1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

22 thủy thủ chìm cùng tàu Vinalines Queen: Cơ bản trả xong bảo hiểm

(Dân trí) - “Việc giải quyết bảo hiểm cho 22 thủy thủ trong vụ chìm tàu Vinalines Queen đến thời điểm này cơ bản đã xong, gia đình của các thủy thủ tử nạn đã được nhận 35.000 USD tiền bảo hiểm và hỗ trợ tai nạn.”<br><a href='http://dantri.com.vn/event-1874/Tau-Vinalines-Queen-mat-tich-cung-22-thuy-thu.htm'><b>&nbsp;>>&nbsp;Tàu Vinalines Queen mất tích cùng 22 thủy thủ</b></a>

Ông Lê Phan Linh - Chủ tịch Công đoàn Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) - cho PV Dân trí biết thông tin trên sau hơn 1 năm xảy ra vụ tai nạn đáng tiếc.

Theo lãnh đạo Vinalines, trước khi tàu Vinalines Queen gặp nạn, Tổng công ty này đã ký hợp đồng bảo hiểm tại Công ty cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng Nông nghiệp với trị giá 27 triệu USD (bằng giá trị thực của tàu). Các thủy thủ trên tàu cũng đã được mua bảo hiểm tai nạn tại Công ty cổ phần Bảo hiểm Dầu khí với mức 25.000 USD/người, cùng với bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ tàu là 15.000 USD nên các thủy thủ được nhận mức bảo hiểm 40.000 USD/người.
 
Tàu Vinalines Queen - con tàu từng được coi là biểu tượng của đội tàu quốc gia
Tàu Vinalines Queen - con tàu từng được coi là biểu tượng của đội tàu quốc gia

“Trước mắt, riêng tiền bảo hiểm của các thủy thủ đã được chi trả cho gia đình là 28.000 USD, ngoài ra có thêm 7.000 USD tiền hỗ trợ tai nạn từ cán bộ-công nhân viên của ngành hàng hải và các đối tác của Vinalines, tổng cộng là 35.000 USD” - ông Linh cho hay.

Như vậy, tính đến nay, cơ quan bảo hiểm vẫn còn "nợ" mỗi thủy thủ tử nạn 12.000 USD.

Lý giải về việc này, ông Linh nói: “Tuy có tiếng là 2 loại - bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ tàu và bảo hiểm tai nạn của thủy thủ, nhưng trong quá trình giải quyết lại không tách bạch riêng mà được xử lý theo lộ trình, có khoản nào thì gửi luôn cho gia đình thủy thủ”.

Về thời gian chi trả nốt số tiền bảo hiểm còn thiếu, ông Linh cho biết phải chờ vào kết luận điều tra cuối cùng của cơ quan hữu quan.

Được biết, mới đây trong ngày giỗ đầu của các thủy thủ, Vinalines cũng gửi hỗ trợ mỗi gia đình 2 triệu đồng.

Tàu Vinalines Queen với trọng tải 56.700 tấn đóng mới tại Nhật Bản năm 2005 và được Vinalines mua về với giá 27 triệu USD. Đây là tàu chở hàng rời hiện đại nhất Việt Nam và từng được coi là biểu tượng của đội tàu quốc gia.

Các chuyên gia ngành hàng hải đánh giá, ngay cả khi thị trường tàu biển đang xuống dốc thì giá mua tàu 27 triệu USD của Vinalines vẫn được coi là rẻ. Tuy nhiên, cuộc viễn dương của con tàu này và 22 thủy thủ đoàn đã phải dừng lại do xảy ra tai nạn hồi cuối tháng 12/2011 ở ngoài khơi Philippines. Vụ việc trở thành sự cố tồi tệ nhất trong lịch sử ngành hàng hải Việt Nam.

Tàu bị mất liên lạc tại khu vực phía Đông - Bắc Đảo Luzon của Philippines. Chính phủ Việt Nam đã kêu gọi các nước trong khu vực hỗ trợ và tham gia tìm kiếm cứu nạn cấp quốc tế. Đến ngày 30/12/2011, thông tin tàu Vinalines Queen bị chìm cùng 22 thủy thủ đoàn đã chính thức được xác nhận, thủy thủ duy nhất may mắn sống sót cho đến thời điểm này là anh Đậu Ngọc Hùng (SN 1980, quê Nghệ An).

Đầu năm 2012, Cục Hàng hải Việt Nam đã thành lập Tổ công tác đặc biệt thực hiện việc điều tra trên diện rộng để tìm hiểu nguyên nhân dẫn tới tai nạn của tàu Vinalines Queen. Cuối tháng 9/2012, Cục Hàng hải Việt Nam đã công bố kết luận điều tra, trong đó chỉ ra nguyên nhân con tàu định mệnh Vinalines Queen bị chìm là do hành hải trong điều kiện thời tiết xấu, Nikel trên tàu hóa lỏng làm tàu bị nghiêng, cùng với đó là sự nhận định của thuyền trưởng về sự cố lại thiếu chính xác nên đã đưa ra những hành động không có hiệu quả khiến tàu chìm.

Trước nhiều ý kiến cho rằng kết luận nguyên nhân chìm tàu Vinalines Queen của Cục Hàng hải chủ yếu đổ lỗi cho người chết (thuyền trưởng), Bộ Giao thông Vận tải khẳng định đó chỉ là kết luận sơ bộ và việc điều tra sẽ được thẩm định lại một cách khách quan, đầy đủ hơn. Tuy nhiên cho đến nay vẫn chưa có kết luận chính thức nào được đưa ra.

Quỳnh Anh