1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Xử lý hành vi vượt đèn đỏ: Cần lắp camera phạt nguội, công khai vi phạm

Trần Thanh

(Dân trí) - Theo luật sư, để hạn chế các vi phạm như vượt đèn đỏ, cơ quan chức năng nên lắp đặt hệ thống camera phạt nguội, công khai vi phạm của các cá nhân, tổ chức trên các phương tiện truyền thông...

Tình trạng người điều khiển xe máy, mô tô tham gia giao thông vượt đèn đỏ ở Hà Nội, có thể gây nguy hiểm cho bản thân và những người xung quanh khác... đã và đang là một bài toán đau đầu đối với lực lượng chức năng.

Cần tăng nặng mức xử phạt

Trao đổi với phóng viên Dân trí, Đại tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự, an toàn giao thông (Cục CSGT, Bộ Công an), đã có những ý kiến xung quanh vấn đề này.

Theo Đại tá Nhật, hiện nay ý thức của người tham gia giao thông đã được nâng lên, tuy nhiên chúng ta cũng nhận thấy rằng, một bộ phận người tham gia giao thông ý thức chấp hành pháp luật còn hạn chế.

Xử lý hành vi vượt đèn đỏ: Cần lắp camera phạt nguội, công khai vi phạm - 1

Đại tá Nguyễn Quang Nhật (Ảnh: Trần Thanh).

Ông Nhật lấy ví dụ như tình trạng người tham gia giao thông đi ngược chiều, sử dụng rượu bia khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Ngoài ra còn phải kể đến hành vi không chấp hành hiệu lệnh đèn tín hiệu giao thông (vượt đèn đỏ) vẫn còn nhiều.

Theo vị Đại tá, tình trạng vượt đèn đỏ xuất hiện tại TP Hà Nội cũng như một số thành phố lớn khác xảy ra chủ yếu vào các buổi sáng sớm hoặc đêm, tại các nút giao, ngã ba, ngã tư không có lực lượng CSGT giám sát. Các đối tượng vi phạm chủ yếu là mô tô và xe gắn máy.

"Đây cũng là một vấn đề rất đáng báo động, bởi tại các nút giao mà có hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông, nếu người tham gia giao thông không chấp hành hiệu lệnh, sẽ làm tăng nguy cơ xảy ra tai nạn.

Ngay cả khi đèn tín hiệu chỉ nháy vàng liên tục, mặc dù các phương tiện giao thông được phép đi nhưng luật cũng yêu cầu người và phương tiện phải giảm tốc độ, phải chú ý quan sát và phải nhường đường cho người đi bộ", Đại tá Nhật nói.

Xử lý hành vi vượt đèn đỏ: Cần lắp camera phạt nguội, công khai vi phạm - 2

Cảnh sát giao thông Hà Nội xử lý một trường hợp vượt đèn đỏ (Ảnh: Trần Thanh).

Nói về đề xuất tăng nặng mức xử phạt với các hành vi gây tai nạn giao thông, cố ý xâm phạm trật tự an toàn giao thông như việc vượt đèn đỏ, đi ngược chiều... Đại tá Nhật cho hay, đây là một trong những việc cần làm nhằm đảm bảo trật tự an toàn giao thông, đảm bảo an toàn về tính mạng, sức khỏe, tài sản của nhân dân.

"Chúng tôi cũng dựa trên rất nhiều yếu tố, và trong đó, việc nghiên cứu thực tế, thực trạng hoạt động trật tự an toàn giao thông, những vi phạm giao thông có thể nói là ngang nhiên như báo Dân trí đã phản ánh.

Chúng tôi nghĩ rằng, một bộ phận những người tham gia giao thông không có ý thức, đấy là tình trạng đáng báo động, tình trạng cần phải tổ chức thiết lập kỷ cương, ngăn chặn kịp thời, không để những hành vi này có thể tiếp tục nảy nở, phát triển", Đại tá Nguyễn Quang Nhật nói thêm.

Lắp camera phạt nguội, công khai vi phạm trên truyền thông

Nhìn nhận về vấn đề trên, luật sư Lê Hồng Hiển, Giám đốc Hãng luật Lê Hồng Hiển và Cộng sự nhận định, để hạn chế tình trạng người dân ở Hà Nội vượt đèn đỏ, các cơ quan chức năng nên lắp đặt hệ thống camera giám sát giao thông ở các tuyến đường, đặc biệt là các tuyến đường thường xuyên xảy ra ùn tắc và tai nạn giao thông.

"Thông qua hệ thống camera giám sát này, cơ quan chức năng sẽ dễ dàng phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm giao thông, đặc biệt là hành vi vượt đèn đỏ.

Xử lý hành vi vượt đèn đỏ: Cần lắp camera phạt nguội, công khai vi phạm - 3

Một trường hợp vượt đèn đỏ nhưng liều lĩnh quay xe bỏ chạy khi thấy cảnh sát giao thông, gây nguy hiểm (Ảnh: Trần Thanh).

Mọi hành vi vi phạm giao thông của cá nhân, tổ chức đều được ghi lại và công bố công khai trên các phương tiện truyền thông, hoặc trên các ứng dụng của điện thoại di động, từ đó tăng tính minh bạch và người dân có thể giám sát", luật sư Hiển nói.

Cũng theo luật sư, khi biện pháp này được triển khai và việc phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm được thực hiện công khai, minh bạch thì chắc chắn sẽ hạn chế được rất nhiều tình trạng vi phạm pháp luật giao thông như hiện nay, bởi khi người dân biết và có niềm tin chắc rằng nếu mình vi phạm thì sẽ bị phát hiện và đều bị xử lý.

"Khi người dân biết rằng, việc xử lý không có vùng cấm, không có ngoại lệ thì họ sẽ phải cân nhắc rất kỹ đối với mỗi hành vi của bản thân, từ đó sẽ nâng cao ý thức chấp hành pháp luật giao thông", ông Hiển đánh giá.

Còn theo Đại tá Nguyễn Quang Nhật, việc kiểm tra xử lý của lực lượng chức năng chỉ là một trong những biện pháp mà chúng ta cần phải tiến hành.

Ông Nhật cho rằng điều quan trọng là cần đẩy mạnh việc tuyên truyền để nâng cao ý thức, thay đổi hành vi của người dân, để họ nhận thức được việc không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông sẽ làm tăng nguy cơ xảy ra tai nạn, rủi ro khi tham gia giao thông.

Ông Nhật cũng đồng ý với phương án tăng cường đầu tư việc lắp đặt hệ thống giám sát về giao thông tại các nút giao trọng điểm, để tăng cường phát hiện, xử lý các hành vi vượt đèn đỏ.

Cục CSGT, Bộ Công an đang tham mưu xây dựng dự thảo nghị định xử phạt hành chính, trong đó dự kiến tăng nặng mức xử phạt với các hành vi gây tai nạn giao thông, cố ý xâm phạm trật tự an toàn giao thông...

Cụ thể đối với ô tô, hành vi vượt đèn đỏ: mức phạt cũ 4 đến 6 triệu đồng; dự kiến mức phạt mới 9 đến 11 triệu đồng.

Đối với xe máy, theo đề xuất mới, hành vi vượt đèn đỏ: mức phạt cũ 800.000 đến 1 triệu đồng; mức phạt mới dự kiến 4 đến 6 triệu đồng.