1. Dòng sự kiện:
  2. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh
  3. Thành phố Thủ Đức

Nhan nhản người vi phạm vượt đèn đỏ: Có nên áp dụng những hình phạt "lạ"?

Trần Thanh

(Dân trí) - Người vi phạm vượt đèn đỏ sẽ bị xử phạt tiền, ngoài ra sẽ bị tước giấy phép lái xe. Có ý kiến cho rằng nên bổ sung việc xử phạt như chép luật giao thông, lao động công ích để tăng thêm tính răn đe.

Những hình phạt "lạ đời" với người vượt đèn đỏ

Tình trạng người tham gia giao thông vượt đèn đỏ không chỉ là một vấn đề nhức nhối đã và đang xảy ra tại nước ta mà tại một số quốc gia trên thế giới, hành vi vi phạm này cũng làm các giới chức đau đầu. 

Vào năm 2015, tại TP Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc (Trung Quốc), lực lượng chức năng áp dụng chính sách xử lý "lạ" với những người vượt đèn đỏ. Theo đó, những người vượt đèn đỏ sẽ phải đứng nguyên tại hiện trường cho đến khi CSGT phát hiện thêm trường hợp vi phạm khác.

Nhan nhản người vi phạm vượt đèn đỏ: Có nên áp dụng những hình phạt lạ? - 1

Chỉ trong một nhịp đèn đỏ tại Hà Nội, một tốp gồm 10 xe máy có hành vi vượt đèn đỏ qua ngã tư Lê Văn Lương - Nguyễn Tuân hướng đi Lê Văn Lương - Phạm Hùng (Ảnh: Trần Thanh).

Từ giữa tháng 8/2014, cảnh sát tại Trường Sa, tỉnh Hồ Nam (Trung Quốc) cũng chọn cách đánh vào lòng tự trọng của người tham gia giao thông bằng cách yêu cầu người vi phạm đứng trước ngã tư đông đúc nếu không muốn nộp phạt.

Người vi phạm phải đứng giữa đường, cầm biển an toàn giao thông với thời lượng tương ứng mức độ vi phạm. Chẳng hạn, người đi xe đạp điện sai làn đường, chở quá số người quy định, sẽ bị phạt đứng 60 phút. Tuy nhiên, nếu họ thừa nhận lỗi, sẽ được giảm thời gian phạt xuống 30 phút.

Nhà chức trách cho biết, hình phạt này được khá nhiều người dân ủng hộ, đa số đều đánh giá hình thức này hiệu quả hơn cả phạt tiền.

Có nên bắt người vi phạm chép phạt, lao động công ích?

Trao đổi với phóng viên Dân trí, Đại tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự, an toàn giao thông (Cục CSGT, Bộ Công an) cho biết, hiện nay tất cả các hình thức xử phạt vi phạm luật giao thông đều phải tuân thủ theo quy định của pháp luật.

Cụ thể, trong luật xử lý vi phạm hành chính có hai hình thức quy định là xử phạt chính và hình phạt bổ sung, đơn cử như xử phạt chính gồm phạt tiền, hình thức phạt bổ sung như tước giấy phép lái xe... Và tới đây, sẽ bổ sung thêm việc trừ điểm giấy phép lái xe.

Nhan nhản người vi phạm vượt đèn đỏ: Có nên áp dụng những hình phạt lạ? - 2

Đại tá Nhật cho biết, Cục CSGT cũng sẽ nghiên cứu để đề xuất những hình thức phạt bổ sung hợp lý, phù hợp với điều kiện của Việt Nam hiện nay (Ảnh: Hữu Nghị).

"Trên thế giới hiện nay có rất nhiều cách làm, cách xử phạt vi phạm giao thông tùy theo đặc thù của từng nước, tình hình phát triển kinh tế xã hội, đặc thù về dân cư, văn hóa, chính trị, pháp luật mà họ có những biện pháp xử lý riêng, nhưng mục tiêu cao nhất vẫn là răn đe, để người vi phạm sẽ không muốn, không thể hoặc không dám thực hiện hành vi vi phạm đó nữa", Đại tá Nhật nêu dẫn chứng.

Cũng theo Đại tá Nhật, trước đây ở nước ta cũng có một số đề xuất xử phạt bổ sung với người vi phạm giao thông như bắt lao động công ích... Trong quá trình tổ chức xử lý các hành vi vi phạm, phía Cục CSGT cũng sẽ nghiên cứu để tham mưu, đề xuất sửa đổi những quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính.

Ngoài ra, Cục CSGT cũng sẽ nghiên cứu đề xuất những hình thức phạt bổ sung hợp lý, để phù hợp với điều kiện của Việt Nam hiện nay.

"Tuy nhiên, trước tiên chúng ta hãy cứ áp dụng đúng các quy định của pháp luật về việc xử lý các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông. Tới đây, quy định về việc trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe có hiệu lực, đây cũng là cách để người dân không muốn vi phạm nữa. Đây cũng chính là một hình thức mới sẽ được áp dụng", Đại tá Nguyễn Quang Nhật lấy ví dụ.

Nêu quan điểm về các hình thức phạt bổ sung với hành vi vượt đèn đỏ, luật sư Hoàng Văn Hướng, Trưởng văn phòng luật sư Hoàng Hưng, Đoàn luật sư TP Hà Nội, cho biết, ông hoàn toàn ủng hộ với các hình thức phạt bổ sung với người vi phạm như phải chép phạt luật giao thông, lao động công ích...

Nhan nhản người vi phạm vượt đèn đỏ: Có nên áp dụng những hình phạt lạ? - 3

Luật sư Hoàng Văn Hướng đề xuất việc người vi phạm giao thông sẽ bị phạt lao động công ích (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

"Tuy nhiên, việc này cũng phải tùy theo các đối tượng vi phạm, ví dụ như các cháu nhỏ vi phạm thì việc chép phạt mang tính răn đe, giáo dục, nhưng đối với những người cứng rắn thì chúng ta phải có các phương án xử phạt bổ sung khác", luật sư chia sẻ.

Nói về đề xuất các hình thức xử phạt bổ sung mới, luật sư Hướng đề xuất việc người vi phạm giao thông sẽ bị phạt lao động công ích, có thể như lao động tại chỗ, quét nhà vệ sinh, lao động công ích công cộng...

"Thậm chí các hình phạt bổ sung cũng cần phải phong phú hơn, mục đích nhằm răn đe, giáo dục, ngăn chặn và đánh vào ý thức, tư tưởng của người dân khi họ tham gia giao thông, làm sao để họ không vi phạm nữa", luật sư Hoàng Văn Hướng nhấn mạnh.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm