùng kể lại câu chuyện mà suốt từ giây phút đầu tiên đặt chân về quê hương, anh đã nhắc đi nhắc lại bao lần.
4 giờ sáng ngày 25/12/2011, sau ca trực đêm, anh trở về phòng ngủ. 6 giờ, đài chỉ huy bỗng phát tín hiệu báo động. Toàn bộ thủy thủ tập trung tại buồng lái. Anh được phân công chạy lên phía trên boong tàu mở xuồng cứu sinh. Bỗng tàu nghiêng mạnh rồi chìm với tốc khủng khiếp. Lực hút của nước hút con tàu rất mạnh.
Anh cùng mọi người đã chìm theo con tàu. Áo phao trên người cũng bị lực hút con tàu đánh phá tan tành. Hoảng loạn anh cố gắng bơi thật lực rồi lấy hết sức cố ngoi lên mặt nước. Và trong giây phút sinh tử ấy, anh phát hiện cách đó chừng 5m có một phao bè đã mở. Đây là loại phao được thiết kế khép kín, lúc gặp nước tự bung ra. Anh bơi đến chui vào trong. Chiếc phao chỉ chống chọi với sóng gió được một ngày một đêm.
Anh Hùng đon đả dắt xe cho bà con đến thăm hỏi.
Ngày 26/12, ngày thứ hai trên biển: Khoảng 5 giờ sáng, phao rung mạnh bởi những con sóng biển cao 5-6m, chiếc phao lật úp. Anh vội cầm chiếc đèn pin được trang bị sẵn trong phao đeo vào cổ. Phao bị một con sóng hất lên cao rồi lật ngược. Anh cố thoát ra ngoài và nghĩ: "Thế là hết!". Trong ánh sáng mờ mờ, anh soi đèn pin khắp 4 hướng và phát hiện một sợi dây neo cột vào đuôi phao bè. Anh tự nhủ "Xuồng cứu sinh đây rồi". Và khi đó động lực lớn nhất để anh chiến thắng thần chết là cha mẹ, vợ con.
Anh Hùng: "Đây là may mắn lớn trong cuộc đời..."
Anh vừa bơi vừa lần theo sợi dây, khoảng 50m thì gặp xuồng. Loại xuồng này dài khoảng 5m dùng cho 25 người, thiết kế hình bầu dục khép kín, có 3 cửa. Xuồng có hai đáy, đáy dưới là bộ phận máy, phần trên là chỗ cho người ngồi. Trên xuồng có lương khô, mì tôm, nước ngọt và la bàn đi biển. Do va đập với tàu lớn. Nước ngập hết máy không khởi động được nên không thể điều khiển, nó trôi tự nhiên. Xuồng có hai dây, một dây liên kết với phao cứu sinh, một dây dự phòng. Anh chui vào dựa mạn xuồng nghỉ lấy sức. Thêm một ngày đêm nữa trôi qua.
Ngày thứ 3 - 27/12: Anh bắt đầu mệt lả. Nhìn gió lớn, sóng cao 5-6m, mất phương hướng, anh lịm đi phó mặc cho số phận. Trong miên man vô thức, anh mơ thấy cha mẹ, nghe thấy những lời yêu thương với vợ, nghe tiếng con gái gọi "ba, ba…" Anh bừng tỉnh thì thấy sóng lên cao đập vào xuồng bồm bộp...
Từ ngày anh Hùng về, cô con gái 4 tuổi không rời xa bố nửa bước
Ngày thứ 4: Rét lắm, tinh thần anh bắt đầu bạc nhược, toàn thân rã rời vết thương sưng tấy đau không chịu nổi. Anh nghĩ thôi trước sau gì cũng chết. Nhưng định buông tay nhắm mắt lại thấy đôi mắt bố, một ngư dân sống trọn đời vì biển, nghiêm khắc nhìn.
"Tôi nhớ lại cách đây không lâu sau khi chứng kiến một thanh niên tưới xăng tự thiêu vì chuyện yêu đương, cha tôi đã nói: Mạng sống của mình là tinh cha huyết mẹ, là vốn quý của vợ con, là tài sản chung của gia đình và xã hội. Bởi vậy không ai được phép tự ý hủy hoại nó đi. Một lần nữa tôi bừng tỉnh vật lộn với biển khơi cho đến nửa đêm thì lả hẳn" - anh bồi hồi nhớ lại.
Vừa rét, vừa suy kiệt, một lần nữa anh bị hạ gục hoàn toàn cả về thể chất lẫn tinh thần...
Anh Hùng muốn gửi lời chia buồn đến gia đình 22 thủy thủ đoàn.
Chân tay rã rời, toàn thân tê dại, anh chợt nghĩ: mình chết, ai sẽ thông tin về con tàu, ai biết nó chìm ở đâu để đưa đồng đội lên… Ý nghĩ đó một lần nữa thôi thúc anh phải sống. Và anh đã chiến đấu kiên cường qua ngày 28, rồi qua ngày 29/12.
Ngày 30/12, khi phát hiện một chấm đen phía sau xuồng, anh biết có tàu đến liền xé tấm thảm nhung đỏ lót xuồng làm cờ, vừa vẫy, vừa đập nước… Một lúc sau chiếc tàu London Courage của Anh quốc đã tới. Toàn bộ thủy thủ trên tàu là người Sri Lanca, chỉ có trưởng máy và thuyền trưởng là người Ấn Độ. Anh được mặc quần áo ấm, được chăm sóc y tế, ăn uống. Với vốn tiếng Anh bằng B, anh kể họ nghe chuyện 5 ngày lênh đênh trên biển và mình là người Việt Nam. Trưởng tàu ôm chầm lấy anh thốt lên: "Ôi con người Việt Nam, chúng tôi cảm phục các bạn lắm, yêu các bạn lắm".
Anh Hùng tâm sự cùng PV Dân trí
Họ lập tức liên lạc với công ty anh, cho anh nói chuyện với vợ. Nhờ vậy, tại quê nhà, gia đình biết được tin tôi còn sống ngay từ hôm đó. Anh được đưa tới Singapore và sau đó được lo thủ tục về nước. "Ngày 4/1/2012, tôi về đến Sân bay Nội Bài mà cứ ngỡ mình đang nằm mơ. Tôi bước đi như người mộng du, hai chân bồng bềnh, người lâng lâng. Chưa bao giờ tôi yêu Tổ quốc mình đến thế...".
Trào nước mắt thương đồng đội
Chúng tôi hỏi chuyện các thủy thủ khác trên tàu, anh lặng người trào nước mắt: "Bọn tôi có 23 người ở 9 tỉnh thành khác nhau nhưng đều phía Bắc. Người cao tuổi nhất vừa 53, người ít tuổi nhất mới 24. Chúng tôi quan tâm chăm sóc nhau như anh em một nhà, buồn cùng chia, vui cùng hưởng.
Anh Hùng trong vòng tay gia đình
Để được tuyển lên tàu này, ai cũng phải bảo đảm các chỉ số hết sức nghiêm ngặt như: trình độ, tay nghề, chiều cao, sức khỏe, cân nặng và ngoại ngữ. Lương tháng cao, đãi ngộ tốt. Vì vậy các thủy thủ là niềm tự hào, là hy vọng, là trụ cột của từng gia đình. Vậy mà…" - Giọng anh tắc ngẽn, hai vai rung lên bần bật. Câu chuyện tới đây, những nụ cười vụt tắt, mọi người đều trào nước mắt tiếc thương cho 22 số phận ký thác dưới lòng biển sâu.
Anh Hùng mong cơ quan hữu trách, liên sớm tìm kiếm đưa 22 người bạn của mình sớm được về sớm với gia đình.
Qua báo chí, anh Hùng mong được gửi lời chia buồn sâu sắc đến tất cả gia đình 22 thủy thủ đoàn. Giờ đây anh chỉ mong cơ quan chức năng sớm tìm và đưa được 22 người đồng đội của mình về với đất mẹ. Chị Lại Thị Thoa vợ anh Hùng dù quá hạnh phúc với sự trở về của chồng cũng không quên nhắn nhủ: mong làm sao có điều kiện để đến được nhà cả 22 thủy thủ thăm hỏi các gia đình và thắp nén nhang...
Chúng tôi lặng nhìn nhau, cùng chung một suy nghĩ: Trong niềm vui trùng phùng của người sống, cần làm một điều gì đó để chia sẻ với những gia đình mất mát.
Nguyễn Duy - Nguyễn Đình