Uống rượu tân gia, nam bác sĩ vi phạm nhưng không chịu "thổi cồn"
(Dân trí) - Thừa nhận với cảnh sát bản thân là bác sĩ nha khoa và đã sử dụng rượu bia, tuy nhiên khi cảnh sát giao thông yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn, anh D. không chấp hành và bị lập biên bản xử phạt.
Đêm 10/12, tổ công tác của Đội Cảnh sát giao thông đường bộ số 6, Phòng Cảnh sát giao thông Công an Hà Nội làm nhiệm vụ kiểm tra nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện giao thông.
Trăm kiểu lý giải của người vi phạm
Theo ghi nhận của phóng viên Dân trí, trong đêm nhiều tài xế đã được tổ công tác kiểm tra và phát hiện có sử dụng rượu, bia trước khi lái xe, thậm chí có trường hợp vi phạm nồng độ cồn, nhưng không chấp hành việc kiểm tra của cảnh sát.
Ghi nhận của phóng viên, lúc 21h, cảnh sát dừng xe máy nhãn hiệu Honda SH do tài xế L.T.D. (25 tuổi, ở quận Nam Từ Liêm) cầm lái, đi trên đường Lê Đức Thọ. Qua kiểm tra định tính, cảnh sát phát hiện nam tài xế có nồng độ cồn.
Tuy nhiên, khi cảnh sát yêu cầu anh D. thổi vào máy kiểm tra định lượng để xác định mức vi phạm, nam tài xế này liên tục từ chối.
Sau 3 lần yêu cầu người vi phạm chấp hành nhưng bất thành, cảnh sát đã lập biên bản vi phạm với anh D. Theo đó, nam tài xế sẽ bị xử phạt 7 triệu đồng và tước giấy phép lái xe 23 tháng.
"Tối nay tôi sang nhà đồng nghiệp để ăn tân gia nên đã uống rượu. Tôi là bác sĩ nha khoa và có một phòng khám tư ở gần đây, mong các đồng chí bỏ qua lần này", anh D. trình bày với cảnh sát để xin bỏ qua vi phạm nhưng không được chấp nhận, bị tổ công tác lập biên bản.
Trong đêm, cảnh sát giao thông liên tiếp phát hiện 3 tài xế vi phạm nồng độ cồn ở mức 2 (vượt quá 0,25mg/lít khí thở đến 0,4mg/lít khí thở) và một trường hợp vi phạm ở mức 1 (dưới 0,25mg/lít khí thở). Các trường hợp vi phạm đều thừa nhận, họ đã sử dụng rượu, bia trước khi lái xe.
Đơn cử như trường hợp của anh P.V.H. (ở Hà Nội), điều khiển xe máy chở theo bạn gái đi trên đường Lê Đức Thọ. Khi bị cảnh sát kiểm tra, anh H. vi phạm nồng độ cồn ở mức 0,224mg/lít khí thở.
Lý giải về trường hợp của mình, anh H. cho biết: Chiều nay tôi có ăn liên hoan và uống 7 cốc bia, tôi không ngờ tới tối lại bị cảnh sát kiểm tra, xử lý thế này. Tôi biết luật nồng độ cồn và sẽ chấp hành việc xử phạt.
Với mức vi phạm của mình, anh H. đã bị cảnh sát lập biên bản xử phạt 2,5 triệu đồng và tước giấy phép lái xe 11 tháng.
Không du di cho bất cứ trường hợp nào
Là người vi phạm nồng độ cồn khi lái xe, trao đổi với phóng viên, anh Hoàng Hữu (ở quận Thanh Xuân) chia sẻ, bản thân anh cũng từng bị cảnh sát giao thông xử phạt do uống rượu bia rồi điều khiển ô tô.
"Tôi nghĩ rằng, việc vi phạm hay không là do ý thức từ chính mỗi người. Tôi cũng rất mong các đồng chí cảnh sát giao thông xử lý nghiêm tất cả các trường hợp vi phạm, cho dù đó là ai", anh Hữu nói.
Trung tá Phạm Văn Chiến, Đội trưởng Đội cảnh sát giao thông đường bộ số 6, cho biết, thực hiện sự chỉ đạo của cấp trên về việc xử lý vi phạm nồng độ cồn trên tinh thần "không vùng cấm, không ngoại lệ", đơn vị này liên tục kiểm tra, xử lý đa dạng các nhóm đối tượng vi phạm, trong đó có cả các tầng lớp lao động, tri thức, công nhân viên chức...
"Chúng tôi liên tục tuần tra và xử lý nghiêm với tất cả các nhóm đối tượng vi phạm, trên nhiều tuyến đường thuộc địa bàn quản lý. Không có việc phân biệt xử lý hay du di cho bất cứ nhóm đối tượng nào", Trung tá Chiến khẳng định.
Chỉ huy Đội cảnh sát giao thông đường bộ số 6 cũng cho biết, trong tháng 11 vừa qua, đơn vị đã xử lý gần 300 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, trong đó có 4 trường hợp tài xế ô tô vi phạm.
"Dịp cuối năm và các ngày lễ, Tết, đơn vị sẽ tiếp tục tăng cường và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm luật giao thông, trong đó có hành vi vi phạm nồng độ cồn. Quan điểm của chúng tôi là xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, không có vùng cấm hay ngoại lệ", Trung tá Phạm Văn Chiến nói thêm.