1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Chuyện ghi tại nhà thủy thủ sống sót trên tàu Vinalines Queen

(Dân trí) - Từ sáng sớm 5/1, mọi sinh hoạt ở miền biển Sơn Hải như ngưng hẳn, chợ búa thưa thớt người, bến tàu vắng tiếng máy. Rất đông người dân, bất kể nội ngoại thân sơ đều hồi hộp chờ đợi thủy thủ tàu Vinalines Queen may mắn sống sót trở về<br><a href='http://dantri.com.vn/event-1874/Tau-Vinalines-Queen-mat-tich-cung-22-thuy-thu.htm'><b>&nbsp;>>&nbsp; Tàu Vinalines Queen mất tích cùng 22 thủy thủ</b></a>

Anh Nguyễn Huy Thân - phó trưởng công an xã xã Sơn Hải (Quỳnh Lưu, Nghệ An) cho biết: Lực lượng công an đã triển khai các phương án nhằm bảo đảm ANTT tránh niềm vui quá tải ảnh hưởng đến không khí chung. Trạm xá xã cũng cử bác sỹ đến đề phòng trường hợp quá xúc động dẫn đến ảnh hưởng sức khỏe.

Anh Nguyễn Quang Tuấn xóm 8 hồ hởi nói các anh cùng lứa nên biết anh Hùng giỏi bơi nhất làng ngay từ khi còn nhỏ. Trước đây anh đã 2 lần rơi xuống biển nhưng do giỏi bơi nên thoát chết. Cụ Trần Thanh Nam vừa nâng ly trà nóng vừa góp chuyện: "Hùng là người sống có tình. Ai khó khăn gì sẵn sàng lao vào giúp bất kể thân sơ. Suốt đời nó chưa gây gổ với ai. Có lẽ vì vậy mà ông trời phù hộ độ trì".
 
Chuyện ghi tại nhà thủy thủ sống sót trên tàu Vinalines Queen - 1
Anh Đậu Ngọc Hùng 
 
Ông Đậu Ngọc Cư (bố anh Hùng) nước mắt cứ rơi trên khuôn mặt chưa hết hồi hộp. Mẹ anh - bà Ngô Thị Ngoãn thì cứ hết cười lại khóc: "Con về thật không? Con ơi! con về thật không…".
 
Quây quần ngồi đợi anh Hùng về, tôi may mắn được nói chuyện với cả bố mẹ và các chị của anh Hùng lẫn bố mẹ chị Thoa vợ anh. Họ kể cho tôi nghe chuyện tình đẹp như trong cổ tích của anh chị. Sinh năm 1980 trên quê biển Sơn Hải, vừa là con út vừa là con trai độc nhất trong gia đình có 5 chị em mà bố là thủy thủ tàu vút cô (viễn dương bây giờ), ngay từ nhỏ Hùng đã gắn với biển và hấp thụ lòng yêu biển ở người bố. Lớn lên, anh học giỏi và thi đậu vào trường THPT Quỳnh Lưu 1 (ngôi trường đào tạo số 1 của huyện này).
 
Hùng được xếp ngồi cùng ghế với nữ sinh Lại Thị Thoa quê Quỳnh Giang dịu hiền học giỏi. Tình yêu tuổi học trò chớm nở. 3 năm học cấp 3, họ ríu rít bên nhau giúp nhau học tập. Tốt nghiệp THPT, Hùng lên đường làm nghĩa vụ quân sự. Thoa vào trung cấp y khoa.
 
Chuyện ghi tại nhà thủy thủ sống sót trên tàu Vinalines Queen - 2
Hơn 11 năm yêu nhau Hùng và Thoa mới trở nên vợ chồng.
 
Ba năm sau, Hùng xuất ngũ, Thoa ra trường. Họ quyết định chưa kết hôn mà lo sự nghiệp trước. Thoa nhận việc ở trạm xá xã. Hùng xuất khẩu lao động sang Malaysia. 2 năm sau, anh trở về, số tiền làm được anh giúp bố mẹ. Không quên được nỗi nhớ biển, anh nén nhớ thương tạm biệt người yêu vào Sài Gòn, ngày làm công nhân nhà máy xi măng, đêm học cao đẳng hằng hải tại chức.
 
Tốt nghiệp bằng ưu, anh về lại quê hương, trở thành thuyền trưởng của những con tàu lớn nhất cảng Lạch Quèn. Năm 2007, họ kết hôn sau 11 năm khắc khoải đợi chờ. Chưa bằng lòng với số phận, anh chia tay người vợ đang bụng mang dạ chửa ra Hải Phòng thi đậu vào học trường sỹ quan Hàng Hải.
 
Tốt nghiệp bằng khá, anh nạp đơn thi tuyển vào Công ty vận tải biển Vinalines Shipping thuộc tổng công ty hàng hải Việt Nam. Bằng nỗ lực bản thân, anh được nhận là thủy thủ chính thức của tàu Vinalines Queen và lần xuất cảnh đầu tiên thì anh và đồng đội gặp nạn.
 
Trao đổi với gia đình và chúng tôi qua điện thoại, thủy thủ Đậu Văn Hùng kể: "Sáng 25/12, lúc phát hiện con tàu nghiêng thì thuyền trưởng và ban chỉ huy tàu đã thông báo trên loa, tất cả mọi thuyền viên đều mặc áo phao cá nhân, quần áo chống bắt nhiệt và theo sự chỉ đạo của ban chỉ huy tàu tất cả thủy thủ lên boong tàu để chuẩn bị hạ xuồng cứu sinh.
 
Mọi người đều trong tư thế sẵn sàng, dây chằng buộc của các xuồng cứu sinh cũng đã được tháo. Tuy nhiên, từ lúc tàu nghiêng đến chìm diễn ra rất nhanh. Sóng chồm cao và gió giật mạnh, chúng tôi không thể nhảy ra khỏi tàu lúc đó vì lực hút của chân vịt rất lớn, con tàu là cái phao duy nhất nên chỉ biết bám vào nó, còn nếu nhảy thì chắn chắn không thể sống. Khi tàu chìm, tôi và mọi người đều thoát ra ngoài nhưng bị lực hút dìm xuống nước rất sâu.
 
Theo kinh nghiệm đi biển, tôi nín thở trôi xuống theo lực hút rồi lấy hết sức bình sinh ngoi mình lên được và bám vào chiếc phao bè tự thổi của tàu rồi lần được tới xuồng cứu sinh. Lúc đó tôi thật sự hoảng loạn và kinh hoàng khi nhìn quanh không thấy các đồng đội của mình đâu nữa. Chiếc xuồng cứu sinh trôi tự do không điều khiển được vì bị va đập với tàu, nước bị tràn vào guồng máy.
 
Lúc đó do va đập vào tàu Vinalines Queen nên tôi cũng bị thương nhẹ. Lúc đầu tôi hoảng loạn quá nên không nghĩ được điều gì, nhưng sau đó khi bình tĩnh hơn tôi đã hi vọng về sự sống. Nhưng đến ngày thứ 3 tôi mệt lả, nhìn gió lớn, sóng cao, mất phương hướng, tôi nghĩ thế là hết, một con sóng lớn lại ập đến quật tôi tơi tả tôi ngất đi, quỵ hẳn phó mặc cho số phận.
 
Chuyện ghi tại nhà thủy thủ sống sót trên tàu Vinalines Queen - 3
Cô con gái 4 tuổi của anh Hùng.
 
Trong vô thức, bỗng tôi nhìn thấy vợ và con gái. Tình yêu gia đình là một trong những nguyên nhân thôi thúc tôi phải sống.
 
Sang ngày thứ 5 lênh đênh trên biển (30/12), từ xa tít, tôi thấy một chấm đen xuất hiện. Con tàu … Tôi vụt reo lên. Nhưng kinh nghiệm cho thấy, Kêu cứu là vô ích mà mất sức. Tôi cố giữ cho xuồng hướng về phía con tàu rồi lấy hết sức bình sinh đập tay chân xuống biển để nước bắn tung lên. Tàu London Courage của Anh đã đến cứu và đưa lên tàu chăm lo rất chú đáo. Khi nghe tôi ra ký hiệu đã trôi trên biển 5 ngày, các thủy thủ thốt lên hai tiếng Vietnam đầy thán phục...".
 
Trời tối dần, cái lạnh giá vùng biển vẫn không làm cho miền quê này hết "nóng". Đã 23 giờ đêm anh Hùng vẫn chưa về. Sáng 5/1, chị Thoa không thể kiên nhẫn hơn, đã khăn gói ra Hà Nội gặp chồng. Trao đổi với chúng tôi qua điện thoại, chị cho biết do điều kiện khách quan, vợ chồng chị đang lưu lại Hà Nội và ít hôm nữa mới về Nghệ An.
 

 Nguyễn Đình