1. Dòng sự kiện:
  2. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh
  3. Vi phạm giao thông ở các thành phố lớn

Nữ nhân viên ngân hàng vượt đèn đỏ: "Đường tắc nên tôi liều để kịp giờ làm"

Trần Thanh

(Dân trí) - "Buổi sáng đường tắc, cơ quan tôi ở tận Hà Đông nên tôi mới liều vượt đèn đỏ", nữ nhân viên ngân hàng 29 tuổi ở Hà Nội trình bày với cảnh sát giao thông.

Đua nhau vi phạm giờ cao điểm

Tình trạng người dân vi phạm giao thông diễn ra khá phổ biến ở Hà Nội thời gian qua. 

Ghi nhận của phóng viên Dân trí, sáng 11/12, tại nút giao Khuất Duy Tiến - Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân, Hà Nội), hàng loạt tài xế xe ôm công nghệ, người dân, công nhân viên chức bị Tổ công tác của Đội cảnh sát giao thông đường bộ số 7 (Phòng Cảnh sát giao thông Hà Nội) kiểm tra, xử lý.

Nữ nhân viên ngân hàng vượt đèn đỏ: Đường tắc nên tôi liều để kịp giờ làm - 1

Hàng loạt tài xế xe ôm công nghệ bị cảnh sát xử lý sáng 11/12 (Ảnh: Trần Thanh).

Phần lớn các hành vi vi phạm bị xử lý là vượt đèn đỏ, đi ngược chiều… Đáng nói, các tài xế mặc dù thấy cảnh sát giao thông đứng giữa ngã tư, nhưng do ý thức kém và thói quen xấu nên họ vẫn cố tình vi phạm.

Di chuyển từ đường Nguyễn Trãi hướng đi quận Hà Đông, khi tới nút giao Khuất Duy Tiến - Nguyễn Xiển, chị H.T.T. (29 tuổi, ở quận Thanh Xuân) vượt đèn đỏ, bất chấp dòng phương tiện đông đúc và cả lực lượng cảnh sát giao thông đang làm nhiệm vụ giữa ngã tư.

Nữ nhân viên ngân hàng vượt đèn đỏ: Đường tắc nên tôi liều để kịp giờ làm - 2

Chị H. tại chốt cảnh sát giao thông (Ảnh: Trần Thanh).

"Buổi sáng đường tắc quá, cơ quan tôi ở tận Hà Đông nên tôi mới liều vượt đèn đỏ để đi làm cho kịp giờ", chị H. nói khi bị cảnh sát lập biên bản xử phạt. Người phụ nữ cho biết bản thân là một nhân viên ngân hàng có trụ sở tại quận Hà Đông.

Với lỗi vi phạm vượt đèn đỏ, các tài xế xe máy sẽ bị cảnh sát giao thông lập biên bản xử phạt 900.000 đồng và tước giấy phép lái xe 2 tháng.

 

Hành khách "bất lực" khi tài xế xe ôm cố tình vi phạm

Trong giờ cao điểm buổi sáng, tài xế xe ôm công nghệ L.N.H. (23 tuổi, quê Thanh Hóa) chở theo một hành khách vượt đèn đỏ, trong khi những người khác vẫn đang đứng đợi tín hiệu đèn chuyển xanh.

"Do khách giục quá nên tôi mới vượt đèn đỏ. Tôi cũng thấy nhiều người vi phạm nên tôi mới đi theo", nam tài xế lấy lý do bao biện cho hành vi vi phạm của bản thân.

Nữ nhân viên ngân hàng vượt đèn đỏ: Đường tắc nên tôi liều để kịp giờ làm - 3

Sau khi tài xế xe ôm của mình bị cảnh sát xử lý do vượt đèn đỏ, anh Hiệp (áo đen) cho biết, sẽ phải mất thêm thời gian để bắt một "cuốc" xe khác tới cơ quan (Ảnh: Trần Thanh).

Trao đổi với phóng viên Dân trí, anh Lê Văn Hiệp (24 tuổi) - hành khách của tài xế H. - cho biết anh cũng "bất lực" khi tài xế xe ôm của mình cố tình vi phạm.

"Tôi cũng vội để đi làm thật nhưng tôi cũng không đồng ý khi các tài xế cố tình vi phạm. Việc họ bị cảnh sát xử lý cũng ảnh hưởng tới thời gian làm việc của tôi", anh Hiệp thở dài rồi nói sẽ phải mất thời gian để bắt một "cuốc" xe khác tới cơ quan.

Cùng lúc, cảnh sát giao thông cũng dừng xe, xử lý thêm 3 trường hợp vượt đèn đỏ khác. Các tài xế vi phạm lấy nhiều lý do như vội đi làm, trời mưa nên vượt lên để tìm chỗ trú, vội đưa con đi học...

Trao đổi với phóng viên Dân trí, Thiếu tá Đặng Trần Hưng, tổ trưởng tổ công tác Đội cảnh sát giao thông đường bộ số 7, cho biết, trong tháng 11 vừa qua, đơn vị này đã xử lý 63 trường hợp vượt đèn đỏ (phạt 56,7 triệu đồng), 46 trường hợp đi vào đường ngược chiều (phạt 69 triệu đồng).

"Thời gian qua, chúng tôi liên tục xử lý tình trạng người tham gia giao thông vượt đèn đỏ, đi ngược chiều và các lỗi vi phạm khác. Tuy nhiên, khi vắng bóng lực lượng chức năng, tình trạng vi phạm lại tái diễn", Thiếu tá Hưng chia sẻ.

Nữ nhân viên ngân hàng vượt đèn đỏ: Đường tắc nên tôi liều để kịp giờ làm - 4

Hàng loạt trường hợp vượt đèn đỏ, đi ngược chiều đường bị lực lượng chức năng xử lý (Ảnh: Trần Thanh).

Nói về những khó khăn trong việc tình trạng vi phạm vẫn tái diễn, Thiếu tá Hưng cho biết, tại các nút giao, ngã tư lớn, một số trường hợp người dân ý thức kém vẫn vượt đèn đỏ, đi ngược chiều, thậm chí có những trường hợp mặc dù thấy cảnh sát giao thông nhưng họ vẫn cố tình vi phạm.

"Có những người tham gia giao thông ý thức rất kém, mặc dù thấy cảnh sát làm nhiệm vụ ở các ngã tư, nút giao, nhưng họ vẫn cố tình vi phạm, để rồi khi bị xử lý thì lại xin xỏ. Đây là những thói quen xấu mà nhiều người vẫn mắc phải khi đi trên đường", Thiếu tá Đặng Trần Hưng nói.

Về các đối tượng vi phạm, theo vị Thiếu tá cảnh sát giao thông, họ không chỉ là tài xế xe ôm, người lao động mà còn cả những công nhân viên chức, những người có tri thức, địa vị trong xã hội cũng vi phạm... và đều bị lực lượng chức năng xử lý nghiêm, trên tinh thần thượng tôn pháp luật.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm